Vàng thế giới ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất trong 9 tháng

19/02/2022 12:00 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng thế giới tuy giảm nhẹ và rời mức quan trọng 1.900 USD/ounce trong phiên 18/2 khi thị trường đặt nhiều hy vọng cuộc đàm phán Mỹ-Nga sẽ mang lại sự bình tĩnh cho giới đầu tư, song những lo ngại về tình hình Ukraine vẫn giúp vàng ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất trong chín tháng.

Giá vàng thế giới chốt phiên 17/2 tăng vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce

Giá vàng thế giới chốt phiên 17/2 tăng vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce

Giá vàng thế giới phiên 17/2 tăng lên mức cao kỷ lục tám tháng, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng mọi dấu hiệu cho thấy Nga đã lên kế hoạch thực hiện hành động quân sự liên quan tới Ukraine.

Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.896,04 USD/ounce vào lúc 1 giờ 59 phút (sáng 19/2 theo giờ Việt Nam) sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 là 1.902,22 USD/ounce hồi đầu phiên.

Giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên này cũng lùi 0,1% xuống 1.899,80 USD/ounce.

Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của công ty môi giới đầu tư RJO Futures (Mỹ) đánh giá diễn biến mới nhất xung quanh tình hình Nga - Ukraine là khá tích cực và điều đó khiến vàng giảm giá nhẹ.

Chuyên gia này đánh giá đợt giảm này sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vì những căng thẳng kéo dài sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đồng ý gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào tuần tới, giúp dịu bớt lo lắng cũng như nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cập nhật tình hình Nga-Ukraine lúc 4 giờ chiều thứ Sáu (giờ địa phương).

Chú thích ảnh
Vàng được bày bán tại một tiệm kim hoàn. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, nhà phân tích Fawad Razaqzada của công ty môi giới đầu tư ThinkMarkets, có trụ sở hoạt động tại London (Anh) và Melbourne (Australia), cho biết giới đầu tư đang tìm kiếm sự bảo vệ từ các tài sản trú ẩn như vàng không chỉ vì tình hình Ukraine và thị trường chứng khoán biến động mạnh, mà còn do áp lực lạm phát gia tăng.

Nhìn chung, thị trường vàng thế giới đã có một tuần khá biến động nhưng vẫn rực rỡ, với vai trò là tài sản trú ẩn an toàn và kho lưu trữ giá trị hàng đầu khi căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine gia tăng.

Trong phiên đầu tuần 14/2, giá vàng kỳ hạn thế giới tăng 1,48% và chốt phiên ở mức 1.869,4 USD/ounce, cao nhất trong gần ba tháng giữa bối cảnh giới đầu tư hướng sự chú ý tới những bình luận từ các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trước đó cùng ngày, Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis, ông James Bullard cho rằng tình trạng lạm phát ở mức cao đang khiến người dân Mỹ không hài lòng.

Sang phiên 15/2, giá vàng giảm trước tín hiệu Nga rút một số đơn vị quân sự đóng tại biên giới với Ukraine làm giảm nhu cầu mua vàng để bảo toàn tài sản. Phiên này, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,7% xuống 1.856,20 USD/ounce. Các chuyên gia cho biết căng thẳng Nga-Ukraine giảm nhiệt khiến các tài sản trú ẩn an toàn như vàng giảm giá nhẹ. Ngoài ra, dữ liệu lạm phát của Mỹ tăng đang đè nặng lên thị trường vàng bởi có thể dẫn đến Fed tăng lãi suất.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm trong phiên 16/2, sau khi Mỹ cho biết Nga vẫn bố trí lực lượng quân đội ở biên giới với Ukraine, trong khi giới đầu tư chờ đợi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách mới nhất. Cụ thể, giá vàng kỳ hạn của Mỹ lùi 0,8% xuống 1.871,50 USD/ounce.

Chú thích ảnh

Nhưng sang phiên 17/2, giá vàng thế giới lại tăng lên mức cao kỷ lục của 8 tháng, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng mọi dấu hiệu cho thấy Nga đã lên kế hoạch thực hiện hành động quân sự liên quan tới Ukraine. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 1,6%, lên 1.902 USD/ounce.

Dù giảm nhẹ trong phiên cuối tuần 18/2, kim loại quý này vẫn tăng 3,1% trong cả tuần qua - mức tăng hàng tuần cao nhất kể từ tháng 5/2021.

Theo đánh giá của ông Adrian Ash, Giám đốc nghiên cứu của nền tảng giao dịch vàng BullionVault, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), cho biết trong những tuần tới, giá vàng có thể có xu hướng giảm nếu căng thẳng tại Đông Âu giảm bớt, nhưng các động lực cơ bản vẫn được duy trì. Ông cũng lưu ý nhu cầu của người tiêu dùng châu Á đang tiếp tục phục hồi sau giai đoạn ngừng hoạt động vì đại dịch COVID-19, cùng với việc các ngân hàng trung ương tiếp tục tích lũy vàng.

Các nhà đầu tư vào kim loại quý cũng đã và đang theo dõi chặt chẽ diễn biến chính sách tiền tệ, với việc Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất để đối phó với lạm phát tăng cao.

Ông Peter Spina, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của chuyên trang về thị trường vàng GoldSeek.com (Mỹ) cho biết dù e ngại về căng thẳng Ukraine – Nga vẫn chiếm trang đầu, động lực chính đằng sau đợt tăng giá này của vàng vẫn là lạm phát gia tăng.

Theo ông, xu hướng này vẫn mạnh và giá vàng có thể nhanh chóng tiếp tục đi lên để đạt được mục tiêu tiếp theo là 1.920 USD/ounce.

Còn theo đánh giá của ông Jason Teed, đồng quản lý danh mục đầu tư của Quỹ đầu tư vàng QGLDX (Mỹ), nhiều khả năng vàng sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng giá trong những tuần tới do áp lực lạm phát cao. Nhưng các biến động địa chính trị sẽ khó dự đoán hơn. Nhà phân tích này cho rằng mức giá vượt quá ngưỡng 2.000 USD/ounce không phải là một kỳ vọng bất hợp lý trong những tháng tới.

H.Thủy/TTXVN (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm