Quan điểm của tôi: Từ một Pogba trong ký ức

28/08/2016 05:46 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Khi phóng viên của tờ Telegraph tìm đến văn phòng của Nicholas Moressee, HLV của đội U17 Roissy-en-Brie, họ nhận được câu hỏi thay lời chào: “Các bạn đến đây vì Pogba?”. Và chưa kịp đợi câu trả lời, Nicholas niềm nở: “Thế thì các bạn phải vào đây để thấy những thứ này”.

1. Nicholas chỉ cho họ thấy hàng loạt những chiếc cúp của các giải trẻ, trên chiếc kệ dựa lưng vào tường và bên cạnh chiếc máy giặt đang mở bung ra với cả mớ quần áo thi đấu còn ẩm. Trên bức tường là những tấm áo của anh em nhà Pogba cùng chiếc áo của Isimat-Mirin, người đang khoác áo PSV, một đồng đội cũ của Pogba ở Roissy-en-Brie thời họ còn là những đứa trẻ. Và ở trung tâm, trang trọng, là áo của Pogba ở Juve, với dòng chữ chính tay Pogba viết: “Dành tặng CLB trong mơ đầu tiên của đời tôi - Roissy-en-Brie”.

Và phóng viên Telegraph nghĩ rằng Nicholas Moressee, người tạo ngọc cho học viện của Roissy-en-Brie, đang chờ tin nhắn “ting ting” báo tiền vào tài khoản của CLB. Theo quy định của UEFA, bất kỳ CLB nào phát triển các cầu thủ từ 12 tuổi trở lên sẽ nhận được 0,25% giá trị chuyển nhượng của cầu thủ ấy cho mỗi năm họ đào tạo. Pogba ở Roissy-en-Brie từ năm 6 tuổi tới năm 13 tuổi, và Roissy-en-Brie sẽ nhận được khoảng 400 ngàn euro từ thương vụ kỷ lục thế giới giữa Juve và Man United.

Nhưng Nicholas không quá phấn khích vì điều đó, dù ngân sách hoạt động mỗi năm của Roissy-en-Brie chỉ có 60 ngàn euro. Ông phấn khích chờ đợi Pogba một ngày nào đó quay về Roissy-en-Brie thăm lại CLB cũ như thói quen của anh. Một ngày trước khi rời Pháp sang Manchester khám sức khoẻ, Pogba đã ngồi với Nicholas, và sau đó, tất nhiên là anh chơi bóng với bạn bè cũ như “cái cách mà cậu ấy vẫn làm mỗi dịp rảnh rỗi quay về đây”.

2. Câu chuyện Roissy-en-Brie của Pogba mà Nicholas Moressee kể lại cho chúng ta nhận ra một điều rằng Pogba thực sự là con người rất tình cảm.

Khi Nicholas nói “cuối tuần nào rảnh rỗi, cậu ấy vẫn về lại đây” khiến chúng ta hình dung ra một Pogba có thể “nghênh ngang, kiêu kiêu” ở đâu đó thì cũng vẫn luôn là người con của Roissy-en-Brie ngoại ô Paris. Và nó cũng lý giải luôn tại sao Pogba chọn Man United chứ không phải Real theo tiếng gọi của Zidane. Đơn giản, một lần là Man United, mãi mãi là Man United. Anh trở về Old Trafford là trở về nhà, với những người bạn của giấc mơ thứ hai trong đời.

Nếu như hồi đó Ferguson dùng anh với niềm tin anh đủ sức là một cầu thủ trụ cột, có thể rằng anh sẽ không bao giờ tới Juve, và tấm áo trang trọng ở trung tâm bức tường kia ở căn phòng của Nicholas Moressee sẽ là áo Man United, với dòng chữ “Dành tặng CLB trong mơ đầu tiên của đời tôi tấm áo của CLB trong mơ lớn nhất sự nghiệp mình”.

Nhưng đời sống luôn là thế, luôn có biến cố. Pogba cũng nhờ vào biến cố mà thành tài. Rời Man United, anh có nghị lực để chứng tỏ mình, để quay lại Man United một ngày. Rời Man United, anh được học hỏi một cầu thủ vĩ đại nhất: Andreas Pirlo.

3. Fassou Antoine Pogba, cha của Pogba, nhớ lại rằng ngày anh còn nhỏ, cỡ 4 tuổi, ông cho anh chơi bóng với bạn cùng trang lứa. Và ngay lập tức, anh vượt trội. Anh lựa chọn chơi với những lớn tuổi hơn mình. “Pogba là thế. Nó luôn tò mò. Nó luôn muốn phát triển tốt hơn nữa, luôn muốn học những điều mới”, ông Fassou nhớ lại.

Thế mới hiểu vì sao Pogba thu gặt được nhiều lợi ích từ Pirlo đến thế. Anh chuyền điểm rơi hay hơn hẳn khi được chơi cạnh Pirlo. Anh chuyền dài tinh tế hơn hẳn khi được nhìn thấy, và nhận bóng, từ chính Pirlo. Nhưng anh hiểu, mình còn chưa đạt đến đẳng cấp của bậc thầy người Ý ở những cú “vẩy” chân chuyền như đặt đó. Anh còn phải mài mình tròn trịa hơn nữa, ngay tại đây, Old Trafford, từ trận đấu đầu tiên này, nơi anh được chơi bên cạnh một huyền thoại sống cũng lớn tuổi hơn mình: Zlatan Ibrahimovic.

“Pogba nó dị lắm. Cứ nghe nhạc là nó nhảy”, Nicholas nhớ lại. Và giữa nhà hát của những giấc mơ này, từ hôm nay anh sẽ phải là người chỉ huy dàn nhạc, để tất cả cùng anh khiêu vũ. Trong điệu vũ hiện đại của thế hệ trẻ Man United, Pogba sẽ phải chứng tỏ mình là xuất sắc nhất, với “Dab Move” quen thuộc của mình, để sẽ không còn ai phải dè bỉu rằng “cái giá 89 triệu bảng Anh kia là cả một sự điên rồ” nữa.

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm