Sửa đổi bổ sung thông tư: Không đồng nghĩa với siết tín dụng bất động sản

10/03/2016 09:28 GMT+7 | Bạn đọc viết

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, việc NHNN lấy ý kiến về việc điều chỉnh thông tư 36, theo hướng có phần siết lại tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản, nâng hệ số rủi ro từ 150% hiện nay lên 250% và giảm trần sử dụng vốn vay ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% như hiện nay xuống còn 40%.

Thông tin này đang dấy lên lo ngại thị trường bất động sản sẽ gặp khó khăn về vốn dẫn tới thị trường khó tiếp đà tăng trưởng của năm 2015. Tại buổi tọa đàm trực tuyến diễn ra tuần qua do báo Tuổi trẻ tổ chức, ông Nguyễn Trọng Du; Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: việc sửa đổi bổ sung thông tư 36, không phải nhằm siết van tín dụng bất động sản.

Việc điều chỉnh này không mang ý nghĩa về động thái siết chặt hay nới lỏng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Đây chỉ là thông điệp của NHNN nhằm tăng cường kiểm soát khả năng thanh khoản và rủi ro trong hoạt động cho vay. Việc điều chỉnh nhằm tăng thanh khoản, nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng. Đồng thời nhằm điều chỉnh dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu tiên theo yêu cầu của Chính phủ.

Ông Du cho biết: "Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2015 đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 25,68%, cao hơn 8,42% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân đối với nền kinh tế, chiếm 10,3% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với khả năng thanh khoản của hệ thống (do các TCTD được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn). Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, tỷ lệ an toàn vốn bình quân của các TCTD là khoảng 13%, với điều chỉnh của dự thảo Thông tư 36 từ 150% lên 250% thì tỷ lệ bình quân còn khoảng 12%, cao hơn mức 9% theo quy định của TT 36, như vậy không ảnh hưởng nhiều và trực tiếp đối với việc cấp tín dụng nói chung, trong đó có bất động sản. Việc sửa đổi thông tư 36, áp dụng đối với các khoản phải đòi đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để sinh lời, không áp dụng đối với hoạt động cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng, sửa chữa, cải tạo bất động sản".

Trước băn khoăn của nhiều người mua nhà về việc hiện đã có NH, dừng việc cho vay mua nhà, đất thế chấp bằng chính tài sản nhà, đất đang giao dịch, ông Phạm Quốc Thanh, Phó chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: "Hiện nay chưa có quyết định nào về việc dừng cho vay theo hình thức thế chấp bằng tài sản giao dịch, việc một số NH, dừng cho vay không vì lí do chính sách. Thực tế hiện phần lớn các ngân hàng vẫn đang tiếp tục cho người dân vay để mua nhà đất bằng chính nhà đất đang giao dịch như là một trong những mảng kinh doanh bán lẻ chính của các ngân hàng. Người mua cũng có thể hoàn toàn yên tâm khi mua các dự án đã được NH, tài trợ và bảo lãnh".

Ông Thanh cũng cho biết, theo thống kê tới cuối năm 2015, dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản đã tăng trưởng khá nhanh so với 2-3 năm trước và tỷ lệ cho vay đã xấp sỉ 10% trong tổng dư nợ. Do vậy, động thái của ngân hàng nhà nước trong việc chỉnh sửa thông tư 36 là phù hợp để tránh dư nợ trong lĩnh vực bất động sản tăng trưởng quá nhanh, thị trường bị bong bóng đầu cơ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên mức độ điều chỉnh sẽ phải cân nhắc hài hòa để thị trường phát triển ổn định.

Dù cho rằng việc sửa đổi thông tư 36, sẽ có những tác động tới thị trường, tuy nhiên ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh, cũng tự tin khi chia sẻ: "Năm 2015, Hưng Thịnh đã cung cấp cho thị trường hơn 5000 căn hộ, với quan điểm không định danh căn hộ thuộc phân khúc cao cấp hay trung cấp, quan trọng là cung cấp cho thị trường những căn hộ phù hợp. Với những dự án triển khai xây dựng và kinh doanh vào năm 2015, chúng tôi vay ngân hàng với tỷ trọng khá ít, chưa đến 20% trên tổng mức đầu tư, phần còn lại là vốn tự có và vốn của người tiêu dùng.

Đặc biệt hầu hết các căn hộ do Hưng Thịnh, phân phối hiện đều có thanh khoản tốt trên thị trường. Vì thế, dù có thể có ảnh hưởng ít nhiều nếu việc sửa đổi thông tư 36 được thông qua. Hưng Thịnh vẫn tự tin với kế hoạch cung cấp khoảng 7.000 căn hộ trong năm 2016".

Theo ông Nguyễn trí Hiếu, chuyên gia kinh tế; việc kiểm soát sự phát triển trong thị trường bất động sản là một điều thiết yếu để tránh tình trạng bong bóng xảy ra. Riêng về mặt kiểm soát tín dụng cho bất động sản NHNN nên có những biện pháp để kiềm chế sự bùng nổ của thị trường bất động sản qua những chính sách tín dụng hợp lý hiện nay NHNN đang đưa ra dự thảo sửa đổi thông tư 36 để lấy ý kiến trong đó bao gồm việc điều chỉnh tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay chung và dài hạn từ 60% xuống 40% và hệ số rủi ro cho tín dụng bất động sản tăng lên từ 150% lên 250%.

Đây là những biện pháp thích hợp để siết lại lĩnh vực bất động sản và từ đó kềm chế thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng nhưng sẽ không đẩy thị trường bất động sản vào khủng hoảng và vẫn tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển.

Ông Nguyễn Trọng Du, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định: "Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (gọi tắt là thông tư 36) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không mang ý nghĩa về động thái siết chặt hay nới lỏng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Đây chỉ là thông điệp của NHNN nhằm tăng cường kiểm soát khả năng thanh khoản và rủi ro trong hoạt động cho vay".

N.H
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm