Bóng đá Việt Nam: Học thầy không tày học bạn

06/09/2015 12:02 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng, chúng ta đã lại thua người Thái trong một trận chung kết nhiều kỳ vọng: Chung kết giải vô địch bóng đá U19 Đông Nam Á, giải đấu mà các học trò của ông Hoàng Anh Tuấn chưa từng để lọt lưới, trước khi bị U19 Thái Lan “đánh tennis” với tỉ số 6-0.

Ngồi xem trận này với các HLV của Học viện PVF, chỉ sau 20 phút, tất cả đều đồng loạt nhất trí rằng, nếu mất kiên nhẫn mà bung lên đá xanh chín, U19 Việt Nam có nguy cơ thua đậm. Và sự thật đã diễn ra đúng như thế.

Cách đây 6 năm, cũng tại SVĐ QG Lào, sân bóng vẫn được ví là Mỹ Đình thu nhỏ này, U23 Việt Nam từng xuất sắc cầm chân Thái Lan ở vòng bảng với tỷ số 1-1, để đi một mạch đến trận Chung kết. Thái Lan bị Malaysia loại sau đó và vẫn chưa thể trả món nợ sau Chung kết thua Việt Nam ở AFF Suzuki Cup 2008.

Có thể nói, bàn thắng từ chấm phạt đền của Đình Tùng về cuối trận, không chỉ có ý nghĩa 1 điểm, nó còn nối dài hơn cho giấc mơ qua mặt người Thái của bóng đá Việt Nam. Rất hãnh tiến, chúng ta nghĩ đã có thể ngồi cùng mâm với Thái Lan một cách sòng phẳng. Niềm tin được nâng lên gấp bội phần, khi nền bóng đá sở hữu lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường..., những cầu thủ duy nhất trong lịch sử chơi trên cơ Thái Lan.

Phần lớn người Việt Nam thường đề cao các chiến thắng trong khoảnh khắc, để tự dối mình không nhìn vào đại cục. Bóng đá Thái Lan từng có giai đoạn khủng hoảng, suy yếu, nhưng đấy là lùi một để tiến 2-3. Kể từ SEA Games 2013, họ đã trở lại, rất mạnh mẽ để rồi thống trị khu vực, chơi bán kết Asian Games 2014 và đang rất sáng nước bơi ra đấu trường châu lục.


Một lần nữa bóng đá Việt Nam lại phải nhìn bóng đá Thái Lan lên ngôi trong một trận chung kết ở giải khu vực. Ảnh: Lê Chiến

Bóng đá là thành tích, nhưng không nên vì khan hiếm danh hiệu mà chơi tất tay. May mắn, chúng ta có thể thắng Thái Lan trong một trận đấu, nhưng sau đó là gì? Bài học với nền bóng đá sau năm 2008 vẫn còn rất mới. Bóng đá Việt Nam tịnh tiến lùi cũng là bởi không biết mình và không biết người.

Từ khoảng đôi ba năm nay, các dự án hợp tác - liên kết, giúp đỡ từ đối tác Nhật Bản được xúc tiến với kỳ vọng nền bóng đá có thể cất cánh. Song thực tế là, để làm bóng đá một cách ngọn ngành, tử tế, cần thêm rất nhiều thời gian và nguồn lực, chứ không thể canh tác theo vụ, gặt lúa trời. Không có sự đầu tư hời hợt nào lại mang hiệu quả cao cả. U19 Việt Nam không chỉ thua Thái Lan về con người, mà còn thua ngay từ khâu chuẩn bị chưa tốt.

Muốn đánh bại Thái Lan, chúng ta cần học họ, từ phương pháp làm bóng đá, đến tư duy. Gần họ và học họ, chúng ta mới thấy được ưu và nhược của đối thủ. Đấy cũng là biết mình biết người. Bóng đá Việt Nam vẫn thua Thái Lan là bởi lối nghĩ: Mình không kém họ.

Đúc kết rằng, chúng ta chơi với bạn, gần bạn, nhưng nên gần cả đối thủ...

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm