Khúc sông “chở nặng” huyền thoại

14/08/2012 08:52 GMT+7 | Thế giới

Ghi chép của Thuận Cẩm

(TT&VH) - Sông Đuống (Thiên Đức) - dòng chi lưu ngắn ngủi của sông Hồng chưa đầy 70 km, chảy qua Bắc Ninh, chia tỉnh thành hai phần Nam, Bắc. Nghìn năm đi qua, dòng Đuống vẫn lấp lánh, nghiêng nghiêng, chở bao huyền thoại, cổ tích… bồi đắp một nền văn hiến, văn hóa đặc trưng cho Kinh Bắc.

Sông Đuống được xếp vào hàng quán quân của những dòng sông có mật độ di tích văn hóa lịch sử dày đặc.

* Từ dấu thiêng thời mở nước

Nếu Bắc Đuống là vùng đất phát tích vương triều Lý, triều đại khởi đầu nền văn minh Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc thì Nam Đuống lại đậm đặc dấu thiêng, truyền thuyết về “Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân - Âu Cơ là Thủy tổ Việt Nam, mở ra thời đại các Vua Hùng dựng nước làm rạng rỡ non sông đất Việt”.

Qua cây cầu Hồ nối bờ Bắc với bờ Nam sông Đuống, chúng tôi về đất Thuận Thành – một vùng đất cổ đầy trầm tích và huyền thoại. Thật hiếm có nơi nào như Thuận Thành, chỉ gọn trong một diện tích chưa đầy 120 km2 mà có đến ba Thủy tổ: Kinh Dương Vương - Thủy tổ dân tộc, Sĩ Nhiếp - Thủy tổ nền Hán học Việt Nam và chùa Dâu - chùa Tổ của Phật giáo Việt Nam.

Lễ hội Kinh Dương Vương tổ chức hàng năm trên sông

Tựa mình bên triền đê uốn lượn, dưới tán cây cổ thụ, Lăng Kinh Dương Vương uy nghiêm với kiến trúc cổ độc đáo, phần mộ đặt chính hướng Bắc nhìn thẳng ra dòng Thiên Đức. Trong khuôn viên Lăng mộ rộng hơn 20 nghìn thước vuông còn có nhà tả văn, hữu võ, nhà bàn soạn, nhà trình. Cách Lăng mộ không xa, phía trong đê là Đền thờ Kinh Dương Vương còn lưu giữ rất nhiều đạo sắc phong, thần phả.

Hiểu một cách đơn giản nhất thì Kinh Dương Vương chính là ông nội của các Vua Hùng còn theo sự dẫn giải từ các nguồn tài liệu, sử sách còn lưu lại cho thấy: Kinh Dương Vương thành lập nhà nước sơ khai đầu tiên và đặt quốc hiệu đất nước là Xích Quỷ (tên một vì sao sáng nhất của dải Ngân Hà). Kinh Dương Vương lấy Thần Long sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ rồi sinh ra 100 người con, con trai cả là Hùng Quốc Vương và các Vua Hùng hiện thờ tại Đền Hùng (Phú Thọ). Kinh Dương Vương tạ thế vào ngày 18 tháng Giêng, nhân dân địa phương đã lấy ngày giỗ Thủy tổ để tổ chức lễ hội.

Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Phạm Thuận Thành - người gắn bó máu thịt với từng làng, xã quê hương Thuận Thành tự hào khẳng định: “Lăng Thuỷ tổ nước Việt là nơi neo giữ, cố kết tâm hồn Việt thành dân tộc, thành quốc gia từ bao đời nay. Mỗi lần đến đây, lịch sử mấy ngàn năm như lời nhắc mỗi người dấu thiêng thời mở nước”.

* Đến nền văn hóa “Bên kia sông Đuống”

Xe chạy trên đê hữu Đuống trải bê tông phẳng lì. Một bên dòng Đuống vẫn trôi lấp lánh. Một bên là làng mạc đông đúc, chợ quê tấp nập, ngõ xóm bình yên, mái đình cong vút điểm xuyết giữa những mái ngói nâu trầm san sát. Nơi ấy có biết bao làng nghề truyền thống canh cửi, dệt tơ, làng Mái làm tranh sáng bừng màu dân tộc, nghề đúc đồng Đại Bái, làm tranh tre trúc Xuân Lai… Người dân ven sông Cầu tự hào với Di sản thế giới là những làn điệu Dân ca Quan họ thì người dân ở các làng ven theo sông Đuống lại kiêu hãnh với nghệ thuật bác học – Di sản Ca trù.

Nắng chiều sông Đuống nhuộm vàng những vạt ngô, khoai. Con đê uốn lượn chầm chậm đưa chúng tôi tới cửa Lục Đầu giang mênh mông. Trong xôn xao sóng nước, vẳng nghe như lời bàn luận của tướng sĩ nhà Trần ở hội nghị Bình Than tìm kế sách chống quân xâm lược thuở nào. Và hình ảnh chàng thiếu niên trẻ tuổi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản phải đứng ngoài mà lòng ngùn ngụt chí báo quốc, bóp nát quả cam lúc nào không biết, để rồi viết vào sử xanh 6 chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân”…

Ráng chiều lấp lánh, gió sông lồng lộng thổi bung làn khói bếp lam chiều còn đang bồng bềnh bên mái ngói nâu trầm phía những ngôi làng cổ trong đê, gọi ký ức về trong thương nhớ: Ai về bên kia sông Đuống


Lệ Chi Viên nơi ghi dấu nỗi oan động trời của danh thần Nguyễn Trãi

* Đi dọc bờ sông, nghe lại các huyền sử

Sông Đuống chảy được hơn nửa đường về phía Đông thì gặp dãy núi Thiên Thai đột khởi giữa vùng đồng bằng. Sông núi gặp nhau tạo nên phong cảnh hữu tình nhưng Thiên Thai lại trái ngang chặn dòng, buộc sông Đuống phải lượn vòng. Cũng từ đây, lịch sử dường như có sự chuyển đoạn. Bắt đầu từ chân núi Thiên Thai đến Lục Đầu giang, chỉ một khúc sông ngắn khoảng mươi cây số nhưng hai bên bờ có rất nhiều di tích lịch sử đáng chú ý.

Đầu tiên là di tích nỗi oan khiên của Thái sư Lê Văn Thịnh, người làng Bảo Tháp (Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh) bị nghi là “hóa hổ dọa vua” từ hơn 900 năm về trước trên hồ Dâm Đàm (hồ Tây) mà cho đến tận hôm nay vẫn bị “sương mù” thời gian che phủ. Căn nhà xưa đã được “hóa gia vi tự” với bức tượng Rồng có hình dáng kỳ lạ “miệng cắn thân, chân xé mình”. Đã có rất nhiều nhận định, giả thiết đưa ra song người ta đều đồng tình cho rằng, đó là bức tượng nói về nỗi oan khiên của Trạng nguyên Lê Văn Thịnh.

Không biết sử sách ghi chép đúng sai, thật giả thế nào, chúng tôi chỉ thấy “đắng đót”, có lẽ chỉ vì hai chữ “tận trung” phò vua giúp nước, một tài năng xuất chúng như Lê Văn Thịnh phải vướng vào tấn bi kịch nghiệt ngã của thế sự. Giữa buổi trưa hè yên ả, giọng cụ thủ từ Nguyễn Đức Đam – người đã hơn 20 năm trông nom ngôi đền thờ Lê Văn Thịnh cứ đều đều kể câu chuyện về những tình cảm, sự tôn thờ ngưỡng vọng của người dân địa phương đối với vị trạng nguyên văn, võ toàn tài. Chúng tôi hiểu sâu sắc một điều: Sự thật không phải chỉ được lưu tồn trong những trang chính sử mà còn được lưu giữ trong lòng người và sự tôn thờ của nhân dân.

Vẫn men theo triền đê sông Đuống, cách đền thờ Lê Văn Thịnh chẳng bao xa, chúng tôi đến “hiện trường” vụ thảm án tàn khốc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam xảy ra cách đây tròn 570 năm đã làm cả gia tộc đại quân sư Nguyễn Trãi, một khai quốc công thần triều Lê điêu đứng. Gần 6 thế kỷ trôi qua, dấu tích vườn vải năm xưa giờ không còn nữa. Lệ Chi Viên (xã Đại Lai, Gia Bình) bây giờ là cánh đồng lúa xanh mướt mát, là những mái ngói thâm nâu và đường làng bê tông uốn lượn. Song dường như, thời gian đằng đẵng cùng bấy nhiêu đắp đổi vẫn không thể nguôi ngoai nỗi oan mà sau này dù có được ví “sáng tựa sao Khuê” thì nỗi đau vẫn mang tầm thời đại. 


Cụ thủ từ Nguyễn Đức Đam bên bức tượng Rồng “miệng cắn thân, chân xé mình”

Từ Lệ Chi Viên, đi thêm khoảng dăm phút bằng xe máy, chúng tôi đến chùa Đại Bi nằm giữa một vườn cây cổ thụ xanh mát phía ngoài đê thuộc xã Thái Bảo, Gia Bình. Nhân vật được thờ trong chùa là danh nhân Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang Lý Đạo Tái – một Quốc sư, nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nhà thơ lớn đã rơi vào nỗi oan tình nàng Điểm Bích để “Dẫu mà tát cạn Bình Than/ Cũng không rửa được nỗi oan cho thầy”. Tiếp tục xuôi dòng sông Đuống đến khu Lăng mộ và Đền thờ Cao Lỗ Vương (xã Cao Đức), chúng tôi lại gặp một án oan nữa mà Ông Nỏ (Cao Lỗ Vương - cha đẻ của nỏ thần An Dương Vương) đã phải rửa nỗi oan bằng chính mạng sống của mình…

Người ta chẳng thể lý giải được vì sao chỉ một khúc sông nhỏ bé, ngắn ngủi mà dòng chảy cứ cuộn lên ngầu đỏ. Có thể nước mắt nhân tình và nỗi đau thế sự vẫn hằn lên như một dấu tích, như một lời nhắc nhở. Phải chăng vì thế mà không ít người bảo sông Đuống đẹp nhưng buồn!

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm