Gặp nữ pháo thủ trong "Việt Nam máu và hoa"

06/12/2012 11:15 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Bài thơ Việt Nam máu và hoa được nhà thơ Tố Hữu viết trong không khí oanh liệt của Hà Nội "12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không". Nhiều thế hệ độc giả vẫn ghi nhớ những ngày: "Cả bốn biển hoan hô Hà Nội/ Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ". Nhưng ít ai biết, nhân vật gợi nên cảm xúc cho nhà thơ khi ấy là một nữ pháo thủ nhỏ bé, đang mang nặng trong lòng "nợ nước, thù nhà".

Người con gái ấy là Phạm Thị Viễn, pháo thủ Nhà máy Cơ khí Mai Động. Cùng với bao thanh niên Hà Nội, cô đứng lên bảo vệ Thủ đô khỏi sự hủy diệt của "pháo đài bay", và để trả thù những kẻ đã cướp đi những người thân yêu của mình.

Đau thương nối tiếp đau thương

Trong những ngày Thủ đô kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi tìm đến nữ pháo thủ năm xưa, nay đã ngoại lục tuần. Trong căn nhà nhỏ ở số 8, tổ 49, Tương Mai, Hà Nội, bà vẫn lưu giữ những kỷ vật về Hà Nội năm 1972, đặc biệt là cuốn sổ ghi bài thơ Việt Nam máu và hoa của nhà thơ Tố Hữu. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, bà đọc 4 câu thơ bằng giọng đọc run run: Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ. Đó là những dòng nhà thơ viết về bà.

Bà Phạm Thị Viễn

Năm 1966, lúc 15 tuổi, bà khai tăng tuổi của mình lên 16 để đủ tiêu chuẩn xin vào học nghề tại Nhà máy Cơ khí Mai Động. Bà được phân công vào phân xưởng thợ nguội, phân xưởng vừa sản xuất vừa tham gia chiến đấu.

Năm 1967, trong một lần đi chợ, mẹ bà nhường hầm trú ẩn cho các cháu nhỏ và bị trúng bom. Lúc ấy, bà đang cùng đội thanh niên sửa lại nhà cho một đồng nghiệp trong nhà máy. Loạt bom không những cướp đi người mẹ thân yêu của bà mà còn làm bà bị thương. Bà được mọi người đưa đi cấp cứu, đến hôm sau tỉnh lại mới biết mẹ mình bị chết vì bom Mỹ. Bà vội vã mang cả vòng khăn tang trên cổ chạy một mạch về nhà chịu tang mẹ. Khung cảnh thật khủng khiếp, trước mắt bà là cảnh hoang tàn đổ nát. Bà ôm chặt đứa em trai 4 tuổi vào lòng không nấc nổi thành lời.

Cuối tháng 12, giặc Mỹ mở cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 ra miền Bắc, cùng với nhân dân Hà Nội, bố đưa các em bà đi sơ tán. Bà nằm trong đội tự vệ nhà máy ở lại Hà Nội tham gia và trực chiến trên trận địa cả ngày lẫn đêm. Bà được bố dặn dò rất kỹ, từ việc ăn ở nơi tập thể đến việc qua lại trông nom nhà cửa. Thậm chí, bố còn chỉ nơi cất tiền để dành sau này mua xe đạp cho bà.

Ngày 26/12/1972, bất ngờ một loạt bom B-52 bất ngờ dội xuống làng Tương Mai, nơi gia đình bà đang ở. Sáng hôm sau, khi đang trực chiến trên trận địa thì hai cô em gái hớt hải đến báo tin trời giáng: “Chị ơi, bố bị bom thả chết rồi!”.

Bà ngậm ngùi kể: "Ba chúng tôi ôm nhau khóc nức nở. Tôi đưa hai em về nhà, nhưng không sao tìm được thi thể bố. Căn hầm nơi ông thường ẩn nấp đã thành một hố bom sâu hoắm, mãi ba ngày sau tôi mới tìm thấy bố nhưng chỉ còn một phần thân thể rách nát, nhiều ngày sau, tôi mới lại tìm thấy bàn tay của bố. Nhặt được chút xương thịt nào của bố, chúng tôi lại gói cẩn thận vào tấm ni lông rồi vùi xuống mộ bố.

Bà cụ cầm túi đựng khăn tang sau trận oanh tạc của máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972. Ảnh: Chu Chí Thành

Bài thơ trên mâm pháo

Tháng 12/1972, theo lệnh cấp trên, để chuẩn bị đối phó với các cuộc không kích bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Nhà máy Cơ khí Mai Động thành lập trung đội súng máy 14,5 ly. Lúc đó bà Phạm Thị Viễn được bố trí làm pháo thủ số 1. Bà Viễn kể: “Trung đội có 11 người, trong đó có 3 nữ gồm tôi, chị Ngô Thị Hiển là xạ thủ 1 và chị Đỗ Thị Dần xạ thủ 2. Trận địa được đặt ngay sau nhà máy và luôn sẵn sàng nhả đạn”.

21h30 đêm 22 tháng 12, tiếng còi báo động rú lên, toàn thành phố tắt điện. Máy bay Mỹ xuất hiện, tiếng trung đội trưởng vang lên: “Tất cả nòng súng quay về hướng 14. Sẵn sàng!”.  Ngay lập tức mọi thông số đã chuẩn bị xong, chỉ còn chờ máy bay đến đúng tầm ngắm là nhả đạn. Khi nghe dứt khẩu lệnh: “Một điểm xạ ngắm, bắn!”, năm khẩu pháo đồng loạt đạp cò. Ở vị trí pháo thủ số 1, bà Viễn nhìn thấy rất rõ chiếc máy bay ngang qua trên đầu, ở phía đuôi kéo theo một vệt lửa dài. 30 phút sau trận đánh đó, nhà máy nhận được tin trận địa vừa hạ được chiếc máy bay “cánh cụp cánh xòe” F-111A. Mọi người ôm chầm lấy nhau sung sướng.

Sau đó, trận địa của Nhà máy Cơ khí Mai Động đã được nhà thơ Tố Hữu đến thăm. Xúc động trước khung cảnh nữ pháo thủ đầu đội khăn tang đang trực chiến tại trận địa và qua câu chuyện mọi người kể về gia đình bà, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ Việt Nam máu và hoa.

Ít ngày sau, bài thơ đã được nhà thơ cho người mang đến tận trận địa cho bà. Cả khẩu đội cùng chuyền tay nhau đọc: “Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ”. Bài thơ này luôn được bà lưu giữ như một kỷ vật thiêng liêng, không chỉ đối với bà mà với cả Hà Nội, thủ đô yêu dấu của cả nước.

Nguyễn Thành Trung
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm