Bộ sách tranh 'Covid trong mắt trẻ thơ': Nỗ lực trao quyền sáng tạo cho trẻ em

21/05/2022 18:03 GMT+7 | Văn hoá

Chú thích ảnh

Bộ sách tranh Covid trong mắt trẻ thơ (NXB Phụ nữ Việt Nam) là tập hợp 7 truyện tranh song ngữ Việt - Anh của tác giả Vũ Thị Thanh Tâm viết lời, được vẽ minh họa và chuyển ngữ bởi các bạn nhỏ từ 9 - 12 tuổi. Bộ sách đã lọt vào Top 8 Vòng Chung kết - chấm điểm của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022.

Top 8 tác phẩm vào Vòng Chung kết - chấm điểm Giải Dế Mèn 2022

Top 8 tác phẩm vào Vòng Chung kết - chấm điểm Giải Dế Mèn 2022

Chiều 18/5, Hội đồng giám khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng đã tổ chức phiên chấm chung khảo cuối cùng.

Những câu chuyện được kể trong bộ sách đã khắc họa cuộc sống trong đại dịch Covid-19 qua lăng kính hồn nhiên và trong sáng của mỗi đứa trẻ. Hơn thế, bộ sách còn thể hiện nỗ lực trao quyền sáng tạo cho trẻ em, đúng nghĩa là một bộ sách do trẻ và vì trẻ.

Từ “Kể chuyện trên những đám mây”…

Từ 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát trong cả nước, đặc biệt là tại TP.HCM - nơi bị giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Các bạn học sinh vì thế không thể đến trường, không thể ra ngoài tận hưởng mùa Hè, cũng chẳng thể gặp gỡ bạn bè và người thân. Vào thời điểm này, Cộng đồng giáo dục trẻ em mầm non VIRES đã phát động một chương trình mang tên “Kể chuyện trên những đám mây”, kể chuyện online hoàn toàn miễn phí cho trẻ em mầm non và đầu tiểu học. Chương trình có sự tham gia của tác giả Vũ Thị Thanh Tâm với vai trò là người kể chuyện.

Nhớ lại quãng thời gian tham gia chương trình, tác giả Thanh Tâm cho biết: “Những câu chuyện kể được khai thác từ nguồn truyện cho phép của tổ chức Room To Read. Tuy nhiên, nguồn truyện này chỉ có hạn với khoảng 80 đầu sách tiếng Việt, trong khi chương trình có sự tham gia của rất nhiều tình nguyện viên và sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn nhỏ qua mỗi buổi đọc. Sau 2 tháng, chúng tôi chuyển sang khai thác những câu chuyện trong sách tranh của các tác giả xuất bản trong nước. Song cách làm này cũng không hiệu quả vì lý do bản quyền”.

Chú thích ảnh
Tác giả Vũ Thị Thanh Tâm

“Mặt khác, có thời điểm những câu chuyện hư cấu xa cuộc sống không thể giúp chúng tôi trò chuyện được những điều mà các bạn nhỏ muốn nói, muốn nghe. Đó là thời điểm thật khốc liệt: Có bé xa ông bà, có bé xa cha mẹ, có bé mất người thân, có bé cha mẹ thất nghiệp, có bé mắc bệnh phải vào khu cách ly vẫn mở máy lên nghe kể chuyện, v.v… Trong khi, ở lứa tuổi mầm non và đầu tiểu học, các em hoàn toàn xa lạ với những phương tiện truyền thông đại chúng, chưa thể nào hiểu được những biến động khủng khiếp của đại dịch. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng sẽ kể những câu chuyện từ thực tế cuộc sống” - chị kể tiếp.

Ý tưởng đã có, tác giả Thanh Tâm bắt đầu xây dựng những câu chuyện kể theo chủ đề từng tuần như: Trung Thu, Halloween, ngày 20/11, hay liên quan trực tiếp đến những sự kiện đời thường của các em nhỏ đã trải qua trong mùa dịch. Một vài truyện được kể thật buồn, một vài truyện thật vui, nhưng truyện nào cũng thật nhiều yêu thương. Cụ thể, 7 tập truyện trong bộ sách Covid trong mắt trẻ thơ lần lượt gồm: “Lồng đèn bí đỏ”, “Ngài Lu”; “Chuyện gì sẽ xảy ra khi rái cá vào thành phố?”; “Virus có ăn được trăng rằm?”; “Virus có ăn được mùa đông?”; “Cô giáo phù thủy”; “Chiếc áo mùa đông”.

Chú thích ảnh
Tác giả Thanh Tâm cùng các bạn nhỏ tham gia trong bộ sách “Covid trong mắt trẻ thơ”

Vốn là một thạc sĩ chuyên ngành văn học nước ngoài, nhưng khi viết tác giả đã gạt hết mọi thứ lý thuyết văn chương từng học, để tập suy nghĩ như một em bé, để kể những câu chuyện từ đời thực dưới góc nhìn trẻ thơ. Chị cũng quan niệm, đó là cách giúp trẻ được cho đi hoặc nhận lại sự đồng cảm, được chữa lành, hoặc cùng tham gia chữa lành cho những người bạn khác. Và cứ như thế, qua mỗi buổi đọc “Kể chuyện trên những đám mây”, phần nội dung của từng tập truyện trong bộ sách Covid trong mắt trẻ thơ được ra đời…

“Đừng bao giờ nghĩ người lớn thấy xấu là trẻ em cũng thấy xấu”

Tác giả Thanh Tâm kể: “Trong một buổi hướng dẫn sáng tác cho các bé tại Đà Lạt, tôi đã in khổ rất lớn bức vẽ con rái cá của bé Thuần Nhiên (9 tuổi) vẽ minh họa trong tập truyện Chuyện gì sẽ xảy ra khi rái cá vào thành phố? Con rái cá được vẽ với cái bụng méo lệch, một bên to, một bên nhỏ, thậm chí không thể nhận ra đó là một con rái cá. Thế nhưng khi được hỏi, các bạn nhỏ trong buổi sáng tác hôm đó đều nói bức vẽ thật đáng yêu, dễ thương, và ấm áp, nhiều bạn còn nhìn thấy con rái cá đang rất vui”.

Chị nói tiếp: “Tôi đã rất bất ngờ và nhận ra đừng bao giờ nghĩ người lớn thấy xấu là trẻ em cũng thấy xấu. Nhiều khi trẻ em sẽ đánh giá bức tranh dựa trên cảm xúc mà nó mang lại, chứ không phải dựa trên những tỉ lệ vàng hoàn hảo, hay có giống thật không. Hơn hết, điều quan trọng là đứa trẻ cảm nhận được gì qua bức tranh đó. Tức là trẻ em đã truyền cảm xúc của chúng vào những bức tranh. Vì thế khi ngắm tranh của trẻ em hãy lắng nghe hơn là quan sát và phân tích. Hãy lắng nghe xem các em đang nói về cảm xúc gì, được truyền đạt qua những bức tranh”.

Đến bộ sách coi trọng sự biểu đạt của trẻ em

Là thành viên của cộng đồng VIRES - cộng đồng hoạt động theo hướng tiếp cận mang tính đổi mới trong giáo dục mầm non dựa trên cơ sở tôn trọng, hơn ai hết tác giả Thanh Tâm hiểu được tầm quan trọng từ sự chủ động của trẻ em. Tất cả những buổi đọc trong chương trình “Kể chuyện trên những đám mây” đều được xây dựng xuất phát từ niềm vui, từ sự chủ động tham gia, cho trẻ cảm nhận trẻ là trung tâm. Chính quan điểm này đã tạo cơ hội cho chị có thể lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, suy nghĩ và biểu đạt của trẻ.

Chú thích ảnh
Bộ sách “Covid trong mắt trẻ thơ” (NXB Phụ nữ Việt Nam)

“Coi trọng sự biểu đạt của trẻ em, theo triết lý này chúng tôi khơi gợi sự biểu đạt của trẻ và trân trọng nó. Tất cả những câu chuyện được tôi xây dựng thực chất đều dựa trên sự tương tác, sự biểu đạt của trẻ em” - tác giả Thanh Tâm nói - “Trong quá trình thực hiện chương trình Kể truyện trên những đám mây, tôi luôn hình dung mỗi tuần các em bé chờ đợi điều gì? Sự việc đó trong mắt các bé sẽ được nhìn nhận thế nào? Đôi khi trong buổi đọc, các bé cùng tôi sáng tạo thêm cốt truyện. Cũng đôi khi truyện tuần sau được hình thành từ ý tưởng “đặt hàng” của các bé từ tuần trước. Hay nói cách khác các em đã tham gia ngay từ khâu sáng tác cốt truyện”.

Bộ sách Covid trong mắt trẻ thơ còn đặc biệt ở chỗ có sự tham gia minh họa và chuyển ngữ của các họa sĩ nhí, dịch giả nhí, dưới 12 tuổi. Các em đều là những người bạn nhỏ thân thiết của Ô cửa sách (dự án phát triển văn hóa đọc, khơi dậy niềm ham mê đọc sách ở trẻ em do tác giả Vũ Thị Thanh Tâm sáng lập và vận hành từ năm 2018).

Theo tác giả Thanh Tâm, ở Ô cửa sách có một triết lý là tin hoàn toàn vào trẻ em. “Tôi tin hoàn toàn khi được trao quyền, trẻ em sẽ làm tốt hơn người lớn trong công việc sáng tạo. Bởi lẽ trẻ em ngay từ nhỏ đã có được năng lực sáng tạo lý tưởng, và năng lực đó bị mài mòn theo thời gian. Cho nên trao những công việc sáng tạo vào tay trẻ em, chúng sẽ hoàn thành tốt hơn người lớn, chỉ cần chúng được đặt niềm tin”. Và từ đó, bộ sách Covid trong mắt trẻ thơ có một đội ngũ minh họa và dịch thuật đặc biệt, gồm 7 bạn phụ trách vẽ mỗi truyện và 4 bạn phụ trách dịch lời sang tiếng Anh.

Dễ thấy khi lật giở từng trang sách tranh Covid trong mắt trẻ thơ là những nét vẽ minh họa đơn giản, hồn nhiên, thậm chí là gây hài hước. Tuy nhiên, những bức vẽ này lại chứa đựng đầy ắp cảm xúc của trẻ thơ, khiến người lớn phải thực sự ngỡ ngàng, và thay đổi suy nghĩ về sự biểu đạt sáng tạo của các em.

Sau cùng, dịch bệnh cũng sẽ qua đi, bộ sách tranh Covid trong mắt trẻ thơ vẫn còn đó và đọng lại những thông điệp đáng quý về trẻ em. Nói như tác giả Thanh Tâm, “Đó là một niềm tin vào trẻ em, hãy trao quyền cho trẻ em, chúng sẽ làm rất tốt những công việc liên quan đến sáng tạo, cũng như tất cả những công việc khác”.

Các họa sĩ nhí vẽ “Covid trong mắt trẻ thơ”

* Bé Nguyễn Thuần Nhiên (9 tuổi), dịch và vẽ minh họa tập truyện Chuyện gì sẽ xảy ra khi rái cá vào thành phố?: “Câu chuyện nói về một chú rái cá rất hài hước và thú vị. Ban đầu con nghĩ rằng con không thể làm được việc dịch và vẽ minh họa cho cuốn sách, nhưng nhờ những sự động viên của cô Thanh Tâm con đã hoàn thành được nhiệm vụ và cho ra đời được một cuốn sách cực kỳ đáng yêu về chú rái cá hậu đậu và ngốc nghếch. Con mong tất cả các trẻ em trên thế giới đều có thể đọc cuốn sách của chúng con…”

* Bé Hà Lê Nguyên An (10 tuổi), vẽ minh họa tập truyện Virus có ăn được trăng rằm?: “Nhờ sự hướng dẫn của cô Thanh Tâm, sự động viên khích lệ của ba mẹ, nên con đã tham gia vẽ minh họa 1 trong 7 câu chuyện của cô Thanh Tâm. Con tự suy nghĩ và tự vẽ theo cảm xúc của bản thân về câu chuyện gia đình nhà Thỏ, về sự chia cắt của Thỏ ông và sự nhớ thương mọi người. Con mong muốn Đà Lạt của con và cả Việt Nam sẽ không phải trải qua cảm giác đau thương do dịch bệnh mang lại. Con cầu mong mọi chuyện được trở lại bình thường như trước dịch để con có thể được đi học lại, được đi du lịch cùng ba mẹ…”

* Bé Hà Trọng Hiếu (9 tuổi): “Trong đợt dịch Covid vừa qua, con đã tham gia dự án Ô cửa sách của cô Thanh Tâm và đã vẽ tranh cho tập truyện Virus có ăn được mùa đông? Con đã phác thảo rất nhanh màu và viền tranh, sau đó gửi cho cô Thanh Tâm. Con rất vui vì tranh đã được xuất bản và được các bạn nhỏ yêu thích nhân vật Gấu và Thỏ của con. Con nghĩ các bạn yêu vẽ sẽ vẽ đẹp hơn con nữa…”

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm