Bí mật viên kẹo socola đặt trên giường của khách sạn mỗi tối: Cách chiều 'thượng đế' không phải dạng vừa

21/03/2023 22:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Bí mật viên kẹo socola đặt trên giường của khách sạn mỗi tối: Cách chiều 'thượng đế' không phải dạng vừa

Để kinh doanh khách sạn thành công, các quản lý và ông chủ sẽ nghĩ ra nhiều "chiêu trò" để lấy lòng khách hàng.

Trong ngành kinh doanh khách sạn, các quản lý thường có những chiêu thức để thu hút khách hàng mà người bình thường khó nghĩ ra được. Một chi tiết nhỏ cũng có thể là một phần trong kế hoạch truyền thông. Nếu đi du lịch và bạn thấy xuất hiện viên socola sau khi phục vụ dọn phòng thì đây chính là một hình thức “phục vụ” đặc biệt.

Tặng socola sau khi dọn phòng - dịch vụ đặc biệt của khách sạn hạng sang

Vào khoảng đầu những năm 1950, nam diễn viên Cary Grant đang ở khách sạn Mayfair sang trọng ở trung tâm thành phố St. Louis. Ông là khách quen và đã đặt căn hộ áp mái để gặp gỡ nhân tình. Để tạo bất ngờ cho đối phương, Cary Grant nhờ khách sạn xếp socola thành một vệt dài bắt đầu từ phòng khách, đến phòng ngủ, trên giường và lên gối. Bên cạnh là một mảnh giấy nhắn mà Grant để lại cho người tình, có ghi tên cô.

Kể từ sau khi có sự xuất hiện của vị khách đặc biệt này, người quản lý khách sạn đã nảy ra ý tưởng đặt những viên socola lên gối khi làm dịch vụ dọn phòng. Khách sạn ngay lập tức nhận được nhiều lời khen ngợi của khách hàng, thậm chí lượng khách còn gia tăng trong khi chi phí để mua một vài thanh kẹo chocolate thực sự không quá đắt đỏ.

Khách sạn Grant thuê phòng hẹn hò với tình nhân ngày nay được đổi tên thành Magnolia Hotel St. Louis và những người quản lý ở đây vẫn tiếp tục truyền thống đặt chocolate lên gối trong các căn phòng.

Bí mật viên kẹo socola đặt trên giường của khách sạn mỗi tối: Cách chiều 'thượng đế' không phải dạng vừa - Ảnh 1.

Nam tài tử Cary Grant. Ảnh: Internet

Phương pháp chiêu dụ khách hàng này từ khi xuất hiện đã nhanh chóng trở nên phổ biến và được đa số các khách sạn 4-5 sao thực hiện. Một số người cho rằng chocolate có thể có nhiều calo, đường và chất béo nhưng cũng có nhiều lợi ích không kém đối với sức khỏe và sự hưng phấn tinh thần. Đối với những người làm nghề dịch vụ, đây là một phần của chiến lược truyền thông.

“Biến thể” khác của viên socola trong ngành dịch vụ

Theo thời gian, thủ tục tặng socola dần trở nên phổ biến trong những nhà khách bình dân. Tuy nhiên, món quà tặng kèm thường là một miếng socola vuông được sản xuất hàng loạt, không có nhãn hiệu. Vì vậy, để tạo sự khác biệt cho mình, nhiều khách sạn đã “biến tấu” thành một số món quà khác.

Niko Penttinen, giám đốc phòng tại khách sạn Mandarin Oriental Tokyo cho biết: “Đối với chúng tôi, việc tặng một món quà sau khi dọn phòng mang lại trải nghiệm mang đậm dấu ấn địa phương. Khách chủ yếu là khách quốc tế, do đó, chủ khách sạn sẽ để lại bánh mochi hoặc một món đặc sản khác để quảng bá hình ảnh của đất nước”.

“Socola không phải món ăn quá đặc trưng vì bạn có thể mua ở bất cứ đâu trên thế giới. Nhưng mochi là một cách để giới thiệu văn hóa Nhật Bản với du khách khi họ ở với chúng tôi”, ông Penttinen nói.

Không chỉ có đồ ăn, một khách sạn khác ở Nhật Bản sẽ tặng khách hàng những món quà lưu niệm. Những sản phẩm này hầu hết được chế tác thủ công tại địa phương, được thiết kế để truyền tải thông tin về văn hóa và được mang về nhà như một vật kỷ niệm.

Ở Provence, miền nam nước Pháp, khách sạn 5 sao Hôtel Crillon le Brave nằm lọt thỏm trong ngôi làng cùng tên trên đỉnh đồi có từ thế kỷ 12, cách Avignon không xa. Nơi đây thu hút du khách vì được tạo thành từ những ngôi nhà nguyên bản, mộc mạc. Tất cả đều có tầm nhìn ra những vườn nho đến những ngọn đồi mờ sương.

Giám đốc điều hành Guy Bertaud của khách sạn cho biết: “Khách tham quan đến với chúng tôi sẽ được tặng một tiện ích hoặc món quà nhỏ. Mục đích là để tăng trải nghiệm cũng như thúc đẩy hoạt động sản xuất của người dân địa phương”.

Quà tặng kèm bao gồm bánh madeleine tự làm, một loại bánh xốp nhỏ béo ngậy có nguồn gốc từ Provence. Cohen nói: “Khi dọn phòng vào buổi tối, chúng tôi đặt món quà được thiết kế giống như tấm bưu thiếp với những câu trích dẫn nhỏ truyền cảm hứng, giúp du khách cảm thấy dễ chịu trước khi đi ngủ”.

Bí mật viên kẹo socola đặt trên giường của khách sạn mỗi tối: Cách chiều 'thượng đế' không phải dạng vừa - Ảnh 2.

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Ngoài quà tặng, khách hàng có thể mang gì từ khách sạn về nhà?

Trên thực tế, hầu hết các khách sạn trên thế giới đều phục vụ du khách 2 chai nước suối nhỏ miễn phí mỗi ngày. Chúng được đặt ở vị trí dễ tìm thấy nhất, cùng với đó là café gói, trà túi lọc. Những món đồ này đều được tính chung với chi phí thuê phòng, bạn được phép mang đi mà không cần hỏi ý kiến khách sạn.

Theo Moneycrashers, vì tính chất công việc thường xuyên phải di chuyển, phải lưu trú tại nhiều khách sạn, một số vị khách đã tích lũy dầu gội - sữa tắm dạng mini từ các khách sạn, không cần mua dầu gội - sữa tắm, tiết kiệm được số tiền không nhỏ.

Tuy nhiên, nếu du khách lấy đồ ăn trong minibar như nước có ga, đồ uống chứa cồn, nước hoa quả, một số món đồ ăn vặt, du khách sẽ phải trả tiền. Thậm chí, nhiều khách sạn còn để bảng giá ở minibar để lưu ý du khách. Giá tiền tùy theo quy định của từng khách sạn. Ngoài ra, những thứ bị tính phí gồm: áo choàng tắm, gối, đồ trang trí có giá trị và tiện nghi trong phòng như tivi, tủ lạnh (minibar), giường, đệm, điều hòa...

Review chiếc hồ không bao giờ chìm ở Ai Cập, nữ travel blogger bị chê bai ngoại hình, dân tình phẫn nộ: “Ai lên hình mà không muốn mình đẹp?”

Thùy Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm