Barca: Từ sân cỏ đến tòa án

16/04/2020 11:09 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(Thethaovanhoa.vn) - Barca là một trong hai đội bóng thành công nhất trên sân cỏ 15 năm trở lại đây, đồng thời gắn với rất nhiều tranh cãi liên quan đến pháp luật. Mới nhất là diễn biến vụ “Barcagate”.

Bóng đá hôm nay 16/4: MU chi 70 triệu bảng mua Coutinho. Ngoại hạng Anh kết thúc vào 30/6

Bóng đá hôm nay 16/4: MU chi 70 triệu bảng mua Coutinho. Ngoại hạng Anh kết thúc vào 30/6

Bóng đá hôm nay 16/4: MU phải chi 70 triệu bảng để có Coutinho, các CLB Premier League muốn kết thúc mùa giải vào ngày 30/6. Tin tức bóng đá hôm nay.

Tỷ lệ làm việc của Barca với tòa án cao hơn bất kỳ CLB nào, và như trở thành “truyền thống” ở sân Camp Nou.

Có tham nhũng ở Barca?

Hôm thứ Hai vừa qua, sau cuộc họp trực tuyến, Barca tuyên bố có hành động pháp lý chống lại ông Emili Rousaud – người mà hơn một tuần trước còn giữ cương vị phó chủ tịch, đồng thời là ứng viên cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2021. Đây là diễn biến mới nhất của “Barcagate” – với những đấu tố lẫn nhau và cuộc chiến quyền lực chưa từng có trong lịch sử CLB xứ Catalunya.

Cựu phó chủ tịch Rousaud, một trong những người phải từ chức bắt buộc, bị xem như một kẻ phản bội. Ngược lại, vị doanh nhân này đưa ra những phát biểu gây sốc: “tham nhũng trong CLB là điều hiển nhiên”. Trong những tuyên bố mới nhất gửi đến giới truyền thông Tây Ban Nha, Rousaud – người được biết đến là CEO của Factorenergía (công ty hoạt động lĩnh vực năng lượng xanh), nhấn mạnh: “Sự tồn tại của tham nhũng trong CLB thực tế được chứng minh qua những hợp đồng với các công ty liên quan vừa bị phanh phui, để tránh kiểm soát nội bộ”.

Ông Rousaud muốn nhắc đến các hóa đơn dưới 200.000 euro mà Barca chuyển cho I3 Ventures (lên đến gần 1 triệu euro) – nguồn cơn dẫn đến vụ “Barcagate”. Ngoài ra, còn có các công ty hoạt động liên quan đến I3 Ventures. Rousaud cho rằng Barca bắt tay với các công ty “hoạt động ở thiên đường thuế, và điều này vi phạm luật chống rửa tiền. Tôi đưa ra vấn đề hợp lý và chính xác. Bản thân tôi không bịa chuyện”.

Trước khi tuyên bố Barca tham nhũng, Rousaud cho rằng cách hành xử của CLB với ông là “rất bẩn thỉu. Tôi ở nhà, làm việc, giặt quần áo, và họ gọi điện yêu cầu tôi từ chức. Bartomeu khiến chúng tôi suy sụp. Ông ta yêu cầu chúng tôi từ chức ở thời điểm xây dựng chiến lược, không hề giữ cho chúng tôi chút mặt mũi, và ngay thời điểm bước vào lễ Phục sinh”.

Thực tế, trước khi Bartomeu yêu cầu từ chức, ông Rousaud được cho là người dẫn đầu nhóm nội loạn ở hội đồng quản trị Barca. Theo đó, Rousaud vận động một nhóm những người ủng hộ, kêu gọi Bartomeu từ chức và tiến hành bầu cử sớm. Bartomeu dẹp loạn dẫn đến hàng loạt nhân vật từ chức, và cơ cấu bộ máy Barca mới gồm những người ủng hộ mình.

bóng đá, tin bóng đá, bong da hom nay, tin tuc bong da, tin tuc bong da hom nay, Barcelona, Barca, Bartomeu, Messi, Liga, bóng đá Tây Ban Nha
Emili Rousaud, nhân vật chính vụ đấu tố, dẫn đến cuộc chiến pháp lý ở Barca

Đáp lại, Barca cho rằng “những lời buộc tội của Rousaud là rất nghiêm trọng và vô căn cứ. Vì thế, CLB đã đồng ý nộp đơn khiếu nại về pháp lý”. Trong lúc chờ đợi cuộc chiến pháp lý chính thức diễn ra, cũng như chờ kết quả kiểm toán, Rousaud xây dựng trang web nhằm thu thập sự ủng hộ của các đối tác và người hâm mộ, để chống lại Chủ tịch Bartomeu.

Thói quen đến tòa án của Barca

Bartomeu may mắn. Với những gì diễn ra, áp lực dành cho vị chủ tịch 57 tuổi này rất lớn. Dù vậy, Covid-19 khiến các trận đấu không thể diễn ra. Chính vì thế, không có áp lực nào với Bartomeu từ khán đài sân Camp Nou. Không có chỗ cho phản ứng của người hâm mộ, dù rất đông cules đang tức giận với những gì CLB mình yêu thích trải qua.

Chủ tịch Bartomeu tránh được sức ép từ người hâm mộ, điều có thể khiến ông phải từ chức (giống như Florentino Perez từng gặp phải mùa Xuân 2006), nhưng điều đó không làm cho hình ảnh Barca đẹp hơn. Trái lại, Bartomeu và Barca đang làm xấu mình bởi những cuộc đấu tố, rồi nhờ đến tòa án. Làm việc trên tòa dường như đang trở thành thói quen với Barca, trong chưa đầy 10 năm trở lại đây.

Tháng Giêng 2014, cựu Chủ tịch Sandro Rosell – người tiền nhiệm của Bartomeu, từng phải từ chức sau những bê bối chuyển nhượng Neymar. Sau cuộc điều tra kéo dài, ông Rosell bị tạm giam năm 2017, không cho tại ngoại, vì chiếm dụng 57 triệu euro mua Neymar. Từ đó đến nay, Barca thường xuyên ra tòa khi cùng Neymar kiện cáo về các khoản tiền chưa thanh toán. Cùng với việc Barca và Neymar thường xuyên kéo nhau ra tòa, một loạt cầu thủ CLB cũng gặp rắc rối pháp lý (nổi bật là Lionel Messi). Giờ là vụ “Barcagate”.

“Barcagate” phơi bày mặt trái của Barca mà những người trong cuộc cố gắng che giấu. Bartomeu muốn quy hoạch chiếc ghế của mình đứng vững đến khi kết thúc nhiệm kỳ, không để xảy ra bầu cử sớm. Mặc dù vậy, trong cuộc đấu tố hứa hẹn còn tiếp diễn, không ai đảm bảo điều tốt đẹp cho Bartomeu. Không chỉ vậy, ông còn đối mặt nguy cơ bị điều tra như Sandro Rosell.

Bartomeu bảo vệ mình với người của Rosell

Josep Maria Bartomeu đang tái thiết bộ máy quản trị Barca, sau khi buộc một loạt quan chức cũ phải từ chức. Bartomeu muốn tránh cuộc bầu cử sớm, để nhiệm kỳ của mình kết thúc vào năm 2021. Điều đáng chú ý, Bartomeu bảo vệ mình bằng những người thân tín với cựu Chủ tịch Sandro Rosell. Đúng hơn, họ cũng là những người trung thành với Bartomeu – từng là phó chủ tịch phụ trách tài chính thời Rosell.

Pau Vilanova thay vị trí phó chủ tịch của Rousaud. Ông là bạn thân, và giúp đỡ Sandro Rosell trong suốt thời gian tạm giam. David Bellver, được giao nhiệm vụ thủ quỹ, cũng từng thăm tù và giúp ông Rosell trong quá trình tòa án xét xử vụ gian lận tiền mua Neymar.

Trong khi đó, Javier Bordas – người quản lý đội một Barca, được ví là họ trò của Rosell. Jordi Moix, bạn thân của Bartomeu và Rosell, được thăng cấp phó chủ tịch tài chính. Ngoài ra là một số thành viên khác. Ít nhất, 9 thành viên trong đội ngũ quản lý mới có liên quan đến Rosell. Ông Bartomeu đang muốn loại trừ hoàn toàn các thành viên đối lập trong hội đồng quản trị (dự tính gồm 14 thành viên).

Ngọc Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm