Cầu thủ Việt xuất ngoại: Cần tìm hướng đi phù hợp

12/02/2020 10:52 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Xu thế cho cầu thủ ra nước ngoài thi đấu có phải là lựa chọn tốt? Vì sao những cầu thủ đã được ra đi không thành công như mong đợi? Chúng ta cần làm gì trong thời gian sắp tới để xuất ngoại cầu thủ thành công? Bàn tròn cùng Thể thao & Văn hóa đã nhận được những chia sẻ, nhận định của các vị khách mời.

Văn Lâm hai lần bị đánh bại, Muangthong thua bởi ‘người cũ’

Văn Lâm hai lần bị đánh bại, Muangthong thua bởi ‘người cũ’

Dẫn bàn trước nhưng cuối cùng Văn Lâm cùng Muangthong United lại phải chịu thất bại 1-2 trong trận chung kết LEO Cup 2020 tối 4/2. Người ghi bàn ấn định chiến thắng cho Port FC chính là cựu tiền đạo Muangthong United Adisak Kraisorn.

Đi mãi nhưng chưa thể thành đường

“Chúng ta thấy rằng việc cho các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu đã có từ gần 20 năm trước chứ không phải đến hôm nay. Câu chuyện ra đi của Huỳnh Đức, Công Vinh có thể hiểu ít nhiều liên quan đến khía cạnh thương mại ở vào thời điểm đó.

Còn bây giờ, chuyện xuất ngoại đã được nhìn nhận nghiêm túc hơn và chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, việc ra nước ngoài thi đấu mới chỉ phản ảnh bước tiến bộ ban đầu của bóng đá nội, chứ chưa để lại tiếng vang hay khẳng định giá trị được ở môi trường các CLB nước ngoài”, chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận tổng quan như thế.

“Vì sao các cầu thủ của chúng ta chưa thể thành công. Tôi nghĩ nó ảnh hưởng bởi những nguyên nhân như thế này”, chuyên gia Đoàn Minh Xương đã đưa ra những phân tích, “trước hết về chuyên môn, khi hầu hết các cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài chưa đảm bảo một cách tốt nhất câu chuyện chuyên môn, năng lực.

Ở đây bao gồm yếu tố thể lực, thể hình, kỹ năng, khả năng tư duy. Hay nói cách khác, có thể các yếu tố đó đáp ứng với CLB trong nước nhưng chưa đủ chuẩn hoặc chưa đáp ứng được ở mức cao yêu cầu của CLB nước ngoài.

Vài năm về trước, khi Công Phượng sang Mito Hollyhock hay Tuấn Anh đến với Yokohama FC, họ đều được coi như những cầu thủ trẻ tốt nhất Việt Nam. Lúc đó, có thể nền tảng về cả chuyện đá bóng, văn hóa hay ngoại ngữ của các cầu thủ này được xem là chuẩn mực ở môi trường trong nước.

Tuy nhiên, vốn liếng của họ cũng chỉ gói gọn chừng đó ở độ tuổi đôi mươi mà thôi. Kinh nghiệm thì chỉ vỏn vẹn có 1 mùa chơi bóng ở V-League. Xét tổng thể, hành trang như thế quá khó cho họ thích ứng, tìm được chỗ đứng hay phát triển ở môi trường đỉnh cao như J-League. Thêm vào đó, với một môi trường nước ngoài lạ lẫm nhưng lại được kỳ vọng quá nhiều, quá lớn khiến họ càng thêm áp lực, không thể vượt qua nổi.

Khi ra đi, các cầu thủ chưa được tìm hiểu kỹ càng về đội bóng mình sẽ đầu quân. Chẳng hạn việc đội bóng đó có thực sự cần mình, có phù hợp và lối chơi ổn định không? Ở đây còn có trách nhiệm của CLB là tìm hiểu thật kỹ về điểm đến mà họ định đưa cầu thủ sang CLB đó liệu có phù hợp với cầu thủ của mình hay không. Đó cũng là hạn chế của bóng đá Việt Nam trong quá trình xuất ngoại cầu thủ”.

“Thời gian gần đây, bóng đá chúng ta đang tốt lên về cả thành tích cũng như công tác đào tạo trẻ, đó là thực tế đáng ghi nhận. Vài năm qua, việc cho cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, có lúc đã như xu hướng của các ông bầu.

Rõ ràng, bóng đá chuyên nghiệp rất cần điều đó, tốt cho cả anh em cầu thủ về chuyện phát triển hay cho CLB trên khía cạnh thu về lợi nhuận hay truyền thông”, BLV Vũ Quang Huy nhìn nhận câu chuyện này như thế.

“Thực tế, cầu thủ của chúng ta tốt nhưng khách quan mà nói chưa đủ giỏi, chưa đủ xuất sắc để có thể chơi tốt ở bất cứ môi trường nào. Có nghĩa là họ không phải quá đặc biệt, xuất chúng để khi đi là được thi đấu, được ra sân.

Rất khó để điều này thành hiện thực. Anh em được đi, chúng ta cũng vui mừng và cùng mong họ khẳng định, có dấu ấn hay phát triển. Chuyện đó là mong muốn còn thực tế khó hơn rất nhiều.

Những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu có thể là cầu thủ giỏi với bóng đá Việt Nam. Nhưng khi đến môi trường mới, đẳng cấp và chất lượng hơn hẳn V-League, thì việc họ thất bại hay đang gặp khó khăn để hòa nhập cũng là điều dễ hiểu”.

Chú thích ảnh
Cho đến lúc này thì thủ môn Đặng Văn Lâm vẫn là trường hợp xuất ngoại thành công duy nhất của bóng đá Việt Nam. Ảnh: MUTD

“Nói cách khác, đến CLB yếu thì không nhất thiết phải đến. Còn chuyển sang đội bóng đẳng cấp thì không có chỗ để chơi bóng. Do vậy, phải nhìn vấn đề dựa trên cả năng lực của cầu thủ lẫn trách nhiệm trong việc tìm đầu ra khi cho quân mình xuất ngoại.

Các CLB chủ quản, các ông bầu phải tìm hiểu kỹ càng môi trường mới đó. Phải biết được, ở đó có hợp, có vừa vặn và cầu thủ mình có đáp ứng được các tiêu chí đề ra hay không.

Nói cách khác, việc này phải thật sự mang lại lợi ích cho cầu thủ trước đã, sau đó mới nghĩ đến chuyện cho tiếng tăm của CLB đó. Chứ chỉ nghĩ đến việc tạo tiếng tăm thì không thể thành công”, BLV Vũ Quang Huy phân tích.

Tư duy lại để tìm lộ trình thích ứng

Mới đây, bầu Đức từng chia sẻ: “Sau nhiều năm cho cầu thủ đi nước ngoài thi đấu, mùa tới, tôi muốn các cháu thi đấu cùng nhau ở đội 1 HAGL, như trước đây các cháu từng chơi tốt trong màu áo U19”. Đồng quan điểm ấy, bầu Hiển bảo: “Nếu đi mà thường xuyên ngồi dự bị thì chơi ở V-League vẫn tốt hơn”.

Đó không chỉ là phát biểu, thực tế cũng đã chứng minh khi thời gian gần đây các CLB trong nước đã khéo léo từ chối lời mời từ các đối tác nước ngoài. Bộ đôi Nguyễn Văn Quyết, Đỗ Hùng Dũng từ chối những đề nghị từ Malaysia. Sau đó, Nguyễn Quang Hải nói không với Consadole (Nhật Bản). Mới đây nhất, bầu Đức giữ Văn Toàn, Tuấn Anh ở lại dù có các CLB quan tâm.

Theo như chia sẻ của những người đứng đầu CLB này, họ cần tìm hiểu kỹ lưỡng về đội bóng mà các cầu thủ kể trên được quan tâm. Hà Nội không muốn cầu thủ của mình ra nước ngoài chơi bóng mà chưa chuẩn bị kỹ nhất về con đường cho tương lai cầu thủ đó.

Sau nhiều năm vội vã với câu chuyện xuất ngoại cầu thủ, phải chăng đã đến lúc các ông chủ, các nhà quản lý ở mỗi đội bóng đã có quan điểm khác và tư duy lại vấn đề này.

BLV Vũ Quang Huy cho rằng có thể lâu nay chúng ta đã quá vội vàng mà chưa tìm hiểu kỹ càng, chưa chuẩn bị đầy đủ hành trang cho các cầu thủ.

“Đây như những kinh nghiệm quý giá để bây giờ chúng ta nhìn lại, tìm ra giải pháp tốt hơn. Tôi nghĩ phải có sự cải thiện rõ rệt, có chiến lược, rồi phải xem xét, nghiên cứu kỹ các CLB nước ngoài trước khi các cầu thủ sang thi đấu.

Cùng với đó, phải chuẩn bị cho họ và bản thân chính mỗi cầu thủ cũng tự trang bị những hành trang cần thiết. Đó là trình độ, năng lực hay khả năng thích ứng với một nền bóng đá mới, đẳng cấp hơn ta.

Tôi vẫn luôn nghĩ thế này, đi thì vẫn tốt, với điều kiện đủ mạnh để đi và phát triển. Còn nếu chưa đủ bài bản, chưa đủ lớn thì không nên vội vã, sẽ thui chột tài năng. Khi chưa đủ đẳng cấp để chinh phục các giải đấu nước ngoài, V-League vẫn là môi trường phù hợp cho sự phát triển của cầu thủ Việt”.

Đồng quan điểm cùng BLV Vũ Quang Huy, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho hay: “Chuyện xuất ngoại cầu thủ của chúng ta lâu nay không phải nằm trên các yếu tố chuyên nghiệp nhất. Có thể thấy, những cầu thủ được ra nước ngoài mới chỉ dựa trên cơ hội, cơ hội có, đến thì đi.

Bên cạnh đó, khía cạnh ngoài chuyên môn cũng chi phối ít nhiều. Thời gian gần đây chúng ta chăm lo công tác đào tạo trẻ tốt, có bước tiến. Khách quan nhìn nhận, điểm đến của việc đào tạo nhân lực cũng chỉ mới đáp ứng nhu cầu trước hết phục vụ cho CLB, sau đó phấn đấu lên cấp độ cống hiến cho quốc gia.

Nếu muốn các cầu thủ ra nước ngoài thành công, chúng ta phải nghĩ khác, hành động khác. Chỉ khi nào, cầu thủ của chúng ta từ những mầm non ban đầu được quy tụ, ăn học và đào tạo bài bản, chuyên nghiệp thì mới có thể đáp ứng nhu cầu này.

Nói cách khác, muốn xuất khẩu, đó phải là món hàng có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác đầy đủ, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí khắt khe trong địa hạt bóng đá”.

Trần Tuấn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm