Sốt xuất huyết: những điều cần biết

28/06/2022 15:45 GMT+7 | Bạn cần biết

Sốt xuất huyết gia tăng nhanh, đã có gần 63.000 ca. Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh

Đến hết ngày 24/6, cả nước ghi nhận khoảng 77.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng hơn 10.000 ca so với tuần trước đó. Đã có 30 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Trong những tuần gần đây, số mắc sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao. Dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.  

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong, 47.821 trường hợp nhập viện điều trị.   

So với cùng kỳ năm 2021 (31.962/5) số mắc tăng 97% lần, số tử vong tăng 24 trường hợp. Tỷ lệ chết/mắc hiện là 0,046% so với chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia là 0,09%.   

* Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì?   

- Bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm và thường gia tăng vào mùa mưa, với trung gian truyền bệnh chủ yếu  là muỗi Aedes Aegypti. Sốt xuất huyết Dengue gặp ở cả trẻ em và người lớn.   

- Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue   

Chú thích ảnh
Một trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng được điều trị khỏi. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN

Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng nên thường  được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban  ngày, hay đốt nhất là vào sáng sớm và chiều tối.   

Muỗi vằn thường trú đậu ở các  góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở  các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong  và xung quanh nhà như bể bơi, chum, vại, lu, giếng nước, hốc  cây, ở các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, lốp xe, vỏ dừa. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng  vượt trên 200C

* Các giai đoạn bệnh   

- Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 4 giai đoạn   

+ Giai đoạn ủ bệnh: 3-10 ngày (có thể kéo dài đến 14 ngày), thường không có triệu chứng.   

+ Giai đoạn sốt: Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục, có thể có cơn rét run, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau mỏi cơ khớp và nhức hai hố mắt. Da xung huyết, thường có chấm xuất huyết dưới da, có thể có chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.   

+ Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3 -7 của bệnh. Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện lừ đừ, phù mi mắt, tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan to, có thể đau, có thể có dấu hiệu của xuất huyết niêm mạc và các tạng.   

+ Giai đoạn hồi phục: Sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh  hết sốt, toàn trạng tốt lên, ăn ngủ khá hơn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều.   

- Biến chứng   

Trong giai đoạn nguy hiểm có thể gặp các biến chứng sau: xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, sốc xuất huyết Dengue, thậm chí tử vong.

Chú thích ảnh
Nhiều bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

* Điều trị   

Sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị triệu chứng:   

Thời gian điều trị: từ 7-10 ngày tính từ ngày sốt đầu tiên.   

Người bệnh có thể điều trị tại nhà sau khi được bác sỹ chuyên khoa khám, xét nghiệm và tư vấn kỹ kế hoạch điều trị, theo dõi và chăm sóc người bệnh ngoại trú cho người bệnh và thân nhân hiểu rõ.   

Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh..) hoặc nước cháo loãng với muối.   

Khi người bệnh sốt: lau người bằng nước ấm, uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tuyệt đối không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị sốt vì có thể gây sốt xuất huyết, toan máu.

* Phòng bệnh   

Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là:   

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy.   

- Phòng chống muỗi đốt   

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Chú thích ảnh
Phun hóa chất diệt muỗi khu vực có người mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

* Chăm sóc và theo dõi   

- Chế độ dinh dưỡng   

Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ dinh dưỡng, chia thành nhiều bữa nhỏ;  tránh các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, các thức ăn màu đỏ sẫm để tránh nhầm lẫn trong xuất huyết tiêu hóa. Không hút thuốc lá.   

Uống nhiều nước, bù nước và điện giải bằng ORS hàng ngày, tăng cường nước hoa quả ép như cam, bưởi, chanh, nước dừa. Không uống rượu bia, café và các loại nước có gas.   

- Các dấu hiệu cần chú ý và theo dõi   

Theo dõi thân nhiệt tối thiểu 3 lần/ngày, số lượng nước tiểu mỗi ngày, tình trạng đau bụng, nôn, tiêu chảy.   

Chú ý tình trạng tri giác: tỉnh táo hay kích thích, lơ mơ và tình trạng xuất huyết nếu có: chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu âm đạo, đại tiện ra máu hoặc có phân đen, nôn ra máu, tiểu ra máu.

* Những lưu ý trong quá trình điều trị   

- Nghỉ ngơi tại giường, tránh căng thẳng.   

- Uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sỹ.   

- Súc họng bằng nước muối hoặc nước súc họng, không dùng bàn chải đánh răng đến khi có hướng dẫn của nhân viên y tế.   

- Báo nhân viên y tế khi có các dấu hiệu chảy máu: chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen và tri giác lơ mơ.

* Lưu ý sau khi điều trị  

- Uống thuốc theo đơn (nếu có).  

- Ăn uống bồi dưỡng sức khỏe theo nhu cầu và theo bệnh lý kèm theo (nếu có).   

- Ngủ màn phòng muỗi đốt, hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp xe/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá.

* Tái khám khi có các dấu hiệu sau   

- Tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì.   

- Nôn tăng.   

- Tự dưng kêu đau bụng hoặc tăng cảm giác đau.  

- Tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn.   

Chảy máu bất kỳ chỗ nào: chân răng, máu cam, âm đạo.

Phương Phương/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm