3 sắc thái rực rỡ của sơn ta

28/03/2023 08:43 GMT+7 | Văn hoá

Triển lãm tranh sơn mài mang tên Ba của 3 họa sĩ Lê Bá Cầu, Đào Minh Tuấn và Phạm Trà My sẽ ra mắt công chúng hôm nay, 28/3, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội). Ở đó, người xem chiêm ngưỡng 3 mảnh ghép cũng là 3 cá tính khác biệt, nhưng sự kết hợp của họ lại đồng điệu trong âm hưởng thâm trầm mà rực rỡ của sắc sơn ta.

1. Triển lãm kéo dài tới 6/4, giới thiệu những tác phẩm mới nhất của 3 họa sĩ. Họ có xuất phát điểm từ những nền tảng đào tạo khác nhau, trong đó Lê Bá Cầu và Đào Minh Tuấn theo học tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam còn Phạm Trà My tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên, họ gặp gỡ nhau trên con đường sáng tạo nghệ thuật và song hành cùng nhau trong triển lãm lần này.

3 sắc thái rực rỡ của sơn ta - Ảnh 1.

Poster Triển lãm "Ba"

Điểm chung của 3 nghệ sĩ chính là sự gắn kết với với tranh sơn mài. Sơn mài là một chất liệu truyền thống trong mỹ thuật Việt Nam, từ một nghề thủ công truyền thống, các nghệ sĩ đã biến đổi sơn mài thành chất liệu của mỹ thuật tạo hình. Trong chặng đường lịch sử phát triển của tranh sơn mài, những ngôn ngữ nghệ thuật cũng như các kỹ thuật mới đã ra đời. Các thế hệ nghệ sĩ đã nghiên cứu đưa bảng màu phong phú hơn vào sắc độ của sơn mài.

Họa sĩ chọn vẽ sơn mài cũng đồng nghĩa với việc họ đã chọn dấn thân vào con đường gian nan, bởi không chỉ yêu cầu về thẩm mỹ hay kỹ năng, tranh sơn mài còn cần sự khéo léo, kiên nhẫn và bền bỉ. Lê Bá Cầu, Đào Minh Tuấn và Phạm Trà My cũng vậy, họ là những họa sĩ đã có kinh nghiệm và nhiều năm sáng tác với sơn mài.

2. Họa sĩ Lê Bá Cầu sinh năm 1985 tại Thanh Hóa, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Anh có niềm đam mê với chất liệu sơn mài truyền thống và vẫn giữ nguyên mạch cảm hứng với chủ đề phong cảnh phố phường Hà Nội. Các tác phẩm của anh được trưng bày trong một số triển lãm nhóm nhưChòn chòn (2015), Triển lãm CLB Trẻ (2016), Moving (2017), Chơi thật (2019)…

Lê Bá Cầu vẫn giữ niềm yêu thích với cảnh sắc của phố phường Hà Nội. Những hình ảnh quen thuộc với bất cứ ai đã gắn bó với Hà Nội hiện lên đầy thi vị trong tranh của anh. Giữa phố thị nhộn nhịp vẫn còn đó những khung cảnh dịu dàng và bình yên. Những con phố nhỏ, những mái nhà cổ xô nghiêng, những bức tường cũ kỹ… không hoa mỹ, bóng bẩy nhưng lại chạm tới những cảm xúc nguyên vẹn nhất.

3 sắc thái rực rỡ của sơn ta - Ảnh 2.

Tác phẩm “Đêm Hồ Gươm” (100 x 120cm,2022) của Lê Bá Cầu

Lê Bá Cầu khai thác bảng màu sơn ta truyền thống, nắm bắt triệt để hiệu quả của sắc vàng. Sự "dư thừa" của màu vàng lại khiến những thứ bình dị trở nên óng ánh vàng son. Cách vẽ của Lê Bá Cầu không phải là hiện thực ảnh, mọi hình dạng đều đã được đưa qua bộ lọc cảm xúc của họa sĩ.

Đào Minh Tuấn, sinh năm 1979, là thành viên của không gian nghệ thuật MU Lala Art Space (Hà Nội). MU Lala được sáng lập bởi một cộng đồng nghệ sĩ cấp tiến, đã tổ chức nhiều sự kiện trưng bày nhóm và cá nhân, kết hợp đa dạng các loại hình nghệ thuật từ mỹ thuật tới thời trang, nghệ thuật biểu diễn. Đào Minh Tuấn đã có kinh nghiệm sáng tác với nhiều chất liệu, thể hiện dấu ấn cá nhân với phong cách biểu hiện. Ngoài các triển lãm nhóm trong và ngoài nước, triển lãm cá nhân gần đây nhất của Đào Minh Tuấn mang tên Cỏ cháy (2022).

3 sắc thái rực rỡ của sơn ta - Ảnh 3.

Tác phẩm “Mơ” (90 x 120cm,2021) của Đào Minh Tuấn

Hội họa của Đào Minh Tuấn gợi lên cảm giác mãnh liệt trong cách anh sử dụng đường nét. Chất liệu sơn mài truyền thống vốn đề cao sự tỉ mỉ trong kỹ thuật, cho phép người nghệ sĩ có thể chú tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất. Tuy nhiên, Đào Minh Tuấn lại chọn cách khái quát hóa tạo hình, để mặc cho cảm xúc chiếm ưu thế trong những bức tranh. Những khung cảnh của anh thể hiện không tĩnh tại mà như chuyển động với những đường nét biến hóa, các hình dáng dường như không tính toán từ trước mà xếp đặt một cách ngẫu hứng. Hay nói một cách đơn giản hơn, đó là những bức tranh có nhịp điệu. Trong một số tác phẩm, bút pháp của anh gần như trừu tượng, "mô tả", "tái hiện" không còn quan trọng, thay vào đó là tính biểu cảm của những yếu tố tạo hình thuần túy.

3. Mảnh ghép hoàn chỉnh của Triển lãm Ba là Phạm Trà My, cô sinh năm 1986 tại Hà Nội, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nghệ thuật của Phạm Trà My biến hóa cùng chất liệu sơn ta truyền thống. Tranh của cô lựa chọn lối thể hiện giàu tính trang trí với những hình ảnh đầy nữ tính để tự họa chân dung chính mình. Cô đã tham gia nhiều triển lãm nhóm như Today (2016), How much is it (2018), Timeless, Sáu Độ (2019), Vietnam Young Artist (2020), Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (2020)…

3 sắc thái rực rỡ của sơn ta - Ảnh 4.

“Những ngày lặng lẽ” (50 x 80cm,2023) của Phạm Trà My

Nghệ thuật của Phạm Trà My là sự kết nối quan trọng trong mạch nguồn cảm xúc của triển lãm này. Trong tranh của cô vừa có sự trau chuốt tỉ mỉ vừa chứa đựng những mãnh liệt, dồi dào. Tác phẩm của cô kiến tạo một thế giới thực mà như ảo mộng, trong đó xuyên suốt là hình ảnh cánh bướm, con cá vàng và vô vàn những loài hoa. Các yếu tố thị giác này được cô lặp lại, đan cài, đối lập, đôi khi là ẩn giấu lẫn nhau.

Với phương pháp diễn tả "hình ở trong hình", Phạm Trà My khơi gợi những câu chuyện bị lẩn khuất, vừa giấu giếm lại vừa muốn giãi bày. Cô cũng chọn cách xử lý khác biệt giữa mảng hình và khoảng trống trong tranh, phô diễn kỹ thuật sơn mài nhuần nhuyễn. Không chỉ vì lựa chọn các nhân vật là nữ hay những chi tiết trang trí duyên dáng, tính nữ trong nghệ thuật của Phạm Trà My được bộc lộ một cách đầy bản năng.

Ba họa sĩ là đồng nghiệp, cũng là những người bạn thân thiết. Họ chọn triển lãm cùng nhau bởi sự tương đồng trong tư tưởng và mục đích làm nghệ thuật. Trên hết, đó là sự trân trọng và gắn kết với chất liệu sơn mài.

Ngân Trần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm