Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng: ‘Những khoảnh khắc để lại’

02/05/2017 07:48 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng (Thông tấn xã Việt Nam) ­vừa được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho cụm ảnh Những khoảnh khắc để lại, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc bi tráng và khốc liệt của chiến tranh Việt Nam.

Bộ ảnh được trao thưởng sau đúng 45 năm, kể từ khi nhà báo Lương Nghĩa Dũng hy sinh trên chiến trường Quảng Trị.

Những khoảnh khắc lăn xả

Cụm 5 tác phẩm ảnh Những khoảnh khắc để lại của nhà báo Lương Nghĩa Dũng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt này đều là những khoảnh khắc bi tráng, khốc liệt đến rợn người trên các chiến trường, và cũng là những hình ảnh cho thấy sự lăn xả của nhà báo trong việc ghi lại những hình ảnh chân thực trong chiến tranh.

Đưa xe tăng vào trận địa.

5 tác phẩm ảnh tạo thành một tuyến thời gian, đánh dấu từ những năm đầu cầm máy đến những ngày cuối cùng của ông tại mặt trận, và một tuyến không gian được chuyển dịch từ Bắc vào Nam, nơi in dấu chân nhà báo Lương Nghĩa Dũng. Trong đó có 2 tác phẩm là ở chiến trường ngoài Bắc, và 3 tác phẩm ở chiến trường Quảng Trị.

Bức ảnh Lửa vây máy bay Mỹ chụp trận địa pháo cao xạ 100 ly đang nhả đạn dữ dội vào máy bay phản lực Mỹ trên bầu trời Hải Dương ngày 4/7/1967. Lửa đạn bung ra từng cụm khói khổng lồ. Bức ảnh được nhà báo Lương Nghĩa Dũng chụp từ độ cao của đài quan trắc rada. Điểm cao này rất nguy hiểm, dễ bị trúng tên lửa hoặc bom hất xuống đất.

Bức ảnh Nữ pháo binh Ngư Thủy, được thực hiện trong bối cảnh, cả đại đội nữ pháo binh đang nghỉ trưa, nên khi kẻng báo động vang lên, các cô gái không kịp đội mũ sắt, lao từ trong hầm kèo lao ra ụ pháo.

Xốc tới.

Bức ảnh Đưa xe tăng vào trận địa của nhà báo Lương Nghĩa Dũng, chụp năm 1971, tuy không có cảnh bom đạn, nhưng nhìn 2 chiếc xe tăng trên đoạn đường lầy phía Đông Trường Sơn, bộ đội và dân quân đang khênh vác gỗ, lội bùn ngập đến đầu gối để ứng cứu thì dù hình ảnhbình yên, nhưng thực chất đầy cam go, nguy hiểm.

Bức ảnh Xốc tới nổi bật với hình ảnh 2 chiến sỹ Giải phóng, đội mũ tai bèo đang truy kích địch tại mặt trận đường 9. Dưới chân ngổn ngang dấu tích của một trạm gác bị trúng đạn với xác lính đối phương, hai chiến sỹ đang lao về phía trước, một người ôm AK, một người ôm B40, quanh thân họ được nai nịt lựu đạn, bi đông nước, dụng cụ cá nhân... hình ảnh đã tạo nên sự tương phản mạnh về sự khốc liệt của chiến tranh.

Tiếp tục xét giải thưởng Hồ Chí Minh cho liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng: Chờ đợi 'những khoảnh khắc đặc biệt'

Tiếp tục xét giải thưởng Hồ Chí Minh cho liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng: Chờ đợi 'những khoảnh khắc đặc biệt'

Là đề cử duy nhất trong hạng mục Nhiếp ảnh của Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V, hồ sơ của nhiếp ảnh gia - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng sẽ được Bộ VH,TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xét duyệt trong vài ngày tới.

Tác phẩm ảnh Đánh chiếm cứ điểm 365 cho thấy sự khốc liệt tột cùng của chiến tranh. Đó là chiều 30/3/1972, mở màn cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị, đại đội I, tiểu đoàn Sơn Mỹ quân Giải phóng Quảng Trị tiến đánh cứ điểm 365. Nhà báo Lương Nghĩa Dũng bám sát mũi tấn công, và bấm máy chuẩn xác hình ảnh ba chiến sỹ lao lên cửa lô cốt trong khói đạn mù mịt. Bức ảnh thể hiện rõ sự dũng cảm tuyệt vời của người lính xung kích, đồng thời, cũng cho thấy sự quả cảm xả thân của người chụp ảnh, bởi đây là thời điểm gay cấn nhất, trong bắn ra, ngoài bắn vào, và người ở ngoài, lại là phóng viên ảnh thì càng là thời điểm nguy hiểm, rất dễ trúng đạn. Đây cũng là bức ảnh bi tráng nhất, ác liệt nhất, nóng hổi và rợn người trong bộ ảnh vô cùng ác liệt này.

Đánh chiếm cứ điểm 365.

Sau bức ảnh để đời này tròn 2 tháng, nhà báo Lương Nghĩa Dũng đã hy sinh khi đang cùng đơn vị xe tăng truy kích địch tại huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành đánh giá, cụm tác phẩm này tuy chỉ có 5 ảnh, nhưng đã khắc họa cho chúng ta thấy được một cuộc chiến tranh ác liệt của Việt Nam, đồng thời, qua đó, cho ta thấy được tinh thần quyết chiến quyết thắng mạnh mẽ của quân dân Việt Nam.

Tấm gương nhà báo yêu nước

Nhà báo Lương Nghĩa Dũng quê ở huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Thuở nhỏ ông ra Hà Nội học chữ, rồi học nghề ở trường Kỹ nghệ Đông Dương. Năm 1954, ông bỏ học, cùng một số bạn bè ở quê ra Nho Quan, Ninh Bình xin nhập ngũ. Hòa Bình lập lại, ông vào đại học rồi làm giáo viên môn Vật lý, giảng dạy cho bộ đội. Khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Lương Nghĩa Dũng cùng Hứa Kiểm, Vũ Tạo theo học cấp tốc khóa đào tạo phóng viên nhiếp ảnh TTXVN, rồi về phòng Thông tấn quân sự, cùng Văn Bảo, Lâm Hồng Long - phóng viên dân sự của phân xã nhiếp ảnh - tạo thành tổ ảnh quân sự do Văn Bảo làm Tổ trưởng. Từ năm 1967, 1968 trở đi, tổ ảnh quân sự thêm các phóng viên của TTXVN: Hữu Thứ, Phạm Hoạt, Xuân Lâm, Chu Chí Thành... Tổ ảnh này là mũi xung kích của ảnh chiến tranh.

Lửa vây máy bay Mỹ.

Nhắc đến nhà báo Lương Nghĩa Dũng, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành kể: Đầu năm 1968, nhà báo Chu Chí Thành được TTXVN phân công đi cùng nhà báo Lương Nghĩa Dũng vào tuyến lửa khu IV, nơi đang phải hứng chịu mưa bom bão đạn của Mỹ lúc bấy giờ. “Trong chuyến đi này, tôi vô cùng khâm phục anh Lương Nghĩa Dũng, bởi anh là người vô cùng xông xáo, năng nổ, thạo việc, quyết đoán. Những trọng điểm ác liệt nhất, anh Dũng đều xông lên.Trong chuyến đi chụp ảnh ở đội nữ pháo binh Ngư Thủy, nhà báo Lương Nghĩa Dũng sau khi xông ra trận địa, chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp, khi trở về, thấy chiếc võng bị mảnh bom phạt đứt một miếng, nhà báo Lương Nghĩa Dũng cười ha hả, và nói: “Mình mà còn nằm trong hầm thì toi rồi Thành ạ”.

“Một lần khác, khi đi tôi được phân công về khu HTX chụp ảnh sản xuất, còn nhà báo Lương Nghĩa Dũng đi chụp trên cứ điểm. B52 đến rải bom, tôi vào hầm ngồi tránh. Hết đợt bom này đến đợt bom khác, anh Dũng chạy từ trên núi về đến gọi tôi: Đồng chí Thành có sao không? Tôi bảo em không sao? Thấy vậy, anh bảo tôi: Sao không ra ngoài này, đi chụp ảnh khắc phục hậu quả đi, còn ngồi đấy làm gì nữa? Qua đấy, tôi thấy, con người vừa tình cảm, nhưng cũng hết lòng với công việc của anh. Anh lo cho tôi, nhưng khi thấy tôi không sao, lập tức giao ngay việc”, nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại.

Nữ pháo binh Ngư Thủy.

Kể từ khi cầm máy, cho đến lúc ngã xuống chỉ trong vòng 6 năm, nhưng nhà báo Lương Nghĩa Dũng đã để lại cả kho ảnh khoảng 2.300 bức, mà bức nào cũng nóng hổi hơi thở cuộc chiến đấu của nhân dân ta từ Bắc đến Nam. Nhà báo Lương Nghĩa Dũng là một tấm gương sáng trong nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo Phương Hà - Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm