Những phận đời vừa "đơn" vừa "khuyết"

21/09/2012 13:15 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Vì sự nghiệt ngã của số phận, họ phải mang những khuyết tật trên thân thể. Nhiều người cam chịu và lủi thủi độc hành đi hết đường đời. Nhưng không thiếu những người phụ nữ khuyết tật đã bất chấp khó khăn và những dèm pha để được làm mẹ - mẹ đơn thân.

Những người phụ nữ vừa "đơn" vừa "khuyết" ấy đã gặp nhau và kể lại đời mình trong triển lãm ảnh Xương rồng vẫn nở hoa, diễn ra ngày 20- 21/ 9/2012, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. 



Bác Thuận thường cùng hai cháu nội đi chơi quanh làng bằng chiếc xe lăn

"Bước qua" số phận

Khi lên 3 tuổi, chị Phùng Thị Hòa (sinh năm 1973), ở xóm Thượng, Phú Sơn, Ba Vì (Hà Nội), bị trúng gió thập tử nhất sinh. Từ đó, những ước mơ của chị teo đi cùng đôi chân quắt queo. Bố mất sớm, để lại bốn mẹ con nheo nhóc. Hòa là con cả, dù đôi chân bại liệt vẫn phải bươn chải nuôi em. Ngày mưa cũng như nắng, chị lê la ở xó chợ, buôn từng mớ rau, cái kẹo lấy đồng rau muối phụ mẹ.

Cuộc sống "dặt dẹo" trôi đi cho đến năm 2001, chị được một bệnh viện mổ chỉnh hình chân. Ca mổ thành công khiến bàn chân chị "thẳng hơn một chút". Cũng từ đây, Hòa lóe lên một ước mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ.

Mắt đỏ hoe, Hòa kể: "Hi vọng vừa lóe lên nhưng bao nhiêu câu hỏi liền vùi nó xuống: Có ai yêu thương "giúp" mình không? Mình có sinh nở được không? Liệu có nuôi nổi con không? Thế rồi thấy chùn bước. Cho đến khi một người đàn ông đã có gia đình đến đặt vấn đề, nghĩ cảnh mình, tôi quyết sinh một đứa con. Nuôi con vất vả cay cực nhưng thấy nhiều niềm vui, tôi quyết sinh thêm đứa nữa. Giờ cháu lớn 11 tuổi, cháu bé gần 2 tuổi rồi".

Kém may mắn hơn chị Hòa, gia đình chị Phùng Thị Hậu (quê ở Đồng Bản, Ba Vì, Hà Nội) khi biết chị mang bầu đã thẳng thừng "từ mặt". Chị gắng gượng "vượt cạn", khi cháu được 1 tháng tuổi, Hậu bế cháu về nhà khi mẹ vừa mất. Chị ôm con, quỳ xuống xin bố chấp nhận cháu ngoại. Nhìn con gái hốc hác, xanh xao và đứa cháu đỏ hỏn, ông chảy nước mắt thương con, thương cháu. Chị ra ở riêng và tự bươn chải rau cháo nuôi con.

"Một vai, hai gánh”, các chị vừa làm bố vừa làm mẹ. Nhà không bóng đàn ông, những người đàn bà tàn tật vẫn phải làm tất cả mọi việc nặng nhọc trong gia đình. "Vất vả một mình, lê lết làm lụng nuôi con đã khổ, nhưng lời qua, tiếng lại của hàng xóm láng giềng còn cay đắng hơn nhiều. Ai chẳng mong muốn có một gia đình đầm ấm, nhưng số phận trái ngang, chúng tôi phải chấp nhận đời sống đơn chiếc. Chúng tôi có gì xấu mà sao mọi người dèm pha nhiều thế?" -chị Hậu nói trong nước mắt.



"Xương rồng" Phùng Thị Hòa cùng "bông hoa nhỏ" của mình

Mẹ ngã, con nâng

“25 năm, nghe nhẹ tênh nhưng thực sự cực nhọc lắm. Những hôm trái gió trở trời, hai mẹ con cùng ốm. Không tiền thuốc thang, không ai chăm sóc, mẹ thương con, con thương mẹ, chỉ biết ôm nhau khóc thôi”- bác Phùng Thị Thuận, quê ở Đồng Thái, Ba Vì (Hà Nội), người phụ nữ tật nguyền 25 năm làm mẹ đơn thân nghẹn ngào kể lại.

Chị Hòa kể: "Nhiều lần, đi học về, cháu khóc tức tưởi: "Bạn trêu con là con bà què". Chực khóc theo con, nhưng bản năng làm mẹ khiến chị phải cố nén để động viên con tự tin lên, rằng: "Mẹ đi không vững đã có chân con. Mẹ ngã con nâng". Dần dần, cháu không để ý tới những lời châm chọc nữa.

Còn chị Hậu, khi con biết đi, có lần con bắt mẹ bế. Dù chân quặt quẹo "gánh" thân còn không vững, nhưng thương con, chị vẫn cố bế con. Chị trượt ngã, hai mẹ con nằm sõng soài trên sân. Chị trách yêu: "Tại con đấy. Con đau không?" Cháu trả lời: "Con không, mẹ đau không?" Rồi cháu gắng đẩy mẹ dậy, vỗ vỗ gối để mẹ nằm. Trong niềm hạnh phúc trào khóe mắt, chị dang tay: "Ra đây mẹ bế". Cháu lém lỉnh: "Thôi không bế nữa, ngã chết". Từ đấy, cháu không bắt mẹ bế thêm lần nào nữa.

"Xương rồng" đã "nở hoa…"

Chị Hòa, chị Hậu bác Thuận là 3 trong tổng số khoảng 1,5 triệu mảnh đời phụ nữ tật nguyền khắp đất nước này, và vẫn khát khao được làm mẹ. Tôi muốn dành một câu chuyện vui, như một cái kết có hậu cho những người phụ nữ ấy: Sau bao nhọc nhằn, ở tuổi trăng tàn bóng xế, hạnh phúc đã mỉm cười với bác Thuận. Con trai 25 tuổi sau bao ngày ngồi xe lăn cùng mẹ đến trường đã cưới vợ và sinh 2 cháu. Căn nhà cấp 4 đơn sơ năm người, một bà, hai cháu với cặp con hiền dâu thảo, lúc nào cũng tràn ngập tiếng bi bô con trẻ. Bây giờ, đấy là một gia đình đúng nghĩa, không ai nhận ra điều khuyết thiếu. Các cháu nội ngồi xe lăn cùng bà đi chơi đường làng, ai cũng tấm tắc khen gia đình hạnh phúc. "Mọi đắng cay đã qua rồi”- bác Thuận cười, mặc giọt nước lăn trên má nhăn nheo.

Theo thống kê của Bộ LĐ,TB&XH, nước ta có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó 3,6 triệu phụ nữ. Ước tính gần 50% phụ nữ khuyết tật đang ở độ tuổi kết hôn. Tuy nhiên, chỉ khoảng 7% tìm được "một nửa" của mình còn lại chấp nhận sống độc thân.

Theo nghiên cứu về phụ nữ khuyết tật đơn thân trên địa bàn Hà Nội của Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Cộng đồng ACDC, tỷ lệ phụ nữ khuyết tật đơn thân nhưng chưa kết hôn lớn nhất chiếm 86,8% , sau đó là li hôn 5,7% và tiếp đến là 3,8% góa chồng.

Phú Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm