Truyền hình thực tế: Nhiều, nhưng "sống" được bao nhiêu?

12/01/2009 09:27 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH Cuối tuần) - Sinh động, gần gũi và chân thật, các chương trình truyền hình thực tế (THTT) có nhiều ưu thế so với các thể loại khác. Vì thế, nó dễ chinh phục người xem, nhất là khi nhu cầu giải trí ngày càng cao, khán giả xem TH không chỉ để vui vẻ mà còn muốn được sống trong cảm giác bất ngờ hay sự rung động, sẻ chia, vun đắp niềm tin... Đã có hàng chục chương trình THTT được sản xuất và rất nhiều chương trình có tính chất của THTT, nhưng...

Nhiều, nhưng… chưa tạo “sốt”?

Chương trình THTT “made in Việt Nam” ra mắt sớm nhất trên VTV phải kể đến Khởi nghiệp (2005), sau đó là Ước mơ của tôi, Phụ nữ thế kỷ 21Khởi nghiệp ngay từ những chương trình phát sóng đầu tiên đã nhận được những phản ứng trái chiều của khán giả. Một diễn đàn trên mạng có đến cả chục ý kiến phê phán chương trình về nhiều mặt, đặc biệt là… ban giám khảo. Chương trình không trụ được lâu. Phụ nữ thế kỷ 21 cũng chưa thật sự sống động dù đã kéo được khá nhiều người đẹp “vào cuộc” ở các thắng cảnh của đất nước, có cả diễn viên-ca sĩ Hoàng Thùy Linh, ca sĩ Mai Khôi, ca sĩ kiêm MC Nguyệt Ánh… tham gia. Nó kéo dài được 2 năm nhưng chỉ Lã Thanh Huyền (người đoạt ngôi vị cao nhất ở năm đầu tiên) là gương mặt được nhắc nhiều hơn cả. Các chương trình chưa thu hút khán giả như mong đợi dù không ai phủ nhận ý nghĩa xã hội của chúng. Vì vậy, tuổi thọ của các chương trình THTT này đều không dài…
 
Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly

Trong khi trên thế giới, truyền hình thực tế (THTT) - thể loại có lịch sử hơn 60 năm - đã xuất hiện nguy cơ “thoái trào” thì ở Việt Nam, thể loại còn mới mẻ này đang vươn lên trở thành thể loại được sản xuất ngày càng nhiều và hứa hẹn “thế chân” vị trí của gameshow trong thời gian tới. Liệu THTT sẽ “sống” được ở Việt Nam bao lâu và sẽ “sống” như thế nào ? Chuyên đề của TTVH Cuối tuần kỳ này, đúng vào dịp LH truyền hình toàn quốc đang diễn ra tại Nha Trang, xin đưa ra một số góc nhìn về xu hướng THTT.

Trên sóng HTV, nhiều chương trình THTT xuất hiện: Ngôi nhà mơ ước, Vui là chính, Chinh phục đỉnh Everest, Vietnam Idol… Có những chương trình tạo được tiếng vang nhưng cũng có chương trình vấp phải những phản ứng của dư luận khi được làm theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”. Đầu năm nay, Những chàng trai, những cô gái phát sóng trên HTV7 được vài số thì dừng lại, mặc dù có cả ê-kíp phía bán bản quyền từ Malaysia sang hỗ trợ sản xuất. Chương trình này ghi lại những hình ảnh trong cuộc sống thường nhật của các chàng trai và cô gái ở nhiều ngành nghề khác nhau. Một nhân vật tham gia chương trình cho rằng, lý do của sự chia tay này vì chương trình không phù hợp với thị hiếu người xem và… nhiều lý do “khó nói”. “Có cảnh chúng tôi đi massage rất trong sáng mà cũng không được phát sóng vì người ta cứ nghĩ massage là hư hỏng. Làm THTT ở Việt Nam thật khó”, người này thổ lộ.

Cho đến thời điểm này, có thể nói, hai chương trình THTT vừa đạt được hiệu quả về mặt nội dung vì ý nghĩa nhân văn cao cả, vừa “lấy lòng” người tham gia và khán giả nhiều hơn cả trong số các chương trình THTT là Vượt lên chính mình (VLCM, phát sóng trên HTV và một số đài khác) và Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL, phát sóng trên VTV). VLCM ra mắt trong năm đầu tiên đã giật giải Mai Vàng. Còn NCHCCCL cũng là ứng viên nặng ký giải này năm nay ở hạng mục chương trình truyền hình. VLCM luôn nhận được sự hưởng ứng của khán giả suốt 4 năm nay, nhờ ý nghĩa xã hội thiết thực của nó khi cổ vũ, động viên người nghèo vươn lên trong cuộc sống bằng những phần thưởng xứng đáng, như chính tên gọi của chương trình. NCHCCCL vừa tổng kết một năm ra mắt với thành tích đáng biểu dương là kết nối được trên 70 trường hợp tìm được gia đình và người thân thích. Cùng với Ngôi nhà mơ ước, Câu chuyện ước mơ… đều khai thác “quặng” đề tài mang ý nghĩa nhân văn, đem lại những xúc cảm cho người xem, không chỉ bổ ích với người tham gia mà cả những khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ… Tuy nhiên, những chương trình này vẫn chưa đủ sức tạo nên “cơn sốt” như khi game show xuất hiện.
 
Hành trình kết nối những trái tim tại Mường Phăng

Nhiều game show, talk show, phim tài liệu hay phóng sự trong các cuộc thi cũng được thực hiện theo theo thủ pháp của THTT hay thực hiện một phần chương trình có tính chất “thực tế”, như: Người đương thời, Gia đình trẻ, Chai thủy tinh, Sao mai điểm hẹn, Đồ rê mí, Kết nối đến tương lai, Hãy mời tôi vào nhà… Không thể phủ nhận những đóng góp về hiệu quả từ cách làm chương trình mang đầy hơi thở cuộc sống đem đến cho khán giả những cảm nhận phong phú và đa chiều hơn…

Gian nan tìm… thực tế

Cách đây chưa lâu, trước tình trạng gameshow bão hòa và bị phim truyền hình thế chỗ trong nhiều “giờ vàng”, khi người viết bài gợi ý sao không chuyển hướng sang sản xuất chương trình THTT, một vị lãnh đạo Ban Thể thao - Giải trí và Thông tin kinh tế (VTV3) lắc đầu: “Làm THTT tốn kém lắm!”. Có lẽ vì vậy, sau Khởi nghiệpƯớc mơ của tôi…, đến nay vẫn chưa thấy VTV tự sản xuất chương trình nào theo thể loại này.

Các chương trình THTT phát trên sóng từ trước đến nay hầu hết là sản phẩm xã hội hóa, do đơn vị tư nhân liên kết với “nhà đài” để sản xuất và thường được mua bản quyền nước ngoài. Nhưng không giống gameshow có format “chuẩn” hay phim truyền hình có kịch bản, THTT không có kịch bản cụ thể mà chỉ có khung chương trình hay ý tưởng nên đòi hỏi phải chắt lọc rất nhiều từ thực tế. Vì thế, nhiều đạo diễn hay nhà quay phim có kinh nghiệm nhưng khi bắt tay làm THTT cũng phải đau đầu. Đây là những “cuộc đua” mạo hiểm của các nhà làm chương trình với hy vọng chương trình thành công sẽ tạo được tiếng vang và khẳng định “thương hiệu”, dù rằng ai cũng biết “cuộc chơi” không hề đơn giản.
 
Việt Nam Idol
 
Việt Nam Idol, riêng tiền mua bản quyền cũng ngót nghét vài triệu USD/năm, chưa kể kinh phí thực hiện khi vòng thi ở 4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ với ê kíp thực hiện khoảng 100 người, mỗi tiết mục có 6-7 nhóm quay. Chinh phục đỉnh Everest tốn khoảng vài chục tỷ đồng với cả trăm người tham gia ê kíp thực hiện chương trình và kéo dài suốt cả năm. Hành trình 2468 km đang phát sóng lúc 22h thứ Bảy hàng tuần trên VTV3 cũng là một chương trình phải đầu tư khá bộn tiền với 5 đội chơi được đầu tư toàn bộ kinh phí đi dọc chiều dài đất nước Việt Nam bằng xe máy để khám phá các miền văn hóa cùng các trò chơi thể hiện bản thân. Hành trình kết nối những trái tim với nhóm bảy bạn trẻ “trên từng cây số” đểkhám phá nét đẹp về văn hóa, con người trên chính quê hương, tìm thấy một nửa đồng điệu của mình từ những người bạn đồng hành… Dù kinh phí cấp cho các nhân vật khá eo hẹp nhưng cả ê-kíp lặn lội đến những vùng sâu, vùng xa như thế để tác nghiệp chẳng đơn giản! Hơn nữa, ngoài phát chính trên HTV7 và HaNoiTV - kênh H2, chương trình này còn “phủ sóng” tại… 18 đài PTTH khác nên chi phí để “phủ sóng” cũng không nhỏ.

Ngoài đầu tư thời gian, tiền bạc để thực hiện thì THTT cũng kén người tham gia. Có những chương trình kéo dài cả năm, nhân vật cần sự đầu tư nghiêm túc, chuẩn bị về nhiều yếu tố, từ thể lực đến tâm lý... Vì vậy, không phải người chơi nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu chương trình.

“Bùng nổ” hay… tắt ngấm?

Xu hướng cạnh tranh của truyền hình châu Âu cách đây vài năm là THTT và thể loại này sẽ tiếp tục được phát triển ở VN, dù rằng để đến được với thành công, các nhà sản xuất còn nhiều “cửa ải” phải vượt qua, nhiều thử thách để “vượt qua chính mình”. Cũng giống như sự chuyển hướng của gameshow trong thời gian gần đây, THTT ở ta đang tìm con đường đi của riêng mình, hướng tới những chương trình có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những chương trình với nhân vật là những người có hoàn cảnh khó khăn, có số phận đặc biệt và học sinh, sinh viên cùng phần thưởng lớn để tạo cơ hội cuộc sống và học tập, nghề nghiệp cho họ thì vẫn còn thiếu vắng những chương trình đậm màu sắc giải trí gây thích thú và bất ngờ cho khán giả. “Khán giả nước ngoài bây giờ thích xem America's next top model chứ Survivor hay Big brother cũng đang thoái trào rồi”, người mẫu, ca sĩ Nathan Lee, người đã nhiều năm sống ở nước ngoài, cho biết. Nathan Lee bật mí, khoảng tháng 3/2009, một chương trình THTT về thời trang sẽ được sản xuất với sự cố vấn của các chuyên gia thời trang từ Pháp. Anh tin tưởng đây là chương trình đem đến nhiều sự bất ngờ cho người xem và có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang ở VN. Anh chia sẻ quan điểm: “Các chương trình THTT của Việt Nam sẽ phù hợp với người Việt Nam hơn cả”.

Trong khi truyền hình thực tế ở nước ngoài dường như đã có phần “thoái trào” thì nó đang vươn lên trở thành thể loại được sản xuất ngày càng nhiều ở VN và hứa hẹn “thế chân” vị trí của game show trong thời gian tới.

Hải Đông
 
Đón đọc bài tiếp theo: Thách thức và tương lai của THTT ở Việt Nam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm