Cà phê thể thao: Cớ gì đòi tôi phải có bao nhiêu tiền?

31/10/2014 19:33 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Đội bóng TĐCS Đồng Tháp vừa lên hạng V-League đã bỏ cuộc vì không có đủ nguồn tài chính tối thiểu 35 tỷ cho một mùa giải như quy định của VPF là chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc.

Cà phê thể thao: V-League lại có thêm một đội bóng bỏ giải: TĐCS Đồng Tháp. Anh có cho rằng đây là một hành động thiếu trách nhiệm của Đồng Tháp đối với giải đấu?

- Tôi không coi đội Đồng Tháp là thiếu trách nhiệm với giải đấu. Thứ nhất, giải đấu chưa bắt đầu nên khó mà gọi đây là hành vi bỏ giải. Thứ hai, họ không có khả năng thực hiện trách nhiệm với chính cầu thủ của mình là trả lương đầy đủ, thì không thể đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn là với cả giải đấu.

Bỏ cuộc là khi anh có đủ điều kiện để tiếp tục nhưng vẫn bỏ, đặc biệt tệ khi bỏ cuộc giữa chừng. Còn khi anh không đủ điều kiện và có thể chứng minh được việc đó thì phải gọi đó là hành động rút lui, tránh được những di chứng của việc bỏ giải. Vì vậy, tôi tôn trọng đội Đồng Tháp, và không có lý do gì để phạt họ khi họ rút lui. Nhưng nếu họ không giải quyết được khoản nợ 15 tỷ đồng hiện tại thì tất nhiên họ xứng đáng bị phạt, đó lại là vấn đề khác.

Hạn mức 35 tỷ đồng ngân sách hoạt động cho một mùa giải với các đội dự V-League liệu có phải là quá nhiều? Và dựa vào đâu lại có hạn mức tối thiểu như vậy?

- Dựa vào đâu thì bạn phải hỏi những người soạn thảo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của VPF. Tôi thì cho rằng họ chẳng dựa vào đâu cả. Hoặc họ ước tính dựa trên thực tế V-League những mùa giải gần đây rằng các đội dự V-League đều tiêu tiền lớn hơn con số đó, khiến những người soạn thảo Quy chế đồng nhất rằng đã chơi V-League thì đương nhiên phải có ngân sách tối thiểu như vậy.

Nhưng tôi chưa biết giải đấu nào đặt ra ngưỡng ngân sách tối thiểu như điều kiện tham dự cho mỗi đội dự giải đấu, dù là các giải VĐQG hàng đầu châu Âu, UEFA Champions’ League, hay VCK Euro, World Cup.

Trong khi ở thế giới văn minh, người ta không đặt ra hạn mức ngân sách tối thiểu nhưng giải đấu lại không có đội bỏ cuộc, còn chúng ta có hạn mức đó thì lại có nhiều đội bóng bỏ cuộc dù đáp ứng được hạn mức. Và giờ thì có thêm đội bóng phải rút lui vì không đáp ứng được hạn mức.

Anh có nhiều tiền thì chơi theo kiểu nhiều tiền, tôi có ít tiền thì chơi theo kiểu ít tiền, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, tổ chức đối với giải đấu là được, cớ gì đòi tôi phải có bao nhiêu tiền?

Nhưng chắc hẳn các nền bóng đá phát triển đều phải có ràng buộc tài chính đối với các đội bóng, vì tài chính là nền tảng của việc thực hiện các trách nhiệm về tổ chức với giải đấu trong bóng đá chuyên nghiệp?

- Chắc chắn rồi. Nhưng mỗi ràng buộc đặt ra đều được xem xét dựa trên đòi hỏi hợp lý của nó. Chẳng hạn một đội bóng nợ lương cầu thủ 4 tháng liên tiếp thì bị loại khỏi La Liga, là cách để bảo vệ quyền lợi của các cầu thủ, những người tạo ra trận đấu nhưng lại luôn có địa vị thấp hơn so với đội bóng của họ.

UEFA đặt ra Luật công bằng tài chính giới hạn mức thua lỗ của các CLB, với mục đích “nhằm giúp duy trì sự ổn định của các câu lạc bộ bóng đá”, vì việc vung tay quá trán khiến nhanh chóng lên đỉnh cao có thể dẫn đến phá sản như Leeds United, và quan trọng hơn là ngăn chặn việc các ông chủ giàu có bơm tiền vô tội vạ vào CLB mình sở hữu như Manchester City, Paris Saint Germain, phá vỡ sự cạnh tranh lành mạnh, làm suy yếu các CLB hoạt động theo mô hình bền vững khác.

Các CLB vi phạm có thể bị loại ra khỏi các giải đấu do UEFA tổ chức, hoặc bị phạt tiền để… chia cho các CLB không vi phạm để bù đắp sự bất công mà họ phải hứng chịu.

Trong khi UEFA tìm cách ngăn chặn các ông chủ giàu có rót tiền vô tội vạ vào bóng đá, thì V-League lại sống bằng nguồn tiền “vô tội vạ” đó từ các ông bầu?

- Đó là bi kịch của V-League. Khi chúng ta còn ở thời đói kém, chúng ta nhìn ra ngoài thấy thiên hạ cao lớn, khỏe mạnh, giỏi giang, chúng ta có thiên hướng nghĩ rằng khi mình có tiền, ăn thật nhiều sẽ được như vậy. Và có tiền thật thì cứ ních thật chặt cái dạ dày, ăn đủ sơn hào hải vị. Nhưng lợi ích đâu chưa thấy, thấy ngay béo phì, bệnh tật, và trì độn.

Bóng đá Việt Nam cũng vậy, nó vốn xuất thân đói khát nên tìm mọi cách thu hút tiền của các ông bầu đổ vào bóng đá, cho bóng đá “ăn” thật nhiều.

Nhưng Công Vinh được trả 3 tỷ đồng/mùa bóng không đá hay hơn khi Công Vinh được trả 300 triệu đồng/mùa bóng. Như thế đã là may, vì rất nhiều cầu thủ ném tiền vào hoang phí, đỏ đen, thậm chí dẫn đến tù tội. Cuộc đua rót tiền bạc vào bóng đá chỉ để trả thêm tiền cho cầu thủ không giúp cầu thủ đá hay hơn, mà lại tăng gánh nặng chi phí với những ông bầu làm bóng đá.

 Không có CLB nào có giá trị quảng cáo, thương mại bền vững tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm như lượng tiền mà nó ngốn, nên không ông chủ nào bỏ ra ngần đó tiền chỉ để làm PR hay quảng cáo. Nó trở thành thứ để trao đổi với địa phương để ông bầu nhận lấy những đặc quyền về khai thác tài nguyên, nhất là đất đai. Điều đó lý giải cho việc các CLB sang tên đổi chủ liên tục, vì các ông bầu “đánh quả” xong rồi lại đi, rất ít ông chủ ở lại với đội.

Đến khi tài nguyên cạn kiệt, bất động sản đóng băng thì chẳng còn gì để đánh quả nữa, nhưng chi phí nuôi các đội bóng thì không hạ xuống ngay được. Nhiều kẻ muốn chạy đi, nhưng thiếu người chạy lại, khiến các đội bóng giải thể hay “bỏ cuộc”. Nhưng cái giá khác còn đắt hơn nhiều: vì chỉ chăm chú vào túi tiền của các ông bầu, hầu hết các đội bóng dự V-League không còn quan tâm đến việc kiếm tiền thật sự nữa, biến các CLB bóng đá “chuyên nghiệp” thành những kẻ trì độn trong việc kiếm tiền.

Thu nhập cầu thủ tăng cao giúp cho nghề bóng đá hấp dẫn hơn trong con mắt các phụ huynh và những đứa trẻ yêu bóng đá, giúp bóng đá phát triển?

- Về lý thuyết là thế. Nhưng chất lượng cầu thủ chỉ tăng lên khi có nhiều trẻ em chơi bóng đá hơn, và các lò đào tạo làm việc tốt hơn. Nhưng các ông bầu đến chỉ để đánh quả thì làm gì có chuyện đầu tư cho đào tạo trẻ, nên đến nay mới chỉ có hai ông bầu làm được điều gì đó cho đào tạo là bầu Đức và bầu Hiển.

Vậy bóng đá Việt Nam phải làm gì để thoát khỏi tình trạng này?

- Chờ đợi bất động sản thoát khỏi khủng hoảng (cười). Nhưng nếu thế thì cũng chỉ là vòng luẩn quẩn, rồi lại bệnh cũ tái phát. Điều nó phải làm là cơ cấu lại hệ thống phát triển. Muốn khỏe hơn thì phải ăn cái gì, muốn cao hơn thì phải ăn cái gì, và muốn tài giỏi hơn thì phải ăn gì, học gì, và làm gì. Tất cả đều có nghiên cứu, chọn lọc, và đều có liều lượng phù hợp, chứ không phải chỉ bằng cách ních cho chật cái dạ dày đủ loại sơn hào hải vị.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm