'Beautiful Boy' - Câu chuyện hai anh em sinh đôi

27/10/2015 15:54 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) -Beautiful Boy (Darling Boy) là một trong những bài hát cuối cùng được phát hành của John Lennon trước khi bị bắn chết tại New York vào ngày 8/12/1980. Bài hát là một làn hơi ấm áp mà người cha - John Lennon - gửi đến con mình, cậu con trai bé bỏng Sean Lennon.

Ngày 9/10 tới đây, nếu còn sống John sẽ mừng sinh nhật ở tuổi 75 và cũng đúng ngày này, Seal Lennon cũng sẽ tròn 40 tuổi. Cả 2 cha con đều cùng sinh nhật 9/10 và khi còn sống John từng nói: “Tôi với cháu là hai anh em sinh đôi”.

Chuyện gì đã xảy ra?

Sean Lennon chào đời vào ngày 9/10/1975 và điều đó đã tạo một bước ngoặt trong cuộc đời của bố anh, John Lennon. Trước đó, cả hai vợ chồng John Lennon và Yoko Ono vốn có một ý nghĩ ám ảnh là họ phải có một đứa con trai. Các bác sĩ bảo rằng việc ấy không thể được, vì sức khỏe của họ đã bị hủy hoại. Nhưng số phận đã rủ lòng thương cho hai người, cuối cùng John và Yoko đã có được Sean.

Nhưng vì sao sự ra đời của Sean lại tạo bước ngoặt trong cuộc đời John? Bởi cuối năm 1975 đầu năm 1976, John Lennon đã… biến mất với tư cách là nhạc sĩ. Trong suốt 5 năm sau đó anh dành toàn bộ thời gian của mình để nuôi nấng và chăm sóc Sean.


John Lennon vui mừng đón con trai Sean Lennon chào đời

Trả lời câu hỏi “vì sao John biến mất?” một cách đầy đủ là chuyện không đơn giản, nói đúng hơn là không trả lời được. Trước đó, cả hai vợ chồng John và Yoko đã khốn khổ với nhà đương cục Mỹ khi họ muốn “mời” vợ chồng nổi tiếng này ra khỏi nước Mỹ vì quá nhiều vấn đề mà cả hai đã gây ra. John và Yoko lúc ấy đòi “hòa bình phải có một cơ hội”, “quyền lực phải thuộc về giai cấp cần lao”, đứng về phe phản chiến cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam…

Lúc ấy đã tưởng John Lennon sẽ ra đi. Nếu có, sẽ là cuộc ra đời thứ hai sau cuộc ra đi đầu tiên, rời khỏi nhóm The Beatles, đã gây nên bao nhiêu nuối tiếc vào năm 1970. Báo chí thế giới làm rùm beng về việc này, mức nổi tiếng của Lennon đã làm các nhà đương cục phụ trách vấn đề nhập cư không thể làm điều họ muốn. Cuối cùng, John đã ở lại được nước Mỹ.

Nhưng rồi lần thứ ba ập đến, sau khi con trai Sean ra đời thì John lại ra đi. Có quá nhiều nguyên nhân dẫn tới sự “ra đi” lần này, không chỉ từ bỏ nhóm The Beatles mà còn từ bỏ nghệ thuật và cuộc sống trước đó. Chính Lennon không nói gì về vấn đề này, nếu có nói thì cũng rất không rõ ràng, không dứt khoát, không hết lời. Làm cho người ta dù muốn hay không cũng phải đoán thêm rất nhiều điều.

Nhưng kết lại, chỉ có một điều duy nhất, sự ra đi lần thứ ba là cuộc đấu tranh nội tâm. Trong nỗi thất vọng thời cuộc lớn lao, John quyết định ở ẩn để đấu tranh với một mầm non vừa nhú. Nhưng đánh đổi tất cả điều ấy có đáng không? John đã trả lời: đáng đấu tranh, vì con trai tôi.

Thế là John Lennon nghệ sĩ đã biến thành “gà trống nuôi con”. Đây không phải là ý muốn kỳ quái của một ông bố phát điên vì hạnh phúc. Đó là sự tự nguyện.

Tình bạn đặc biệt giữa Paul McCartney và John Lennon (kỳ 2): Giận hờn và hàn gắn

Tình bạn đặc biệt giữa Paul McCartney và John Lennon (kỳ 2): Giận hờn và hàn gắn

Sự tan rã của The Beatles vào năm 1970 đặt dấu chấm hết cho ban nhạc được hâm mộ nhất thế kỷ 20. Nhưng đó cũng là cuộc chia ly dài nhất giữa hai trụ cột của nhóm, John và Paul.


John chăm bẵm Sean Lennon đúng nghĩa đen của từ “gà trống nuôi con”. Trong 5 năm trời, từ khi đứa con ra đời và đến lúc chết, John Lennon đã rũ bỏ mọi việc sáng tác, để làm việc trong nhà, như người ta vẫn gọi là việc của đàn bà. John cảm thấy mình là người hùng khi nấu xong một bữa ăn, và vui cười khi giặt tã cho con. “Trong lúc nhìn mọi người chén sạch tôi tự nghĩ: Lạy Chúa, chả lẽ tôi không đáng được thưởng một cái đĩa bằng vàng hay một danh hiệu đại quý tộc hay sao?”, John từng nói.

Đó là khoảng thời gian cá nhân mà rất ít ai biết đến John Lennon nghệ sĩ.

Lúc ấy, John và Yoko đã đổi vị trí cho nhau. Trong khi John trông con, là quần áo và nấu ăn, Yoko làm mọi việc trước đấy của John. Tất nhiên John không thể bỏ của cải mà anh đã gầy dựng trước đây chỉ để chăm chăm con cái. Anh nhường việc ấy cho Yoko, còn anh trở thành một bà mẹ. Ngoài ra, John còn cho rằng làm như vậy sẽ giảm nhẹ tội lỗi của mình với phái yếu. Anh nói rằng không thể tuyên truyền một cách trung thực, càng không thể thật sự tin tưởng sự bình đẳng nam nữ, nếu không hoàn toàn đóng vai đàn bà trong thời gian dài.

Thời thơ ấu của bản thân John đã trôi qua không có người cha, cha anh đã bỏ anh gần như từ khi mới ra đời. Vì thế, người con trai không những chuộc lỗi cho mình, mà cả cho bố mình.

Một điều nữa có thể thấy trong câu chuyện này. John trốn tránh thế giới bên ngoài với hy vọng tìm thấy tự do nội tâm, trốn tránh thực tế tàn nhẫn vì đã mất hết hy vọng xoay chuyển nổi thực tế ấy theo hướng tốt, anh trốn tránh trách nhiệm nặng nề đặt lên vai một thủ lĩnh của những người hâm mộ mình, trở thành một người của công chúng và có đầy nguy cơ lại trở thành một tay Beatles mới, điều mà anh hoàn toàn không muốn.

Chính lúc ấy, Sean Lennon trở thành cọng rơm nối John Lennon với cuộc sống. Anh tận hưởng những ngày trôi qua nhanh chóng, không rời xa con mình một phút nào trước sự chia lìa không sao tránh khỏi sau này.

Trong cái quần bò bạc phếch và chiếc sơ-mi cũ, John Lennon tự giam mình trong cái pháo đài Dakota nơi cả nhà đang sinh sống. Và trên cây đàn Steinway màu trắng ngay góc phòng, năm 1980, những giai điệu đầu tiên của Beautiful Boy đã được cất lên.

Hãy nắm lấy tay cha

Ở ẩn có thú vui của nó. John tách ra khỏi thế giới nghệ thuật và cho con anh lớn lên bằng tình yêu của một người cha bình thường. Vợ chồng John không muốn Sean lớn lên và thấy rằng cha mẹ mình là những người nổi tiếng.

Nhưng có thể thấy dũng cảm đổi hướng là một khái niệm khá phức tạp. Vì nếu không có những đĩa hát mới của John, liệu công chúng có chịu được không? Không có lời ca tụng mới của công chúng, liệu John có chịu được không? John Lennon có còn là nghệ sĩ nữa không, nếu anh chỉ giặt giũ và là tã lót cho con?

John trả lời: Tôi đã trả giá.

Đó là năm 1980. John bảo rằng “Nếu anh chẳng có gì để nói với con người thì với một người trung thực, thì hãy im lặng, nhưng nếu anh giả dối, phù phiếm, thì chỉ nhồi nhét cho con người ta những đồ giả mà thôi”.

Nhưng rồi con người thật cũng có lúc xuất thần. Năm 1980 John tràn cảm hứng trở lại sau 5 năm im hơi lặng tiếng. Trong một loạt những sáng tác mới của John, người ta nhận ra vẻ khác biệt, lạ lẫm và tràn đầy tình người qua ca khúc Beautiful Boy.

Bài hát này John dành tặng con trai Sean mà cũng như tặng cho chính mình vì tuổi thơ thiếu vắng hơi ấm người cha. Những lời ca đậm ấm tình cha con như thể John vừa tái sinh, “Hãy nhắm mắt lại, đừng sợ hãi nữa, quỷ dữ đã chạy đi rồi và mẹ đang ở đây bên con” hay “Trước khi con băng qua đường hãy nắm lấy tay cha. Cuộc sống là những gì xảy ra với con trong khi con đang bận rộn làm ra kế hoạch khác”…

Và đó cũng là những lời cuối cùng mà John đã dành tặng cho Sean. Bởi không lâu sau đó, ngày 8/12, anh đã bị bắn chết bên ngoài căn hộ Dakota của mình ở New York. Nhưng hình ảnh “hãy nắm lấy tay cha” trở thành cảm giác quen thuộc của Sean khi lớn lên. Và cậu hiểu người cha bình thường đã nuôi nấng mình hóa ra là một nghệ sĩ lớn, chuyên chống lại bạo lực nhưng cuối cùng lại gục ngã trước một xã hội bạo lực.

John vẫn như ở đấy và trò chuyện cùng Sean hàng ngày. Đối với cậu, đó là một người cha bình dị vĩ đại.

Cùng nghe lại ca khúc Beautiful Boy:


Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm