Chứng khoán toàn cầu lao dốc sau quyết định tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương

24/09/2022 08:09 GMT+7 | Bạn cần biết

Chứng khoán toàn cầu lại vừa trải qua một phiên giao dịch ảm đạm trong ngày 23/9 khi toàn bộ các chỉ số chính ở thị trường chứng khoán Mỹ, Canada và châu Âu đều ngập trong sắc đỏ, do giới đầu tư lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái sau một loạt quyết định tăng mạnh lãi suất của ngân hàng trung ương các nước.

Một tuần giao dịch nhiều khó khăn đối với chứng khoán Phố Wall

Một tuần giao dịch nhiều khó khăn đối với chứng khoán Phố Wall

Chứng khoán Phố Wall đi xuống trong phiên 16/9, qua đó khiến mức giảm theo tuần càng sâu hơn giữa lúc thị trường ngày càng lo sợ một cuộc khủng hoảng kinh tế sau cảnh báo mới nhất từ hãng kho vận FedEx.

Trên thị trường Phố Wall, cả 3 chỉ số chính tiếp tục xu hướng lao dốc của các phiên giao dịch trước đó khi chỉ số Dow Jones giảm 1,6% xuống còn 29.590,41 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,7% xuống 3.693,23 điểm và chỉ số Nasdaq giảm mạnh nhất 1,8% xuống 10.867,93 điểm.

Tính trong cả tuần, các chỉ số này lần lượt để mất 4%, 4,6% và 5,1% giá trị. Hiện chỉ số Dow Jones đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, trong khi chỉ số S&P 500 tiệm cận mức đáy thiết lập hôm 17/6 vừa qua.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Canada, làn sóng bán tháo của các nhà đầu tư cũng khiến chỉ số chứng khoán tổng hợp S&P/TSX của nước này giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/9. Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết chỉ số S&P/TSX giảm 2,75%, đóng cửa ở mức 18.480 điểm. Đây à mức thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 7/2022.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán châu Âu cũng phản ứng tiêu cực trước làn sóng tăng mạnh lãi suất của các ngân hàng trung ương sau quyết định tăng 75 điểm cơ bản lần 3 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 21/9. Cụ thể, chỉ số EURO STOXX 50 giảm 2,3% về 3.348,60 điểm; chỉ số FTSE 100 của Anh và DAX của Đức cùng giảm 2%, lùi về 7.018,60 điểm và 12.284,19 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 2,3% xuống còn 5.783,14 điểm.

Đồng pha với chứng khoán, giá dầu cũng giảm mạnh trong ngày 23/9 do gia tăng lo ngại về suy soái kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng giảm trong thời gian tới. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11 giảm 5,7% xuống 78,74 USD/thùng; giá dầu Brent giảm 4,8% xuống 86,15 USD/thùng. Như vậy, hiện cả 2 loại dầu này đều đang được giao dịch ở mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, sau khi lần lượt để rơi 7,1% và 5,7% giá trị trong tuần này.

Vàng cũng quay đầu giảm giá sau các ngày tăng trước đó, do đồng USD tăng mạnh. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex giảm 25,5 USD, tương đương 1,52%, xuống còn 1.655,6 USD/ounce. Trong cả tuần qua, giá vàng đã giảm 1,7% và hiện đang được giao dịch ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4/2020 đến nay.

Trong khi đó, đồng USD tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác như euro, bảng Anh, yên Nhật và đôla Canada (CAD). Hiện một USD đổi được 143,31 yên Nhật, tăng so với mức 142,35 yên trước đó. Trong khi đó, tỷ giá euro/USD giảm từ 0,9839 xuống 0,9695; tỷ giá bảng Anh/USD giảm từ 1,1252 xuống 1,0852  và tỷ giá xu Mỹ/CAD giảm xuống còn 73,61, mức thấp nhất trong hơn hai năm.

Quang Thuận – Hương Giang/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm