Câu chuyện thể thao: Bó đũa và cột cờ

13/03/2014 15:38 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu HLV Hoàng Văn Phúc nhất quyết xin nghỉ thì nghĩa là VFF phải tính gấp chuyện chọn thầy cho ĐT Việt Nam. Nhưng chọn “thầy Tây” hay “thầy ta” đã là vấn đề, chứ chưa nói đến việc chọn ai. Xem ra, chọn thầy cho ĐT đang là bài toán hóc búa với VFF.

Quan điểm đưa ra gần đây nhất của lãnh đạo VFF là tiếp tục tin dùng thầy nội cho bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, câu chuyện chọn thầy cho ĐT bây giờ có lẽ không còn của riêng VFF mà đang trở thành đề tài bàn luận của đông đảo dư luận với 2 phương án: HLV ngoại hoặc HLV nội.

1. Nhiều chuyên gia cho rằng, bóng đá Việt Nam nên chọn thầy ngoại. Vậy nếu chọn thầy ngoại thì chúng ta nên hướng đến khu vực nào sao cho hợp lý, có tính kế thừa.

Thể trạng của người Việt Nam chúng ta phù hợp với lối chơi bóng ngắn, kỹ thuật. Vì thế, có ý kiến cho rằng chúng ta nên chọn các HLV ở khu vực Nam Mỹ. Tuy nhiên, những giai đoạn thành công gần đây của ĐT Việt Nam dưới thời thầy ngoại không có tên những nhà cầm quân đến từ khu vực Nam Mỹ. Có những ý kiến nên chuyển hướng về khu vực Nam Á nhưng điều này chưa có trong tiền lệ. Vậy phải chăng 2 phương án này có tính khả thi không cao?

Kể từ năm 1995, những thành công của bóng đá Việt Nam dưới sự dẫn dắt của thầy ngoại luôn gắn liền với các nhà cầm quân đến từ châu Âu. Đầu tiên phải kể đến Karl Heinz Weigang, khi ông thầy người Đức giúp ĐT Việt Nam lột xác ở SEA Games 1995 và giành HCB hay HCĐ Tiger Cup 1996.

Kế đó, 2 cái tên Alfred Riedl và Henrique Calisto đã thay nhau gắn bó và có nhiều thành công nhất định với bóng đá Việt Nam. Xuyên suốt những giai đoạn ĐT Việt Nam được đặt dưới sự dẫn dắt của HLV Riedl và Calisto, nhiều người vẫn có thể nhận ra một điểm chung nhất định nào đó trong lối chơi vốn đã trở thành truyền thống của chúng ta.

Tuy nhiên, dù chọn ai hay đến từ khu vực nào thì vấn đề tiên quyết để có thể tin vào thành công là cơ chế làm việc mà VFF tạo ra. Chúng ta thuê thầy ngoại tức là phải tạo điều kiện làm việc tốt nhất để họ phát huy năng lực. Thế nhưng, chúng ta phải luôn là ông chủ cuộc chơi, phải thể hiện cho được vai trò của người quản lý.

Tức là, dù giao quyền cho thầy ngoại nhưng định hướng phát triển vẫn từ VFF. Một nguyên tắc khác là thầy ngoại không phải chỗ để đổ lỗi hay gắn trách nhiệm sau mỗi thất bại của ĐT Việt Nam.

2. Nếu chọn thầy nội thì chúng ta sẽ chọn người như thế nào để có thể vừa hoàn thành tốt công tác chuyên môn, vừa kiểm soát được phòng thay đồ? Đó là câu hỏi rõ ràng không dễ giải đáp.

Chọn người hiền lành thì VFF đã chọn rồi và không thành công. Đó là HLV Mai Đức Chung, HLV Hoàng Văn Phúc, và có vẻ như ông Chung, ông Phúc không thực sự thích hợp cho môi trường đầy khắc nghiệt như các ĐTQG.

Chọn người có cá tính mạnh thì sao? Phương án này đã được VFF nghĩ đến và ngay lập tức 2 cái tên Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng được đưa vào tầm ngắm. Tuy nhiên, cả 2 HLV này đều đã lắc đầu. HLV Hoàng Anh Tuấn từng được coi là có 99% ngồi ghế nóng nhưng rồi cuối cùng lại đổ bể vì nội bộ lãnh đạo VFF không đồng thuận với phương án này.

Chọn thầy nội cho ĐT Việt Nam trên thực tế có nhiều cái lợi bởi họ am hiểu bóng đá Việt Nam và khu vực. Song để họ thành công thì chúng ta phải tạo ra một cơ chế làm việc tốt để thầy nội phát huy tốt nhất khả năng của họ.

Cách hành xử kiểu chưa thấu tình đạt lý như trường hợp HLV Hoàng Văn Phúc bị treo chức rồi phục chức trước thềm SEA Games 27 không nên tái diễn. Thầy nội cần phải được tôn trọng và chia sẻ trách nhiệm, bởi áp lực dành cho họ không hề kém hơn thầy ngoại.

Thêm nữa, cũng không nên có tư tưởng thầy nội là “chiến hữu” của anh A, chú B hay anh C, bởi nếu như thế thì rất khó chọn được người giỏi thực sự.

Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm