'Nhà bác học Việt Minh' Trần Đại Nghĩa: Huyền thoại về người chế tạo súng Bazooka, SKZ

30/08/2015 05:34 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Giáo sư Trần Đại Nghĩa theo Bác Hồ về nước tham gia Việt Minh năm 1946 chống ngoại xâm. Bác Hồ gọi ông là “đại trí thức” còn trong nhân dân thời kỳ đầu lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem ông là huyền thoại.

NXB Trẻ vừa ấn hành Trần Đại Nghĩa - Nhà bác học Việt Minh của tác giả Thành Đức viết về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa - một trong những người được Bác Hồ đặt tên.

Bỏ chốn phồn hoa về với nước Việt

Năm 1946, khi Bác Hồ qua thăm nước Pháp, chàng trai Phạm Quang Lễ biết danh tiếng của Nguyễn Ái Quốc trước đó, đã theo Bác về Việt Nam. Khi ấy, Phạm Quang Lễ đang là kỹ sư trưởng của một hãng chế tạo máy bay tại Pháp. Ông đã bỏ chốn phồn hoa về nước và trở thành “nhà bác học Việt Minh” Trần Đại Nghĩa sau này.

Tác giả Thành Đức viết: “Được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn đưa về nước khi Người qua thăm Pháp năm 1946, ông đã đem hết tâm đức và trí tuệ hiến dâng cho đất nước, lập nhiều chiến công to lớn từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp và sau này trong kháng chiến chống Mỹ”.


 GS Trần Đại Nghĩa trên bìa cuốn sách viết về ông

GS Trần Đại Nghĩa là một trong 7 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tuyên dương đầu tiên vào năm 1952. Chiến công đầu tiên của ông gắn liền với huyền thoại “nhà bác học Việt Minh” liên quan đến súng Bazooka do ông chế tạo.

Ngày đầu tháng 3/1947, chính quyền Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ rút vào an toàn khu khi bị Pháp tấn công, có xe tăng, thiết giáp. Lúc đó, Trần Đại Nghĩa đang là Cục trưởng Cục Quân giới được giao nhiệm vụ cung cấp vũ khí để chống xe tăng của Pháp. Trung đoàn Thủ đô đã nhận số súng đạn này và tiêu diệt xe tăng của Pháp vào ngày 2/3/1947.

Tác giả Thành Đức, kể: “Đêm ấy, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa cùng các học viên lớp học vũ khí đầu tiên tại Ứng Hòa (Hà Tây) đã lắp ráp được 10 quả đạn Bazooka và 3 khẩu súng”. 3 khẩu Bazooka và 10 quả đạn này đã được giao cho bộ đội Trung đoàn Thủ đô chặn đứng đường tiến công của quân Pháp, tạo thành “tiếng sét Bazooka mừng Xuân Đinh Hợi 1947”.

“Ông “bác học” Việt Minh khi ấy là ai mà chế được súng bắn hạ được xe tăng, thiết giáp của Pháp? Người ta chỉ biết tên ông là Trần Đại Nghĩa, là Cục trưởng Cục quân giới. Còn quê quán, gia đình ở đâu, học hành ra sao hoàn toàn chìm trong bí mật” - theo tác giả Thành Đức.

Sau Bazooka, Trần Đại Nghĩa góp phần quan trọng chế tạo súng không giật SKZ cũng khiến kẻ thù khiếp sợ trước uy lực quân đội của một nhà nước còn non trẻ so với các đế quốc có công nghệ chiến tranh chuyên nghiệp như Pháp.

Bác Hồ đặt tên là Trần Đại Nghĩa

Sau súng Bazooka tạo thành huyền thoại, súng không giật SKZ cũng tạo thành huyền thoại trên chiến trường để giành độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ do GS Trần Đại Nghĩa góp phần quan trọng tạo thành.

Trong cuốn sách Chiến tranh Đông Dương của Lucien Bodard, xuất bản 1963 tại Paris (Pháp), có viết: “Trước đây, người Việt chỉ có thể đột phá vào đồn bốt bằng cách lấy sức liều mạng. Nhưng bây giờ họ làm việc đó bằng Bazooka hoặc SKZ (một loại đại bác không giật do Việt Minh chế tạo). Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ 8kg mà người Việt chế tạo ở Đông Dương. Chỉ cần vài quả là đủ tiêu diệt tháp canh của chúng tôi”.

Công trình chế tạo súng SKZ được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba vào tháng 7/1950 và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên về khoa học và công nghệ năm 1996.

Tác giả Thành Đức ghi lại hồi tưởng của GS Trần Đại Nghĩa: “Sáng ngày 5/12/1946, đúng hai tuần trước khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Bác Hồ gọi tôi đến Bắc Bộ phủ. Đúng 7 giờ sáng tôi có mặt. Cũng giống ngày nào ở thành phố Lyon, chỉ có Bác và tôi. Bác bảo tôi: Kháng chiến toàn quốc sắp tới nơi, Bác giao cho chú nhiệm vụ Cục trưởng Cụ Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội. Đây là việc đại nghĩa, vì thế Bác đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa”.

Chàng trai Phạm Quang Lễ thành tên Trần Đại Nghĩa được đặt tên đường, tên trường ngày hôm nay cũng chính từ những ngày như thế.

Tác giả Thành Đức tên thật Trần Văn Đức, sinh năm 1940 tại Nghệ An. Ông từng là thư ký của GS Trần Đại Nghĩa. Ông tốt nghiệp kỹ sư luyện kim, cựu chiến binh Quân giới.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm