Chọn HLV cho tuyển Việt Nam: 'Con kiến và cành đa'

12/09/2017 13:51 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - 26 năm trở lại với sân cỏ quốc tế, chuyện tìm HLV trưởng cho đội tuyển nam quốc gia chẳng khác gì chuyện “Con kiến và cành đa”.

1. Năm 1991, bóng đá Việt Nam chính thức trở lại với đấu trường quốc tế - SEA Games 16 diễn ra tại Philippines. Tính đến giờ là 26 năm, nhưng chiếc ghế HLV trưởng đã có đến... 20 ông thầy cả nội lẫn ngoại ngồi lên, tính cả chính thức lẫn tạm quyền! Một con số chắc chắn vào hàng kỷ lục thế giới!

Thay thầy đến chóng mặt mà nguyên nhân chẳng gì khác – Bệnh thành tích. Đột phá với Tavarez, rồi tìm được chỗ đứng ở khu vực bằng ngôi á quân SEA Games 18 cùng Karl-Heinz Weigang. Vậy nhưng, lần lượt từ Colin Murphy, Dido, Alfred Riedl, Henrique Calisto... (trong số này Riedl và Calisto còn quay đi, quay lại vài lần), thành tích tốt nhất của bóng đá Việt cũng chỉ là ngôi vô địch AFF Cup 2008 cùng lần vào đến tứ kết Asian Cup 2007...

Falko Goetz, HLV có bản CV hoành tráng nhất được xem là đỉnh cao của trào lưu xài thầy ngoại cũng chẳng thoát nổi cái kết cục của những người tiền nhiệm. Ông ra đi không kèn, không trống sau thất bại tại SEA Games 26 tại Indonesia 2011. Và lúc đó, VFF quyết định trở lại với nguồn lực bị "bỏ quên" - thầy nội với không ít kỳ vọng, lẫn ảo tưởng.

Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc được "dựng" bằng những lời có cánh, để rồi chỉ sau 2 năm... cả 2 lại bay ghế vì thất bại còn... đậm hơn cả thầy ngoại. Thêm lần nữa, Miura Toshiya đến và lại 2 năm cũng phải ra đi khi giấc mơ SEA Games sụp đổ.

2. Cái vòng xoáy "thầy nội – thầy ngoại" gần đây nhất đã cuốn phăng nốt Hữu Thắng sau thất bại nặng nề tại SEA Games 29, nhưng chuyện "con kiến và cành đa" thì chưa hề dừng lại khi khả năng dùng thầy ngoại lại được nhắc đến.

Chỉ có điều, ở lần thay tướng bất đắc dĩ này, VFF chẳng hề có sự chọn lựa lẫn lý do chuyên môn nào thực sự thuyết phục. Thầy nội có chất thì đa số sợ lên Tuyển để rồi "Thân bại danh liệt" như Hữu Thắng. Lý do quan trọng hơn, chẳng có HLV trong nước nào lúc này dại mà bỏ công việc đang gắn bó lâu dài ở CLB để lên đội tuyển để phải đối mặt với cái tương lai bấp bênh, lẫn cách hành xử khó lường từ VFF. Đó là chưa kể đến dư luận cũng khó mà chiều. Ngay cả người đưa bóng đá Việt Nam dự World Cup dành cho lứa U20 như Hoàng Anh Tuấn vẫn bị chê thì hết biết!

HLV từng vô địch Cup C1 có thể dẫn dắt tuyển Việt Nam

HLV từng vô địch Cup C1 có thể dẫn dắt tuyển Việt Nam

HLV Ljupko Petrovic, người từng có Cup vô địch C1 châu Âu và hiện đang dẫn dắt đội đầu bảng Toyota V.League 2017 FLC Thanh Hóa nằm trong số những ứng cử viên cho vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, thay thế HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Hết "nội", lại hướng sang "ngoại", nhưng là "ngoại" xịn cỡ nào thì chẳng ai dám nói trước bởi... tiền nào thì của nấy, hơn thế, tiền trả cho thầy ngoại lại là của ngành TDTT chứ không phải từ túi Liên đoàn. Mà cũng nên nhớ rằng "xịn" như Falko Goetz cùng mức lương 22.000 USD/1 tháng còn phải khăn áo ra đi nữa là những người dự kiến được chọn theo kiểu "vơ bèo, gạt tép" mang tính thời vụ!

Tóm lại, ông thầy nào thì cũng vậy mà thôi. Vấn đề của bóng đá Việt Nam nằm ở cái gốc, chứ không phải là cái cành đa khiến con kiến cứ leo ra, leo vào... Nếu cái gốc ấy không được vun xới, thậm chí là đào lên, thì ngay đến bản báo e rằng vẫn còn phải dùng cái tít "Con kiến và cành đa" dài dài để bàn về bóng đá Việt Nam!

Vũ Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm