Những thước phim về B-52 đổi bằng nước mắt!

31/12/2012 08:02 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - “Để có được những thước phim tư liệu, tôi đã chứng kiến tất cả những gì đau đớn, chua xót nhất của Thủ đô vào 12 ngày đêm ấy” - NSƯT Văn Nẫm kể.

Ông là một trong những tay máy chính của Tội ác tột cùng - Trừng trị thích đáng, bộ phim tài liệu được thực hiện “hỏa tốc” ngay trong những ngày bom B-52 đang rơi trên bầu trời Hà Nội.

Có lẽ, trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, hiếm bộ phim nào được sản xuất với thời gian gấp rút như vậy. Đầu năm 1973, chỉ một thời gian ngắn sau khi trận “Điện Biên Phủ trên không” kết thúc, bộ phim Tội ác tột cùng- Trừng trị thích đáng đã ra đời.

Đúng như tên gọi, bộ phim mang tính chất phóng sự tư liệu tố cáo những tội ác mà máy bay Mỹ đã gây ra trong 12 ngày đêm cuối 1972, cũng như đề cao tinh thần lạc quan và những chiến công xuất sắc của quân đội và nhân dân Hà Nội từng đạt được. Đỉnh cao của bộ phim là giải thưởng Bông sen Bạc được trao tặng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 (Hà Nội, 3/1973).

NSƯT Văn Nẫm kể về những ngày làm bộ phim lịch sử đó:

NSƯT Nguyễn Văn Nẫm

1. Cuối năm 1972, tôi đang sống tại Hà Nội, sau khi trở về từ chiến trường  Đông Hà - Cồn Tiên - Dốc Miếu. Khi đó, tôi 28 tuổi và có gần 4 năm cầm máy tại các mặt trận Lào, Quảng Trị. Từ cuối tháng 11, tin B-52 đánh Hà Nội đã bắt đầu râm ran.

Rồi tối ngày 18, nỗi lo ấy  thành sự thật. Từ 7h tối, Hà Nội oằn  mình chịu những đợt bom trút xuống từ các “pháo đài bay” của người Mỹ. Vách tường nhà tôi rung bần bật, cửa kính vỡ sạch. Cả đêm tôi không thể ngủ, cứ ngẩng đầu nhìn những vệt tên lửa Sam 2 vạch đỏ rực khắp bầu trời.

Buổi sáng, tôi qua xưởng phim Thời sự Tài liệu Việt Nam (tiền thân của Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương) tại Thụy Khuê từ rất sớm. Vậy mà anh em trong xưởng đã đến gần đủ, ai cũng nhấp nhổm đoán trước nhiệm vụ sắp được giao. Một lát sau, cấp trên phổ biến: "Tuyệt đối không có chuyện xin nghỉ để sơ tán". Suốt  đợt ném bom, toàn bộ các tay máy chia nhau tỏa về mọi điểm của Hà Nội để ghi lại những gì đang diễn ra.

Thế là bắt đầu một chuỗi ngày đều tăm tắp. Chúng tôi thức trắng đêm, dùng loại phim có độ bắt sáng cao để quay lại những cảnh tượng trên bầu trời. Buổi sáng, giao phim đã quay, nhận lô phim mới rồi lại tỏa về các điểm nóng trong thành phố. Chỉ trong vài ngày đầu, tôi chết hụt vì bị đất vùi khi bom ném xuống trận địa pháo ở Mễ Trì. Nhiều anh em cũng vậy. Mọi người bảo nhau cùng chụp chung vài tấm ảnh tập thể, rồi chụp cho mỗi người một kiểu ảnh chân dung để lúc “hữu sự” còn dùng.

“Năm 1971, ba tay máy của xưởng chúng tôi cũng hi sinh tại mặt trận Quảng Trị. Mỗi buổi sáng trong những ngày “Điện Biên Phủ trên không” ấy, chúng tôi thắp hương, cầu mong các anh phù hộ để đồng nghiệp của mình được bình yên” (Lời kể của NSƯT Nguyễn Văn Nẫm).

Phải nói thêm, để có được những thước phim xác thực, những quay phim của Thời sự Tài liệu Việt Nam bắt buộc phải đứng ngoài trời cầm máy đón cảnh bom rơi nên xác suất gặp nạn khá cao. Năm 1971, 3 tay máy của xưởng chúng tôi cũng hi sinh tại mặt trận Quảng Trị. Mỗi buổi sáng trong những ngày ấy, chúng tôi thắp hương, cầu mong các anh phù hộ để đồng nghiệp của mình được bình yên.   

2. Tôi quay khá nhiều. Đi cũng nhiều, tới khắp mọi nơi của Hà Nội khi đó. Có lần, vừa về xưởng phim, một chiếc máy bay F-111 của địch lao xẹt qua đầu về hướng sông Hồng. Anh em thất thanh: “nó ném trận địa pháo ở Chèm rồi”.

Sấp ngửa đạp xe lao theo, tôi mới hay: bom không trúng trận địa phòng không mà lệch sang bên, vào một xóm đạo. Người dân trong xóm tản cư rất ít vì tin đồn Mỹ sẽ không ném bom xuống những nơi theo đạo. Khi tôi tới nơi, gần như cả xóm bị san bằng. Những mảnh thi thể vương vãi, bị bom hất lên mắc vào khắp ngọn tre.

Cảnh bộ đội kéo mảnh xác B-52 dọc đường Hoàng Hoa Thám (lấy từ phim tài liệu Tội ác tột cùng - Trừng trị thích đáng)

Rồi, sáng sớm 27, tôi cũng theo chân đồng nghiệp tới phố Khâm Thiên, nơi B-52 rải thảm đêm trước. Loạt bom rơi lệch sang một bên đường, vậy nên một bên mặt phố vẫn còn nguyên, trông càng chua xót khi đặt cạnh cảnh hoang tàn bên cạnh. Tôi vẫn luôn ứa nước mắt khi nhớ lại những gì chứng kiến ở đó, nhất là tại quãng gần chân đài tưởng niệm bây giờ...

Trong những thước phim đã quay và dùng cho Tội ác tột cùng - Trừng trị thích đáng, tôi nhớ nhất cảnh máy bay cháy trên bầu trời Hà Nội. Đó là buổi tối 27/12, tôi cầm máy ngồi trực trên tầng thượng của xưởng phim Thời sự Tài liệu Việt Nam. Trời rét cùng cực và tối đen, cảm giác như với tay lên được tới mây. Rồi, đốm lửa bùng lên trên bầu trời, kéo thành một vệt rất dài và rơi từ từ. Trong tiếng reo hò của mọi người, ống kính của tôi lia theo và bắt được vài giây quý báu ấy. Dưới mặt đất có những giọt dầu rơi xuống và bốc cháy, lốm đốm suốt cả một vùng.

Nụ cười bên xác B-52

Buổi sáng, tôi đạp xe đi quay cảnh các chiến sĩ bộ đội đang hò nhau kéo một mảnh máy bay rơi. Đó là khu vực ở đầu đường Hoàng Hoa Thám - sát công viên Bách Thảo bây giờ. Nghe các anh nói, xác máy bay vỡ làm nhiều mảnh, mảnh lớn nhất rơi vào hồ Hữu Tiệp. Tôi cầm máy loay hoay “lượn” quanh, rồi tìm được một chiếc ô tô tải để nhảy lên, thu vào góc máy toàn bộ khung hình với những nụ cười hân hoan đang rạng ngời...

Phim Tội ác tột cùng - Trừng trị thích đáng có giải Bông sen Bạc, tôi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng Bằng khen, và thưởng cho... một tháng lương theo mức giá thời ấy. Đó là sự động viên cho tôi, cho những giọt nước mắt từng ứa ra trên má mình, trên má những người dân Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử ấy.

NSƯT Nguyễn Văn Nẫm sinh năm 1944, làm việc tại Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương (nghỉ hưu năm 2004). Từng nhận Huy chương chống Mỹ năm 1970 do chính phủ Lào trao tặng, Huân chương Vì sự nghiệp Điện ảnh, giải Quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Quốc gia 2007.

Đã tham gia phối  hợp quay và làm kỹ xảo cho nhiều bộ phim nhựa Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Lửa cháy thành Đại La, Nhật thực làng Hạ, Thăng Long đệ nhất kiếm... cùng hàng chục bộ phim tư liệu và tài liệu khoa học.


Cúc Đường (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm