Khi chiếc xe không 'như ý'

05/05/2021 10:55 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Việc người tiêu dùng làm video tung lên mạng xã hội tố lỗi xe, nhà sản xuất xe tố ngược lại người tiêu dùng nói sai sự thật, làm ảnh hưởng thương hiệu đang gây xôn xao trong cộng đồng người dùng xe hơi Việt Nam, vốn không phải chuyện mới trên thế giới.

Honda Việt Nam triệu hồi gần 28.000 xe ô tô để thay bơm nhiên liệu

Honda Việt Nam triệu hồi gần 28.000 xe ô tô để thay bơm nhiên liệu

Từ 5/5, Honda Việt Nam sẽ triệu hồi tổng cộng 27.640 xe ô tô trên thị trường Việt Nam để thay thế bơm nhiên liệu. Các xe trong chiến dịch triệu hồi lần này bao gồm cả 6 mẫu Honda đang bán tại Việt Nam: City, Jazz, HR-V, Civic, CR-V, Accord.

Cũng như mua bất cứ một sản phẩm tiêu dùng nào, việc người tiêu dùng có thể không hài lòng về sản phẩm sau một thời gian sử dụng là việc thường xuyên xảy ra. Phóng viên trang Hotcars (Mỹ) còn viết nửa đùa nửa thật về chuyện này rằng thật không may nếu bạn là…người Mỹ vì nguy cơ vướng phải kiện tụng rất cao, một số không nhỏ người muốn kiện người khác về việc…làm rơi mũ ! Người tiêu dùng không hài lòng về sản phẩm hay dịch vụ và…đi kiện được xem là chuyện phổ biến trong văn hoá Mỹ, đôi khi khiến người tới từ các vùng văn hoá khác không thể hiểu nổi như hai người ở Florida đã kiện một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh vì không làm bánh mì kẹp thịt theo cách họ muốn!

Chú thích ảnh

Vì phổ biến như vậy nên nghề luật sư ở Mỹ và nhiều nước phương Tây vô cùng phát triển, vô cùng bận rộn và rất giàu.

Một kiến trúc sư người Việt đang làm việc tại Berlin, Đức, kể về “kinh nghiệm kiện tụng” này như sau : Nếu xe của bạn gặp sự cố có thể liên quan tới kỹ thuật của hãng xe, thì rất sớm thôi, có ít nhất 3 tổ chức tìm tới để “hỏi thăm”- đại diện hiệp hội người tiêu dùng, đại diện hãng luật và đại diện luật sư của hãng xe. Hai đại diện đầu tiên thăm hỏi là phụ, việc chính là xúi bạn đi kiện hãng xe. Nếu các bên không tự dàn xếp được với nhau thì sẽ ra toà và thường các hãng luật cũng như hiệp hội người tiêu dùng rất thích ra toà. Lý do đơn giản là khi ra toà thì số tiến đòi đền bù có thể lên tới vài triệu tới hàng chục triệu USD và văn phòng luật đại diện người tiêu dùng sẽ nhận được khoản phần trăm không nhỏ. Nếu hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tham gia vào nguyên đơn, vụ kiện sẽ lớn hơn, tiền đền bù sẽ nhiều hơn bởi vì hãng xe có khả năng phải tiến hành đền bù cho tất cả các khách hàng đã từng mua xe/ hoặc phải tiến hành thu hồi toàn bộ xe với chi phí hoàn trả khổng lồ. Tuy nhiên trên thực tế, số vụ người tiêu dùng thắng kiện với khoản đền bù “khủng” như vậy khá ít, và thường kéo dài nhiều năm, vì quá trình thu thập chứng cứ thuyết phục trước toà không hề đơn giản.

Vài năm gần đây, đi cùng sự phát triển của MXH, sự bùng nổ các diễn đàn xe, các kênh bình luận xe cá nhân thì cũng gia tăng số lượng người tiêu dùng sử dụng những kênh này để “tố” sản phẩm một cách khá thoải mái, không có sự giám sát của người-thứ-ba (trung lập). Tình huống này khiến một số hãng/đại lý xe phải lập ra bộ phận “theo dõi” những khách hàng của họ để lại lời phàn nàn trên các trang đánh giá xe và sẵn sàng cho các vụ kiện.

Trên thực tế, một số vụ “kiện ngược” như vậy đã diễn ra. Năm 2015, một đại lý ô tô ở bang California đã kiện Zaki Ibrahim, người đã mua một chiếc xe cũ tại đây. Sau khi đưa xe trở lại đại lý để phản ánh về trục trặc kỹ thuật nhưng không được xử lý, Ibrahim đã chọn trang đánh giá trực tuyến Yelp để “chấm điểm” dịch vụ của đại lý nói trên. Phía đại lý đã yêu cầu Ibrahim gỡ bỏ bài đánh giá nhưng không được đáp ứng nên đã đưa ra tòa án liên bang, đòi bồi thường 75.000 USD về “tội phỉ báng và bôi nhọ thương mại. Đơn kiện đó đã bị thẩm phán bác bỏ.

Hay một khách hàng khác mang xe tới sửa và quay lại video sau đó post lên mạng "tố" đại lý tính công tới 2,5 giờ cho việc thay 1 chiếc cầu chì. Nhưng đại lý của thương hiệu Chevrolet cho biết họ cũng có camera ghi lại sự việc không như khách hàng tố cáo và kiện đòi bồi thường thiệt hại hơn 25.000 USD.v.v.

Ở Việt Nam chưa có “văn hoá kiện” như ở Mỹ, nhưng một vài sự vụ ồn ào như “diễu hành xe ở Hà Nội đòi quyền lợi” hay “làm clip bóc phốt” trong cộng đồng người tiêu dùng thời gian gần đây cho thấy “văn hoá kiện” thực sự cần thiết và cũng cần thiết như tiếng nói của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (đã thành lập từ năm 2018) trong việc hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng quyền của mình một cách hợp pháp và hiệu quả.

Phan Ka

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm