Alex Ferguson: Bậc thầy của chiến tranh tâm lý

26/12/2012 13:02 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Một lần nữa, HLV Alex Ferguson lại lôi tất cả vào một cuộc chiến tranh miệng lưỡi bằng cách buộc tội Williams của Swansea có thể đã "giết chết" Robin van Persie, sau một hành vi mà rất nhiều cầu thủ bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng của trận đấu sẽ ứng xử như thế. Đây không phải là lần đầu tiên bóng đá Anh nổi sóng gió vì những phát ngôn của Sir Alex, một bậc thầy trong nghệ thuật chiến tranh tâm lý.

Vụ tranh cãi này lại là "màn kịch" nhằm phát động một cuộc chiến tranh tâm lý của Sir Alex?

Người hâm mộ có thể nhận ra sự vô lý của phát ngôn ấy. Các tờ báo có thể chỉ ra rằng cầu thủ của Sir Alex đã từng hành xử "chợ búa" hơn (cú song phi của Cantona vào một CĐV năm 1995, hay vụ Roy Keane cố tình đạp gãy chân cầu thủ trẻ Alf-Inge Haaland năm 2001, để trả thù, như lời chính anh ta thú nhận trong tự truyện), vậy thì ông lấy tư cách gì đi thổi phồng một sự việc có thể nảy sinh bất thường trong một trận đấu căng thẳng? Nếu đó là một cú sút thẳng vào đầu van Persie, chắc chắn là hành vi phi thể thao cùng cực. Nhưng một cú đá bóng vào người cầu thủ đối phương, xin nhấn mạnh, không phải là một hành vi khủng khiếp đến mức "giết người".

Tất nhiên, Sir Alex hiểu rõ hiệu quả của những lời ông đã nói, dù LĐBĐ Anh (FA) đã quyết định không phạt Williams. Trong vài ngày qua, rất nhiều người đã nói về tình huống ấy, và sự việc được truyền thông mổ xẻ không kém gì một chức vô địch mà đội áo đỏ giành được. Sir Alex chỉ cần có thế: 1) Tạo cho van Persie cảm giác rằng anh được bảo vệ bằng mọi giá; 2) Kích động chiến tranh và làm tất cả quên đi rằng M.U vừa đánh rơi hai điểm; 3) Tạo áp lực lớn cho các trọng tài và cả quan chức FA trong các quyết định sau này liên đới tới M.U.

Cay nghiệt cùng cực với kẻ địch

HLV cáo già của M.U đã quen với việc phát động những cuộc chiến tranh tâm lý. Cách đây vài ngày, để chuẩn bị cho trận gặp Real Madrid tại Champions League, ông khuấy động không khí bằng cách tuyên bố M.U muốn mua lại Cristiano Ronaldo. Phản ứng có ngay tức thì: Cầu thủ người Bồ tuyên bố "nhớ" M.U, và báo chí TBN lại đặt nghi vấn rằng liệu có phải anh đã chán Real Madrid?

Trước thềm derby Manchester, Sir Alex khoét vào nỗi đau bị loại sớm ở Champions League của Manchester City, và sau đó mỉa mai rằng "Họ đã ghi nhiều bàn thắng vào cuối trận và hưởng penalty rất nhiều. Nếu M.U mà hưởng nhiều penalty như vậy thì chắc là Hạ Viện Anh đã mở cuộc điều tra rồi”. Kết quả, M.U thắng 3-2 ngay tại Etihad và sau đó, tiến thẳng đến chức vô địch mùa Đông.

Vụ Williams sút bóng vào đầu van Persie đã trở thành một chi tiết đắt giá để Sir Alex có thể khai thác, và nâng quan điểm hành vi ấy lên thành "giết người" cho thấy rằng ông luôn cay nghiệt đến mức vô lý (nhưng cần thiết phải thế) với kẻ địch.

Hãy nhớ là năm 2007, khi được hỏi rằng liệu Liverpool có phải ứng cử viên vô địch Premier League hay không, Sir Alex trợn tròn mắt: “Bạn đang đùa à? Trông tôi có giống một kẻ biến thái tình dục đang cố rạch cơ thể mình không? Tại sao không phải là xuống hạng?". Khi Arsenal vẫn còn là kình địch đáng gờm nhất đối với M.U, ông Ferguson đã nhận xét về HLV Arsene Wenger thế này: "Đây là người đàn ông thông minh, biết 5 ngoại ngữ à? Tôi biết một thằng nhóc 15 tuổi người Bờ Biển Ngà cũng nói được 5 thứ tiếng đấy".

Sự tàn nhẫn ấy được áp dụng ngay cả với những người đã từng thân thiết, như một biện pháp chứng minh rằng những ai quay lưng với ông sẽ phải trả giá đắt. Sau khi David Beckham rời Old Trafford vì vụ giày bay, Sir Alex đã giải thích việc này một cách lạnh lùng: "Đó là một tai nạn kỳ cục. Nếu tôi có cố thực hiện lại 100 hoặc một triệu lần, nó cũng sẽ không lặp lại. Nếu có thể, tôi đã tiếp tục chơi trò này rồi!”. Sau đó, ông tuyên bố chưa bao giờ hối tiếc vì đã bán Beckham.

Sự cay nghiệt ấy một lần nữa lại được áp dụng đúng lúc đúng chỗ. Những ai tỉnh táo sẽ không bình phẩm về những lời lẽ thổi phồng của HLV người Scotland, bởi vì quá khứ đã chứng minh rằng mọi lời lẽ của ông thường nhằm đánh lạc hướng dư luận, và Sir Alex có lẽ cũng thừa khôn ngoan hiểu rằng những gì ông đã nói là vô lý theo cách hiểu thông thường, nhưng hoàn toàn logic để mở ra một cuộc chiến tranh tâm lý, để bản thân ông có thể hứng chịu những lời chỉ trích, và con đường đến chức vô địch của M.U trở nên sáng sủa hơn.

Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Tôi khẩu chiến là tôi tồn tại

Vụ Williams là một lần hiếm hoi Sir Alex "ngắm bắn" một cầu thủ. HLV người Scotland thường lựa chọn các trọng tài, và các HLV đối địch làm mục tiêu. Trong 25 năm qua, tổng số trận mà ông bị cấm chỉ đạo vì chỉ trích trọng tài đã lên đến con số gần 20. Khẩu chiến với các nhà cầm quân khác ở Premier League thì nhiều như cơm bữa. Năm 2009, ông gọi Rafa Benitez là "người đàn ông phổi bò", sau khi cựu HLV Liverpool nổi giận trong phòng họp báo vì màn trình diễn của các cầu thủ. HLV Arsene Wenger đã từng bị gọi là một "nỗi ô nhục" vào năm 2005, và ngay từ khi HLV người Pháp mới đến Arsenal năm 1996, Sir Alex đã châm chọc: "Ông ta thông minh, nói 5 ngoại ngữ, tôi biết một thằng nhóc người Bờ Biển Ngà có thể nói được 5 thứ tiếng". Kevin Keegan cũng từng là một nạn nhân của Sir Alex: Năm 1996, ông Ferguson khích tướng Leeds, đối thủ sẽ gặp Newcastle sau đó gần hai tuần, khiến HLV Keegan của "Chích chòe" tức điên, dù Newcastle khi ấy vẫn hơn M.U 12 điểm. Rốt cục, đội áo đỏ lại đăng quang, sau một serie sai lầm của Newcastle cuối mùa.

Nhưng đối thủ khẩu chiến dằng dai và khó khăn nhất của Sir Alex lại là Kenny Dalglish, người đã là đối thủ lớn của ông Ferguson từ khi còn là cầu thủ. Khi cả hai gặp nhau trong một trận Old Firm cuối năm 1969, ông Ferguson đã mỉa mai Dalglish rằng "gã béo ấy làm sao thành cầu thủ được". Thực tế đã chứng minh đó là một nhận định sai bét. Năm 1988, sau trận hòa 3-3 giữa M.U và Liverpool, Sir Alex cho rằng các trọng tài đã thiên vị Lữ đoàn đỏ. Đáp lại, ông Dalglish mang đứa con gái nhỏ của ông ra, chỉ vào nó và trả lời cánh phóng viên: "Hỏi ông ta làm cái gì? Hỏi con gái tôi ấy. Mới 6 tuần tuổi thôi, nhưng nói chuyện thú vị hơn ông ta nhiều".

Một trong những phát ngôn tâm lý chiến nổi tiếng nhất của Sir Alex cũng nhắm vào Dalglish: Năm 1995, ông đề cập đến trường hợp vấp ngã trước vạch đích hy hữu của con ngựa đua Devon Loch để "nắn gân" Blackburn của Dalglish, khi ấy hơn M.U 5 điểm. Rốt cục, Blackburn vẫn vô địch với một điểm nhiều hơn M.U, và Dalglish tinh quái giải thích: "Tâm lý chiến với tôi có là cái gì. Ông ta nói về đua ngựa, còn tôi chỉ biết câu cá, nên chẳng bị ảnh hưởng gì".


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm