Làm gì khi nhân viên không làm việc hết mình?

29/09/2020 08:00 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Tình trạng nhân sự lơ là, không làm việc hết mình, thụ động, không nỗ lực cống hiến cho sự phát triển ở bất kỳ công ty, doanh nghiệp nào cũng có. Tuy nhiên, nếu trong một doanh nghiệp tồn tại nhiều nhân viên có biểu hiện này, sức mạnh tập thể và tương lai của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là vấn đề mà các nhà quản lý vẫn luôn đau đầu tìm giải pháp để họ có thể sẵn sàng lăn xả và cống hiến nhiều hơn cho tổ chức.

5 kỹ năng giải quyết xung đột khi làm việc nhóm

5 kỹ năng giải quyết xung đột khi làm việc nhóm

Xu hướng làm việc nhóm rất được ưa chuộng bởi không những khiến hiệu quả công việc ngày càng cao mà kỹ năng cá nhân của từng người trong đội nhóm cũng được cải thiện khá nhiều.

Dưới đây là một vài gợi ý về cách giải quyết vấn đề này, bạn tham khảo nhé.

Trao đổi riêng với nhân viên

Để giải quyết một vấn đề triệt để, điều trước tiên bạn cần làm là tìm ra nguyên nhân, lý do vì sao nhân viên đó không nỗ lực làm việc để đạt kết quả cao nhất. Có thể người đó bị đặt sai vị trí, hay đang quá tải và sinh ra cảm giác mệt mỏi, chán nản khiến cho hiệu quả công việc không đạt như kỳ vọng...

Việc thẳng thắn chia sẻ quan điểm từ góc nhìn người quản lý và lắng nghe ý kiến từ nhân viên sẽ chỉ ra được những yếu tố trở ngại khiến họ không thể tập trung làm việc. Từ đó, cả nhân viên và quản lý có thể đưa ra giải pháp chung để khắc phục vấn đề. Nếu nhân viên đó là người cầu thị, biết lắng nghe và tiếp thu thì chỉ sau một thời gian, kết quả công việc sẽ thay đổi tích cực. Còn nếu ngay cả khi bạn đã tác động và đưa ra phương án hỗ trợ, nhưng họ vẫn dậm chân tại chỗ, không thể biến chuyển “sức ì” của bản thân thì bạn nên có phương án dứt khoát hơn, tránh tình trạng một người làm ảnh hưởng đến cả tập thể.

Chú thích ảnh

Xem xét lại văn hóa công ty

Văn hóa công ty là một trong những yếu tố thu hút nhân sự dù là tuyển nhân viên kế toán, Marketing, IT hay bán hàng đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của từng cá nhân. Văn hóa công ty, doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở những chương trình khích lệ nhân viên, các hoạt động team building, mà thể hiện ngay từ bầu không khí làm việc, văn hóa ứng xử trong đội ngũ cán bộ nhân viên cho đến cả hình ảnh của công ty trong mắt khách hàng, đối tác.

Một khi bạn nhận ra hiệu quả công việc có dấu hiệu giảm sút, không khí làm việc không sôi nổi, nhân viên kém hào hứng với dự án mới hay hời hợt tham gia những chương trình do công ty tổ chức, đã đến lúc bạn cần họp cả tập thể để tìm ra nguyên nhân. Với cương vị người đứng đầu, bạn chính là người có trách nhiệm nhìn nhận lại vấn đề trong các khâu làm việc của các phòng ban, duy trì ngọn lửa nhiệt huyết, niềm tin đến với nhân viên. Từ đó, bạn sẽ truyền được năng lượng tích cực đến nhân viên của mình, để họ làm việc hết mình, nỗ lực nhiều hơn nữa và có những đóng góp to lớn hơn cho doanh nghiệp.

Nhìn nhận lại chất lượng công việc và cơ hội nghề nghiệp

Ngoài nguồn thu nhập, công việc còn mang đến cơ hội để nhân viên tích lũy kinh nghiệm, phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp. Sự gắn bó và nỗ lực của nhân viên đối với doanh nghiệp vì thế cũng phụ thuộc chủ yếu vào vị trí, công việc họ đảm nhận. Theo một số khảo sát, sự nhàm chán và không có cơ hội phát triển trong công việc là nguyên nhân thứ hai khiến cho nhiều người đánh mất động lực làm việc, ngại phấn đấu và sớm rời đi.

Chú thích ảnh

Để khắc phục tình trạng này, những người quản lý và bộ phận nhân sự cần tìm hiểu rõ ưu thế của nhân viên và đặt họ vào những vị trí phù hợp nhất. Đồng thời, doanh nghiệp nên tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho nhân viên, để họ thấy cơ hội phát triển của chính mình. Khi đó, họ sẽ nhận ra trách nhiệm đóng góp của bản thân dành cho sự phát triển của công ty.

Phúc lợi dành cho nhân viên

Khi không nhận được những phần thưởng xứng đáng, thật khó để một người có thể tập trung làm việc và cống hiến hết mình cho doanh nghiệp. Họ đã gắn bó với bạn nửa năm đến một năm, hay lâu hơn nữa nhưng bạn hoàn toàn quên lời hứa hẹn về chế độ bảo hiểm, thưởng dự án, hay thậm chí là bắt bẻ khi họ nghỉ phép... Một người sẽ luôn nỗ lực cống hiến nếu như sự cố gắng của họ được công nhận và đền đáp. Ngược lại, nếu họ đã “cho đi” quá nhiều nhưng không nhận lại được gì, chắc chắn họ sẽ sớm rời khỏi nơi không trân trọng họ. Là một người quản lý, bạn nên xem xét vấn đề phúc lợi cho nhân viên định kỳ và có những hành động khích lệ để họ yên tâm đóng góp cho công ty.

Chú thích ảnh

Gia tăng sự kết nối giữa lãnh đạo và nhân viên

Hiểu biết lẫn nhau, một lời khen chê đúng lúc, một sự giúp đỡ khi nhân viên cần... sẽ là sợi dây kết nối giữa nhân viên và người quản lý. Trong quá trình làm việc, nếu thiếu sự quan tâm lẫn nhau, nhân viên sẽ không cảm nhận được mình là một phần của doanh nghiệp. Khi đó, họ sẽ chỉ làm đúng những gì mình nên làm mà không cần quan tâm đến các vấn đề khác của doanh nghiệp. Điều này thật tệ hại khi chúng ta muốn nhân viên của mình ưu tiên sự cống hiến cho doanh nghiệp, nhưng lại không quan tâm đến những vấn đề của họ.

Hãy gia tăng những vòng tròn kết nối, giữa nhân viên và nhân viên, giữa nhân viên và lãnh đạo, để họ thấy được sứ mệnh của chính mình, sự tin tưởng và kỳ vọng của các cấp quản lý dành cho mình, để họ không cảm thấy lạc lõng, làm việc hết mình và sẵn sàng cống hiến vì công ty và tập thể.

Huyền Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm