‘Bảo vệ hải đăng’ - câu chuyện từ những người giữ đèn thầm lặng

03/07/2019 22:22 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - “Bữa giờ mưa gió dữ quá, nhờ mấy anh mà thuyền tôi mới về cập bến…”, câu cảm ơn giản dị của người đàn ông đi biển nói với người gác hải đăng trong một đoạn phim ngắn của chiến dịch Bảo vệ hải đăng đang được chia sẻ trên mạng xã hội đã chạm vào cảm xúc của nhiều người. 

Dưới Hải đăng Đại Lãnh chạm về giấc mơ biển đảo quê hương

Dưới Hải đăng Đại Lãnh chạm về giấc mơ biển đảo quê hương

Hải đăng Đại Lãnh là một trong những hải đăng lâu đời ở Việt Nam với kiến trúc đặc biệt gồm hầm bể chứa nước mưa và hệ thống pin năng lượng mặt trời đảm bảo đèn luôn sáng, chưa bao giờ tắt hàng trăm năm nay.

Có lẽ chỉ những ai đã từng ở giữa biển khơi trong đêm tối, xung quanh mịt mù phương hướng, mới thấu hiểu sâu sắc cảm giác an lòng khi nhìn thấy ánh đèn của những ngọn hải đăng, và cảm thấy biết ơn chân thành với những người đã bảo vệ và giữ cho ánh sáng hải đăng không bao giờ tắt.

Giữ những ngọn đèn

Trong đoạn phim ngắn, để trả lời cho câu hỏi tại sao có thể đảm đương công việc khó khăn này trong suốt 30 năm, người giữ đèn đã hồn hậu trả lời: “Vì chúng tôi biết, đối với dân đi biển, nhìn thấy hải đăng là nhìn thấy nhà”. Lý do chỉ giản dị như thế. Nhưng thẳm sâu, còn nhiều cảm xúc rất riêng mà họ khó lòng chia sẻ với người khác.    

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong phim ngắn Bảo vệ hải đăng

Để giữ cho hải đăng luôn vững chãi làm nhiệm vụ hoa tiêu soi đường cho ngư dân và các phương tiện giao thông trên biển, những người gác hải đăng đã phải ngày đêm đánh đổi bằng tất cả sức lực và nỗ lực bền bỉ. Họ được gọi thân mật là “người giữ đèn”. Nếu không được chứng kiến tận mắt và cảm nhận, sẽ không hình dung nổi những khó khăn, nguy hiểm mà họ phải đối mặt từng giây phút. Không phân biệt ngày hay đêm, mưa to hay nắng gắt… chưa khi nào những người giữ đèn lơ là nhiệm vụ. Bởi một lẽ đơn giản: Những ngọn đèn hải đăng không được phép tắt!

Tiếp tục đồng hành “Bảo vệ hải đăng”

Đóng vai trò định hướng cho tàu thuyền, những ngọn hải đăng phải đứng nơi đầu sóng ngọn gió, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của miền biển: gió muối, nắng gắt, mưa giông dữ dội thường xuyên. Vì vậy, bảo tồn, trùng tu và làm mới công trình là mục tiêu chính của chiến dịch “Bảo vệ hải đăng”.

Chú thích ảnh
Hải đăng Đại Lãnh được sơn lại vào năm 2018

Năm 2018, hải đăng Đại Lãnh (Phú Yên) là công trình đầu tiên được Dulux và AkzoNobel bảo vệ. Quá trình sơn lại hải đăng Đại Lãnh đã gặp nhiều khó khăn vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa thế cheo leo của công trình.

Ai đã từng đến thăm địa điểm này sẽ hiểu, chỉ có duy nhất một con đường nhỏ dẫn lên hải đăng Đại Lãnh, chính vì vậy việc sơn lại rất gian nan và vất vả. Tháp hải đăng cao tới 26m, chênh vênh giữa biển nên đòi hỏi kỹ thuật và trình độ thi công cao. Sau nhiều tháng thi công, hải đăng Đại Lãnh đã được khoác trên mình “chiếc áo bảo vệ mới”, cùng những người giữ đèn đồng hành với tàu thuyền trên biển.

Chiến dịch “Bảo vệ hải đăng” đang tiếp tục được thực hiện đã đồng cảm với nhiệm vụ khó khăn và thầm lặng của những người giữ đèn. Năm nay chiến dịch tiếp tục khoác áo cho ngọn hải đăng hơn 150 năm tuổi ở Vũng Tàu. Nhưng tất cả vẫn chưa dừng lại, chiến dịch sẽ còn nối dài tới những ngọn hải đăng khác trên dải đất hình chữ S xinh đẹp.

Đào An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm