Bóng lăn mùa dịch

12/03/2020 07:55 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Châu Á, mà cụ thể là Trung Quốc, Iran, Nhật Bản và Hàn Quốc đã và đang là tâm dịch của thế giới (cùng với Italy ở châu Âu). Chính phủ các nước này đã có những biện pháp khoanh vùng, hạn chế tối đa các khả năng lây lan diện rộng. Một vài nơi, bóng đã ngừng lăn vô thời hạn. Một số khác, các trận đấu vẫn được tổ chức trên sân không có khán giả. Thế còn Việt Nam, với hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia?

Than Quảng Ninh thắng đậm đại diện Campuchia

Than Quảng Ninh thắng đậm đại diện Campuchia

Với chiến thắng trước 4-1 trước Svay Rieng ở lượt trận thứ 3 vòng bảng AFC Cup 2020, Than Quảng Ninh đã tạm thời thoát khỏi vị trí cuối bảng.

Theo kế hoạch, vòng 2 V-League 2020 và các trận đấu đầu tiên của giải hạng Nhất quốc gia sẽ tiếp tục khởi tranh. Tất nhiên là không cho khán giả vào sân (tránh tụ tập đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm - phát tán dịch), cùng với đó là các điều kiện kiểm tra y tế nghiêm ngặt.

Bóng đá từng được ví như sân khấu 4 mặt. Có nghĩa rằng, trên cái sân khấu ấy đầy đủ hỉ-nộ-ái-ố đều được phơi bày. Và, đã mất công diễn, thì sân khấu phải có khán giả, chứ nếu không thì đáng chán biết mấy.

Khán giả không chỉ tạo hiệu ứng hình ảnh, kích thích tinh thần cầu thủ, mà còn nuôi sống bóng đá. Nhưng ở Việt Nam, ngay cả khi không rơi vào tâm dịch Covid-19, lịch sử 20 năm tuổi của V-League, chưa một CLB nào dám vỗ ngực sống khoẻ nhờ khán giả.

Chia sẻ với Thể thao & Văn hoá, 2 trong số các chân sút hàng đầu lịch sử V-League là Lê Công Vinh và Amaobi khẳng định, họ đã tắt TV sau khoảng 15 phút xem các trận đấu ở vòng 1, V-League 2020.

Thể lực của cầu thủ quá kém, dùng bóng dài nhiều, trận đấu bị xé lẻ bởi chiêu trò câu giờ và tất nhiên, các dấu ấn về chiến thuật là thứ xa xỉ. Dường như khi không có sự hối thúc từ khán đài (CĐV) thì không ít cầu thủ thi đấu thờ ơ, thiếu trách nhiệm? Cả 2 đều khẳng định, chất lượng giải đấu hàng đầu Việt Nam đã kém xa so với 10 năm trước.

Chú thích ảnh

Nguyên nhân thì nhiều, trong đó phải kể đến yếu tố đầu tiên, đấy là tiền. Thứ hai là chất lượng cầu thủ, trong đó có chất lượng ngoại binh - đội ngũ luôn đóng góp hơn 50% sức mạnh và năng lực cạnh tranh của các CLB. Hệ thống và chất lượng đào tạo trẻ nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, cung không đáp ứng đủ cầu.

Và cuối cùng là tham vọng của các đội bóng, tính cạnh tranh của giải đấu không cao. “Muốn một công việc ổn định và có thành tích, thì chỉ có thể làm cho CLB Hà Nội thôi”, cựu tiền đạo Nam Định và B.Bình Dương, Amaobi chia sẻ.

Đồng quan điểm với Amaobi, Lê Công Vinh cho rằng, CLB Hà Nội sẽ không có đối thủ ở Việt Nam thêm vài năm nữa. Công Vinh cũng đang ấp ủ về mô hình một CLB chuyên nghiệp, khi anh đã và đang theo học ngành Quản lý bóng đá.

Trở lại với V-League 2020 và chất lượng các trận đấu đầu tiên không như mong đợi. Ở khía cạnh chủ quan, các CLB đã phải thay đổi, thậm chí làm lại quy trình huấn luyện, chọn điểm rơi, sau khi giải đấu hơn một lần phải dời lịch.

Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến phong độ, cảm giác bóng và tinh thần của các cầu thủ. Khi sự hưng phấn mất đi, việc đá bóng đơn thuần chỉ là một công việc, chỉ còn rất ít sáng tạo, chứ đừng nói sự tận hiến khi khán đài không một bóng người.

Đội trưởng CLB Hà Nội, Nguyễn Văn Quyết, đã từng chia sẻ thế này: “Tập chay là một cực hình với cầu thủ. Anh cũng biết, quá trình chuẩn bị có times-line của nó, để làm các quy trình huấn luyện, khi nào nhồi thể lực, khi nào đi vào trọng tâm kỹ - chiến thuật. Nhưng một thời gian dài, không một ai trong chúng ta biết khi nào giải đấu diễn ra. Nó khiến kế hoạch bị gián đoạn và sự hưng phấn cũng mất đi. Đấy là chưa kể, nếu chỉ đá games chia đôi đội hình mãi cũng phát chán. Mà tìm đối tác xứng tầm để đấu tập, cũng mỏi con mắt”.

Quả là trăm ngàn cái khó. Ơn giời, V-League 2020 đã khởi đi và người trong cuộc thậm chí còn đang tính đến việc dồn toa giải đấu trong mùa dịch. Bóng lăn thật rồi đấy, nhưng mối lo vẫn ngay ngáy đâu đây.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm