Góc nhìn: Tại sao Man United không thể mua siêu sao?

22/08/2014 15:00 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Hai tháng sau khi kết thúc mùa giải ở vị trí thấp nhất tại Premier League trong vòng 24 năm, Man United ký hợp đồng kỷ lục 75 triệu bảng/ mùa với hãng adidas, nhưng cho đến thời điểm này, đội bóng ấy vẫn không thể ký hợp đồng với một siêu sao. Tại sao?

1. Đó vẫn là đội bóng bán được nhiều áo đấu nhất Thế giới, với 1.4 triệu áo đấu được bán trong năm 2013, bằng Real Madrid. Số CĐV áo đỏ trên toàn cầu, theo thống kê mới nhất, lên đến 659 triệu người. Giám đốc điều hành của hãng xe hơi Chevrolet, ông Tim Mahoney, trả lời Reuters rằng thành tích kém cỏi của Man United không làm suy suyển niềm tin của nhà tài trợ này với CLB.

Nhưng đây không phải điểm hẹn của những siêu sao hàng đầu Thế giới. Mùa Hè này, Man United đã thực hiện ba thương vụ đình đám, là Ander Herrera (giá 29 triệu bảng), Luke Shaw (33 triệu) và Marcos Rojo (16 triệu). Tất cả chỉ ở mức tiềm năng, và việc đội áo đỏ phải bỏ quá nhiều tiền ra mua những cầu thủ tiềm năng ấy cho thấy thương hiệu của họ trên thị trường chuyển nhượng (TTCN) là không thật sự ấn tượng.

Man United chắc chắn không thể mơ đến những tân binh cỡ Luis Figo, Ronaldo “béo”, Zinedine Zidane, Kaka, hay bất kỳ Galactico nào của Real Madrid. Mùa Hè này, họ đã theo dõi Toni Kroos rất sát sao, nhưng rốt cục tiền vệ người Đức đã gia nhập Real với giá bằng mức phí mà Man United dùng để mua… Rojo. Đó chính là sự chênh lệch đẳng cấp giữa họ trên TTCN. Matt Hummels (Dortmund) và Arturo Vidal (Juventus) cũng là hai mục tiêu Man United rất ưa thích, nhưng cho đến giờ, tình hình vẫn chưa tiến triển.

2. 48 giờ đồng hồ trước, Thomas Mueller tiết lộ rằng đầu mùa Hè này, anh đã từ chối lời đề nghị “bom tấn” của Man United. Mueller sẽ được tăng lương nếu chấp nhận gia nhập “Quỷ đỏ”, nhưng rốt cục thì anh vẫn ở lại Allianz: “Bayern là CLB của tôi, và thay đổi không có trong từ điển của tôi”.
Man United có thể vẫn là đội thể thao nổi danh và thu hút tài trợ tốt nhất trên Thế giới, nhưng đó không còn là điểm đến hứa hẹn của các ngôi sao lớn có tham vọng trong sự nghiệp.

Kể từ khi Wayne Rooney đến Old Trafford vào tháng 8/2004, Man United đã mua 14 cầu thủ có giá chuyển nhượng từ 15 triệu bảng trở lên. Chỉ có bốn trong số đó, là Owen Hargreaves, Anderson, David De Gea và Ander Herrera, đến từ ngoài biên giới Premier League.

So sánh với Chelsea: Đội bóng áo xanh đã mua 8 cầu thủ có giá chuyển nhượng từ 15 triệu bảng trở lên từ các giải VĐQG ngoài Premier League trong cùng khoảng thời gian. Man City đã mua sáu người ở mức giá trên và đến một đội đang thắt lưng buộc bụng như Arsenal cũng đã mua ba người.

3. Thời điểm Man United không còn sức cạnh tranh trên TTCN trùng với thời điểm nhà Malcolm Glazer tiếp quản đội vào năm 2005 và chất một đống nợ từ họ lên CLB mà họ đã phải vay mượn để giành quyền sở hữu.

Sau trận chung kết Champions League vào tháng 5/2011, Man United thua 1-3 tâm phục khẩu phục, Sir Alex Ferguson trầm trồ khen ngợi các tiền vệ của Barcelona: “Tôi không nghĩ họ từng để mất bóng trong đời”. Nhiều năm qua, Man United buộc phải hài lòng với Michael Carrick, một tiền vệ điều tiết lối chơi giỏi, nhưng không bao giờ là một người xuất chúng.

Có lẽ không phải Sir Alex không muốn tìm một ngôi sao, nhưng ông đã quen với tình trạng phải biết tiết kiệm dưới thời nhà Glazer, và qua đó xây dựng lại một “thương hiệu” cho Man United: Một đội bóng hợp lý, không phải là tập hợp của những siêu sao thực sự, nhưng rất khó đánh bại. Một tập thể cực mạnh, dù chất liệu không hào nhoáng. Một tập thể đối lập với đội bóng được tạo ra từ chính sách Galacticos của Real Madrid.

 Nếu Louis van Gaal cũng làm được như thế, thì các CĐV Man United sẽ không phải băn khoăn về sự thất thế của đội nhà trên TTCN nữa.

Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm