Bi kịch không nằm ở chuyện đồng tính!

08/09/2008 09:09 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sinh năm 1974, ngay từ thời sinh viên Nguyễn Đình Tú đã đã được bạn đọc chú ý với nhiều truyện ngắn có giọng điệu riêng. Mới đây, cuốn tiểu thuyết Nháp đã chính thức được NXB Thanh Niên ấn hành. TT&VH có cuộc trò chuyện thẳng thắn với anh quanh cuốn tiểu thuyết có “số phận long đong này”.

Tôi không viết theo trào lưu

* Tự đánh giá nhé, anh thấy Nháp như thế nào so với những tác phẩm trước đây của mình?

- Nháp là tiểu thuyết có nhiều cái “nhất” nhất của tôi. Đây là cuốn tiểu thuyết có số trang dài nhất, được viết lâu nhất, khó xuất bản nhất, không có chương hồi và khi in ra thì bị biên tập nhiều nhất.
 
Nhà văn Nguyễn Đình Tú

* Tính đến thời điểm này, văn học về đồng tính đang trở thành một thứ “dịch” như có nhà văn đã thốt lên. Anh viết về đồng tính như là một sự thử nghiệm mới cho bản thân mình hay vì trào lưu?

- Phải nói ngay rằng cuốn tiểu thuyết của tôi không viết về các mối tình đồng tính. Nhân vật của tôi trong những hoàn cảnh đặc biệt đã sa vào lưỡng tính trong tình dục. Nhưng bi kịch của nhân vật không nằm ở đó mà nằm ở chỗ khác, ở cái gọi là ám ảnh tình dục nhược tiểu. Tôi không viết theo trào lưu và cũng không thích dùng hai từ “thể nghiệm”. Tôi viết như cần phải thế chứ không thể nào khác được, và Nháp đã ra đời.

* Mặc cảm “nhược tiểu” của những nhân vật trẻ trước sự phát triển của xã hội chưa được giải quyết triệt để trong Nháp. Đó là một cái kết mở và… hẫng. Dường như đó cũng là sự bất lực của tác giả khi không quán xuyến được vấn đề mình đưa ra?

Nguyễn Đình Tú là một cây bút trong quân đội - tác giả của 3 cuốn tiểu thuyết và 9 tập truyện ngắn, hiện là Trưởng ban Văn xuôi của tạp chí Văn nghệ quân đội, Ủy viên Ban Công tác nhà văn trẻ (Hội Nhà văn VN).

- Nhà văn không có nghĩa vụ giải quyết triệt để những vấn đề xã hội mà tác phẩm của mình đề cập đến. Nhà văn chỉ giải quyết thân phận nhân vật và cốt truyện bằng thi pháp độc đáo của riêng mình. Nhân vật của tôi đã xuất hiện, đã có đời sống riêng của nó trong tác phẩm và đã hoàn thành sứ mệnh của mình khi những con chữ cuối cùng của tiểu thuyết kết thúc. Tôi làm sao “quán xuyến” được chúng theo cái nghĩa là áp đặt lên nhân vật những suy nghĩ của cái tôi tác giả?

* Trong Nháp anh đã đề cập đến hai con đường giải thoát con người khỏi cái ác là đi tu (tinh thần) và tù tội (thể xác). Với giới trẻ, cả 2 điều này có vẻ đều khó chấp nhận?

- Đó là những gì mà bạn nghĩ ra chứ tôi không hề đề cập đến cái gọi là “con đường giải thoát khỏi cái ác” trong tác phẩm của mình. Đời sống nhân vật của tiểu thuyết có đoạn phải đi tu hay có lúc phải đi tù thì hãy nhìn nhận điều ấy trong ý đồ kết cấu nội dung tác phẩm chứ đừng vội gán cho tác giả vai trò của người “giáo dục”.

Tiểu thuyết phát triển từ truyện ngắn

 Bìa cuốn tiểu thuyết Nháp, do NXB Thanh Niên ấn hành, 8/2008
* Nhiều người biết anh vốn là sinh viên tốt nghiệp trường Luật. đọc Nháp tôi cũng nhận ra cái “chất” Luật trong đó. Liệu có phải vì điều này mà cuốn tiểu thuyết ít đi tính văn chương?

- Đọc tác phẩm để nhằm chứng tỏ tác giả là “dân” gì đấy rồi quy cho nó nhiều hay ít tính văn chương thì buồn cười quá. Chuyện tù tội là cái nội dung xã hội của cuốn tiểu thuyết, còn ý nghĩa mà những nhân vật này mang đến cho người đọc là điều mà mỗi người có thể hiểu theo cách cảm thụ riêng của mình. Sự xuất hiện các nhân vật trong tiểu thuyết là những luật sinh, kèm theo đó là những chấn song sắt nhà tù không có nghĩa là cuốn tiểu thuyết sẽ “ít đi tính văn chương”. Vấn đề là thân phận của các luật sinh đó được khắc họa thế nào và những chấn song sắt nhà tù kia được đưa ra như những hình tượng nghệ thuật nhằm biểu đạt cho cái gì?

* Thế còn chuyện nhiều chi tiết trong cuốn tiểu thuyết đã thấp thoáng trong các truyện ngắn trước đây của anh. Điều ấy là do nhà văn đã “cạn” chi tiết, hay bởi các chi tiết ấy quá “đắt”, hoặc là sự lặp lại chính mình?

- Các tiểu thuyết của tôi đều được “phát triển” từ một hoặc một vài truyện ngắn mà nên. Như cuốn tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù là phát triển từ truyện ngắn “Nỗi buồn trong suốt”“Không có khuôn mặt của cái ác”, còn Nháp là từ hai thiên truyện “Không thể nào khác được”“Bên ấy là cuộc đời” mà thành hình. Đây là điều hết sức bình thường đối với một nhà văn chuyên nghiệp. Bởi có những truyện ngắn đứng độc lập được, nhưng cũng có những truyện ngắn cứ ngọ nguậy đòi bứt tung “chiếc áo thể loại” chật hẹp mà nó đang mặc, đòi vươn lên thể loại tiểu thuyết.

* Như vậy, tiểu thuyết luôn là cái đích đến của mỗi nhà văn?

- Với tôi thì điều đó đúng.

* Xin cảm ơn anh!

Hương Thy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm