Tác động của dịch COVID-19 đến kinh tế Việt Nam

27/02/2020 15:01 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù các ca nhiễm mới dịch COVID-19 đang có xu hướng giảm tại đại lục Trung Quốc, nhưng lại đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia khác như: Hàn Quốc, Italy, Nhật Bản, Iran, Singapore... Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Báo chí thế giới đánh giá cao tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam

Báo chí thế giới đánh giá cao tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam

Theo Đài Sputnik, năm 2019 ghi nhận Việt Nam có tiếng nói ngày càng mạnh trên trường quốc tế, và điều này được phản ánh trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. Đặc biệt, tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc là chủ để được dư luận quan tâm nhiều nhất.

Tác động đa chiều, lên tất cả các lĩnh vực   

Dù chưa thể thống kê hết các thiệt hại, song các chuyên gia kinh tế đã có những đánh giá bước đầu về ảnh hưởng của đại dịch này đến lĩnh vực kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế của Hãng tư vấn Oxford Economics, ước tính dịch COVID-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do năng suất lao động giảm, sản xuất đình đốn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thương mại và đầu tư giảm, ngành du lịch bị tàn phá…   

Tại Việt Nam, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, dịch COVID-19 tác động mạnh, thậm chí nghiêm trọng đến kinh tế của Việt Nam. Đây là tác động đa chiều, lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Nguyên nhân trước hết là do tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới hiện đang giảm tốc, giờ lại bị tiếp dịch COVID-19, nên mức độ giảm tốc có thể cao hơn và tác động mạnh mẽ đến tổng cầu kinh tế thế giới nói chung và các đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam nói riêng. Tiếp đó, COVID-19 làm gián đoạn các chuỗi giá trị do tình trạng ngưng trệ sản xuất, hạn chế kết nối, giao thương để chống dịch. Đáng nói hơn cả là sự lo ngại, gián đoạn của người tiêu dùng sẽ tác động lớn đến lĩnh vực du lịch-dịch vụ.  

Chú thích ảnh
Sân bay Nội Bài vắng vẻ trong thời điểm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tiếp diễn. Ảnh: TTXVN

Theo tính toán sơ bộ bước đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam năm 2020 có thể giảm từ 0,5% đến gần 1% so với mục tiêu đề ra là 6,8%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này còn phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo và khả năng khống chế dịch. Trong trường hợp khống chế được dịch trong quý 1-2020 thì tăng trưởng GDP năm 2020 dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, quý 1 tăng 4,52%; quý 2 tăng 6,08%; quý 3 tăng 6,92% và quý 4 tăng 6,81%.

Trường hợp dịch được khống chế trong quý 2-2020 thì tăng trưởng được dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý 1-2020; trong đó, quý 1 tăng 4,52%; quý 2 tăng 5,1%; quý 3 tăng 6,70% và quý 4 tăng 6,81%.   

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo những ngành ảnh hưởng trực tiếp do dịch gồm xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải; những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp gồm sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất công nghiệp như: sản xuất, chế biến thực phẩm, công nghiệp điện-điện tử, da giày, dệt may, thương mại nội địa, đầu tư, thu chi ngân sách, phát triển doanh nghiệp... Riêng với lĩnh vực du lịch, nếu dịch kéo dài hết quý 1, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.

Nỗ lực giảm thiểu thiệt hại   

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực vào cuộc phòng, chống dịch, bảo vệ nhân dân, đồng thời có các đối sách để kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng giữ vai trò nòng cốt cho nền kinh tế. Theo đó, Bộ Công Thương đã quyết liệt, chủ động, đưa ra nhiều giải pháp bình ổn thị trường, hạn chế những tác động bất lợi từ dịch bệnh.   

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Cụ thể, hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay.  

 

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang, làm thủ tục tại cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: TTXVN

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kyf hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến ngày 31-3, cho đến khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này.   

Về phía các doanh nghiệp, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bản thân doanh nghiệp cần theo sát thông tin từ các cơ quan chức năng để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh; linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh về hợp đồng và phía đối tác. Điều quan trọng nhất là cẩn trọng, cảnh giác để giảm thiểu tối đa những thiệt hại kinh tế trước những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp do dịch bệnh COVID-19, trước khi có những hỗ trợ, giúp đỡ từ phía Chính phủ, các ban, ngành chức năng…   

Cùng với đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, các doanh nghiệp dù ở tầm vĩ mô hay vi mô đều phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Luôn chủ động liệt kê những loại hình rủi ro và cách thức giải quyết vấn đề ngay từ bước lập kế hoạch, tránh bị động trong mọi hoàn cảnh chứ không chỉ riêng dịch COVID-19 lần này.

Ngày 25/2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc-Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp tháng 2-2020 của Hội đồng. Cuộc họp đã phân tích đánh tác động của dịch COVID-19 tới phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cũng như thảo luận về dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được đưa ra, như: giải pháp về thuế, phí. Các ý kiến đều cho rằng cần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt cần có giải pháp phù hợp để bảo đảm nguồn nhân lực, lao động và các điều kiện sản xuất kinh doanh bình thường cho khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để vừa bù đắp thiệt hại, vừa giảm thiểu tác động của dịch.    

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bên cạnh chống dịch, cần khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương mình, chủ động ứng phó hiệu quả và có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch COVID-19, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng, thiệt hại. Đồng thời, xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, quyết liệt, đồng bộ, cả trước mắt và dài hạn, trong đó có các giải pháp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực và các giải pháp về hoàn thiện thể chế, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ổn định tâm lý tiêu dùng và tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển.

Tùng Lâm/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm