Khi lạm phát chạm đến điểm giới hạn của người tiêu dùng

16/03/2022 22:01 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Người dân Mỹ đã chứng kiến giá cả mọi mặt hàng leo thang trong năm qua. Tình hình này đang “bào mòn” khả năng tài chính của các hộ gia đình. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sự gia tăng này vượt quá giới hạn của người tiêu dùng?

Khủng hoảng năng lượng và 'bóng ma' lạm phát vẫn đuổi theo nền kinh tế thế giới

Khủng hoảng năng lượng và 'bóng ma' lạm phát vẫn đuổi theo nền kinh tế thế giới

Căng thẳng địa chính trị ở châu Âu diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu, với nguồn cung năng lượng thắt chặt khiến lạm phát tăng cao hơn, làm phức tạp thêm sự phục hồi sau đại dịch.

Đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đã đẩy giá của gần như mọi mặt hàng tăng cao. Tháng Hai vừa qua, giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng ở mức chưa từng thấy kể từ đầu năm 1982 và khả năng cao là vẫn chưa dừng lại ở đó.

Sau một năm giá cả leo thang, giờ đây căng thẳng Nga-Ukraine lại “đổ thêm dầu vào lửa”, khi khiến giá của nhiều mặt hàng thiết yếu hơn, như thực phẩm và năng lượng, tăng còn cao hơn nữa.

Giá thực phẩm và khí đốt leo thang

Chi phí nấu ăn và xăng xe đã gia tăng suốt cả năm qua. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, giá xăng đã tăng 38% trong 12 tháng tính đến tháng Hai, trong khi giá thịt, gia cầm, cá và trứng đã tăng 13% trong cùng kỳ. Giờ đây, giá khí đốt còn tăng cao hơn nữa và người dân đang chật vật tìm cách thích ứng. Trong đó, những người đã nghỉ hưu và những người sống dựa vào thu nhập cố định bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề khi giá cả leo thang như thời gian qua.

Chú thích ảnh
Một kho dự trữ dầu tại Houston, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Frances Donald, chiến lược gia và chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của công ty quản lý đầu tư Manulife Investment Management, giá thực phẩm tăng mạnh là một vấn đề khó giải quyết, đặc biệt khi đây thực sự là một vấn đề của nguồn cung toàn cầu. Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu rất nhiều ngũ cốc và phân bón. Khi hoạt động thương mại đang bị đình đốn do căng thẳng giữa hai nước, chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu đã bắt đầu bị ảnh hưởng.

Chuyên gia Tim Uy của Moody's Analytics nhận định nguy cơ lớn nhất với chuỗi cung ứng toàn cầu đã chuyển từ đại dịch COVID-19 sang xung đột quân sự giữa Nga-Ukraine và những bất ổn về kinh tế và địa chính trị mà nó gây ra.

Với chính phủ ngân hàng trung ương các nước trên thế giới, đây là một thách thức mới mà những thay đổi chính sách điển hình đã từng được sử dụng để chống lạm phát trước đây có thể sẽ không hữu dụng. Ví dụ, kế hoạch nâng lãi suất và kiềm chế lạm phát do đại dịch của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hầu như không thể thay đổi tình hình nguồn cung thực phẩm toàn cầu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chiến lược này sẽ không giúp gì nhiều trong vấn đề tài chính mà người dân Mỹ đang gặp phải khi giá cả tăng cao.

Điểm giới hạn của người tiêu dùng

Trong cái rủi có cái may: Tình hình tài chính của các hộ gia đình Mỹ hiện tốt hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đây, từ đó giúp họ chống chịu phần nào với sự gia tăng của giá cả. Trong đại dịch, các khoản hỗ trợ của chính phủ và sự thay đổi trong cách chi tiêu đã giúp nhiều hộ gia đình gia tăng tiết kiệm.

Chú thích ảnh
Người dân chọn mua hàng tại cửa hàng của hãng Macy ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Nhưng đà tăng giá càng ảnh hưởng nhiều đến các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, thì người dân càng cần phải gia tăng chi tiêu, từ đó gây áp lực lên tình hình tài chính của gia đình. Tình hình này sẽ đặc biệt khó khăn với những người Mỹ có thu nhập thấp không có tiền tiết kiệm dư thừa và chi phí năng lượng chiếm phần lớn trong chi tiêu của họ.

Ông Aneta Markowska, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư Jefferies, cho biết giá dầu cứ tăng 10% thì sẽ khiến chi tiêu khả dụng của người dân giảm 0,2%. Kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, giá dầu tại Mỹ đã tăng hơn 11%.

Tình hình này rất đáng quan ngại vì chi tiêu tiêu dùng là yếu tố đơn lẻ quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Nếu người dân có ít tiền hơn để chi tiêu cho những mục không phải đồ dùng thiết yếu, điều này sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Dù thời kỳ suy thoái do đại dịch đã trôi qua, nhưng giới chuyên gia đang ngày càng lo ngại rằng nước Mỹ có thể đang tiến đến một thời kỳ lạm phát đình trệ (stagflation), khi tăng trưởng kinh tế bị trì trệ đi kèm lạm phát cao hạn chế chi tiêu tiêu dùng.

Trong khi đó, nhiều câu hỏi cũng đang được đặt ra khi lợi nhuận doanh nghiệp cao kỷ lục trong thời gian giá cả tăng cao này. Tuần trước, Ủy ban dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ đã tổ chức một phiên điều trần về vấn đề này. Điều này cho thấy nhiều nghị sỹ rõ ràng đang lo ngại về việc các doanh nghiệp kiếm lời từ khó khăn của người lao động, khi những đồng tiền họ vất vả kiếm được ngày càng mất giá.

Cho đến nay, giá cả tăng cao vẫn chưa khiến người tiêu dùng từ bỏ các cửa hàng ưa thích của mình, nhưng như thế không có nghĩa là điều này sẽ không xảy ra trong tương lai.

Giám đốc điều hành của Coca-Cola James Quincey hồi tháng Hai cho rằng người tiêu dùng sẽ chỉ chấp nhận được giá cả tăng cao đến mức độ này thôi. Và giá khí đốt tăng lên có thể đẩy người dân đến điểm giới hạn. Khi tình hình tài chính hộ gia đình trở nên căng thẳng, các mặt hàng không thiết yếu và các thương hiệu lớn với nhiều sự lựa chọn thay thế giá rẻ hơn sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên.

Khánh Ly/TTXVN (Theo CNN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm