'Con kiến và cành đa'

22/01/2016 10:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh con kiến và cành đa - “leo ra, leo vào” - cũng là thực trạng của nền bóng đá chúng ta lâu nay. Tuy nhiên, sau giải U23 châu Á thì thực tế này cần được "mổ xẻ".

1. Đầu tiên, những tiên liệu về thất bại của các ĐTVN dưới thời HLV Miura, cùng năng lực HLV này có vấn đề, đã được dư luận “đọc vị” từ rất sớm. Dù thế, hầu như không hề có sự can thiệp từ lãnh đạo nền bóng đá, nhằm cải thiện tình hình ngày càng xấu đi.

Khi xem Tuấn Anh thi đấu quá xuất sắc trận thủ tục gặp UAE, càng thương cảm anh, và nghĩ: quái lạ, tại sao một cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm 2014, luôn được giới chuyên môn đánh giá cao qua thực tiễn của tiền vệ này, lại không được HLV Miura tin dùng trong gần 2 năm qua. Ngay cả tại VCK U23 châu Á, không ít gương mặt nhạt nhòa được trao cơ hội, mà phải đến trận thứ 3, khi bài đã ngửa, Tuấn Anh mới được tung vào sân…

Thứ hai, chưa bao giờ sự bất đồng của các vị trong Thường trực VFF lại bộc lộ sâu sắc đến vậy khi họ không ngại công kích nhau trên các phương tiện truyền thông. Vậy thì làm sao họ có thể phối hợp để làm tốt phần việc của mình trong nửa nhiệm kỳ còn lại?


Thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2016 chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại của BĐVN. Ảnh: Anh Đức

2. Tôi nghĩ rằng, đấy là cơ sở quan trọng để tiên liệu sắp tới, những quyết sách lớn của nền bóng đá, sẽ còn tiếp tục gặp nhiều trở ngại, rất khó sáng suốt, bền vững, trong bối cảnh mâu thuẫn trong VFF căng thẳng như thế. Thậm chí, không loại trừ khả năng nền bóng đá sẽ tiếp tục vòng luẩn quẩn (kể cả những sai lầm)  trong việc vạch ra chiến lược và thực hiện chiến lược trong nửa nhiệm kỳ còn lại; trong sử dụng HLV ngoại hay nội; trong hợp tác quốc tế, trong khai thác thương hiệu các ĐTQG; các giải thuộc hệ thống chuyên nghiệp; trong vai trò định hướng, uốn nắn giải chuyên nghiệp để khỏi đi chệch quỹ đạo. Tất nhiên, yếu tố sống còn, tìm tiền, sẽ lại là một chu kỳ quá khó khăn với VFF khi niềm tin của doanh nghiệp lẫn người hâm mộ vào thực trạng của nền bóng đá đã vơi đi quá nhiều.

Đổ lỗi hết do trình độ VFF thấp là chưa đúng. Những người trong Thường trực VFF, như Chủ tịch Lê Hùng Dũng hay bầu Đức đều là người giỏi. Nhưng, rõ ràng rào cản với tổ chức xã hội nghề nghiệp này vẫn nằm ở cơ chế, cung cách làm việc, văn hóa ứng xử không tạo ra được lực đẩy. Cho nên, tình trạng các nhân tài  tỏa sáng ở lĩnh vực khác, khi về VFF lại không phát huy được, sẽ chưa dừng lại.

*  * *

Hôm qua, U23 Việt Nam đã về nước trong ảm đạm. Một thất bại chiến dịch đầu năm không thể vui, bản chất vẫn khác thất bại của U23 Thái Lan. Ông Miura không có lỗi, bởi bất cứ bản hợp đồng sử dụng lao động nào thiếu hiệu quả thì trách nhiệm vẫn thuộc về người sở hữu.

Khó tin rằng sẽ có một cuộc mổ xẻ nguyên nhân thất bại thật thấu đáo, để xem ai sẽ phải chịu trách nhiệm cùng với ông Miura.

Điều mà Thường trực VFF nên làm lúc này cho bóng đá Việt Nam là phải cùng nhau xây dựng môi trường bóng đá tốt lành hơn. Họ phải "xích lại gần nhau". Không thể đòi hỏi sự đoàn kết 100%, nhưng nếu cứ rời rạc như VFF thì nền bóng đá vẫn luẩn quẩn như câu chuyện con kiến và cành đa. Chắc chắn là thế!

“Tổ quốc là tất cả đối với con!”- Công Phượng viết những dòng thế trên giường bệnh sau phẫu thuật.  Ước gì những lời của anh, từ Qatar, vọng đến tận tâm can của lãnh đạo VFF.

Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm