Super League sẽ đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng

20/04/2021 15:14 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Super League ra đời sẽ đẩy bóng đá châu Âu vào một cơn đại khủng hoảng với những hệ lụy khôn lường cho nền bóng đá của lục địa già.

Florentino Perez: "Các đội dự Super League chắc chắn vẫn sẽ đá Champions League"

Florentino Perez: "Các đội dự Super League chắc chắn vẫn sẽ đá Champions League"

Chủ tịch Real Madrid Florentino Perez tiết lộ lí do thực sự đằng sau quyết định thành lập Super League là để “cứu bóng đá”.

 

1. Tiền là yếu tố được nhắc đến nhiều nhất cho ý tưởng thành lập Super League mà 12 CLB lớn của châu Âu đã ấp ủ trong suốt gần 20 năm qua. Bây giờ, giữa cơn khủng hoảng tài chính nặng nề của dịch Covid-19, nó lại là động lực để giúp các đội bóng này đủ điều kiện tuyên bố hiện thực hóa ý tưởng ấy. Lý do bởi họ cần và muốn nhiều tiền hơn những gì nhận được ở hiện tại và cả tương lai.

JP Morgan, một ngân hàng đầu tư của Mỹ, được cho là đã đồng ý tài trợ cho giải và cấp các khoản “béo bở” cho các thành viên sáng lập. Theo tuyên bố từ Super League, các CLB sáng lập giải sẽ chia nhau 3,5 tỷ euro (4,2 tỷ USD). Tính ra, mỗi đội sẽ nhận 400 triệu euro, gấp 4 lần số tiền thưởng cho nhà vô địch UEFA Champions League 2020. Số tiền này sẽ giúp “đầu tư cơ sở hạ tầng của các CLB và bù đắp tác động của đại dịch Covid-19”.

Super League cũng cho phép các CLB chia sẻ doanh thu độc quyền với nhau, thay vì với tất cả các thành viên UEFA. Các CLB Super League muốn giữ nhiều hơn hoặc toàn bộ số tiền đó cho riêng mình. Trong nhiều thập kỷ, tại các vòng đàm phán về việc chia sẻ doanh thu Champions League, UEFA đều chia cho các CLB lớn số tiền lớn hơn để xoa dịu họ. Tuy nhiên, các CLB này tin rằng sự tham gia của họ là lý do chính thu hút hàng triệu người xem Champions League và họ cũng sẽ thu hút lượng CĐV đó trong một giải đấu ly khai, nơi họ có thể kiếm được hợp đồng truyền hình béo bở cho riêng mình, không phải chia sẻ số tiền đó với bất kỳ ai khác.

2. Giữa giai đoạn điêu đứng vì Covid-19, những khoản tiền lớn sẽ giúp các CLB lớn của châu Âu giải quyết được khó khăn. Nhưng nếu Super League được chính thức thành lập, nó lại mở ra một vấn đề khác: Bóng đá châu Âu sẽ đi về đâu, bản thân các giải vô địch quốc gia cũng sẽ đi về đâu?

Hiện tại, UEFA phân phối tiền họ kiếm được từ bản quyền truyền hình các giải đấu cho toàn bộ các CLB tham gia trên khắp lục địa. Khoản tiền này nhằm duy trì môn thể thao ở cấp cơ sở và chuyên nghiệp ở hàng chục quốc gia. Nhờ những khoản tiền đó, các CLB hạng trung bình có thể tiếp tục duy trì khả năng hoạt động của mình.

Super League, Florentino Perez, UEFA, FIFA, Champions League, diễn biến Super League, Real Madrid, Man City, PSG, Chelsea, bán kết Champions League, bán kết cúp C1
Từ lâu, các cổ động viên bóng đá đã lên tiếng phản đối về những “cải cách” chỉ làm lợi cho các đội bóng nhà giàu

Nếu Super League ra đời, các CLB lớn không thi đấu, những khoản tiền này sẽ mất đi hoặc còn lại rất ít. Nó sẽ đẩy UEFA rơi vào một cơn khủng hoảng rộng khắp, từ tổ chức thượng tầng tới các liên đoàn thành viên. Khi tiền là yếu tố quyết định, việc phát triển bóng đá sẽ không thể đạt được thành công nếu như không còn nguồn tiền đầu tư nữa.

3. Một hệ lụy khác nữa là việc các ngôi sao bóng đá châu Âu sẽ chơi bóng thế nào nếu họ dự Super League? UEFA nói, họ, các liên đoàn thành viên và các cơ quan quản lý quốc gia “sẽ xem xét tất cả các biện pháp, ở tất cả các cấp, cả tư pháp và thể thao để ngăn chặn điều này xảy ra.” FIFA đã nói rằng họ sẽ không công nhận một giải Super League ly khai và “bất kỳ CLB hoặc cầu thủ nào tham gia vào một giải như vậy sẽ không được phép tham gia vào bất cứ giải đấu nào do FIFA hoặc Liên đoàn tương ứng tổ chức”.

Nói cách khác, bất kỳ CLB nào tham gia Super League sẽ buộc các cầu thủ của họ rời khỏi đội tuyển quốc gia và có khả năng bỏ lỡ sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, các giải đấu này chỉ diễn ra 4 năm một lần trong khi Super League diễn ra hàng năm. Việc cống hiến cho tuyển quốc gia không mang lại nhiều tiền nếu so sánh với những khoản khổng lồ mà một cầu thủ nhận được nếu chơi cho các CLB. Đa phần ngôi sao bóng đá sẽ chọn phương án chơi cho các CLB ở Super League thay vì khoác áo một CLB nhỏ, đủ điều kiện để có thể chơi cho ĐTQG ở một giải đấu thuộc UEFA hay FIFA như đã nói ở trên.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc EURO hay World Cup sẽ không có sự hiện diện của các ngôi sao lớn của bóng đá châu Âu. Chất lượng giải đấu đi xuống, thương hiệu đi xuống và tiền tài trợ sẽ ít đi. Đó mới là điều đáng sợ nhất.

T.Giáp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm