Chuyện về những chiếc lồng chim cổ

18/02/2012 14:49 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Chuyện về thú chơi chim “độc” có giá đến vài chục triệu đồng vừa nghe đã thấy “ngợp”, nhưng khi diện kiến “tay chơi” sưu tầm lồng chim cổ thì còn cảm thấy “ngợp” hơn vì cái “tích”, về giá trị tinh hoa được tạo ra từ bàn tay những nghệ nhân.

Buổi sáng, trời nắng dịu, chúng tôi ngồi nhấm nháp ly cà phê, lắng nghe tiếng chim chào mào, chích chòe “đọ” nhau ở sau vườn nhà của ông Võ Minh Tân, một tay mê chim cảnh có tiếng ở quận Tân Phú, TP.HCM. Và rồi câu chuyện về những lồng chim cổ bắt đầu khi “tay chơi” độc đáo xuất hiện…

Mê chim rồi đến mê lồng

Những chiếc lồng chim treo trên cao, cả khu vườn nhà ông Tân đầy ắp âm thanh ríu rít của những chú chào mào, chích chòe còn ở độ tuổi “má trắng” đang tập hót, tập bay cho đến những chú chim “bổi” đã được 2-3 năm tuổi. Chỉ tay vào lồng chim chào mào mà theo ông Tân có giá đến 6 triệu đồng/ 1 con, ông cười nói: “Chơi chim vừa là cái duyên, vừa là nghệ thuật chăm sóc thì mới mong có con chim hay. Chăm sóc thì coi như là “chăm con mọn”, nhưng nếu không có duyên có số thì cũng chưa chắc có được con chim ưng ý. Nhưng có một thứ đam mê khác, còn tốn kém hơn chơi chim, đó chính là chơi lồng chim cổ. Tôi giới thiệu một “tay chơi” mà bộ  sưu tập lồng chim cổ của cậu ấy là cả một gia tài”.

Một lồng chim bằng gỗ quý và ngà voi

“Tay chơi” ông Tân nói là Đinh Tuấn Anh, 23 tuổi. Khuôn mặt điển trai, Tuấn Anh khoe bộ sưu tập của cậu hiện có 24 bộ lồng chim cổ với giá trị khoảng 300 triệu đồng. “Em bắt đầu sưu tập lồng chim cách đây 5 năm. Lúc trước em mê chơi chim, đem chim đi “đọ”, thấy mấy chú, mấy bác có lồng chim cổ đẹp mê người. Kể từ đó, em mê mẩn lồng chim cho đến giờ”.

Theo lời của Tuấn Anh, một bộ lồng chim cổ có giá từ vài chục triệu đồng cho đến cả trăm triệu và giá trị của nó phụ thuộc vào thời gian và nghệ thuật làm lồng. Có một điều thú vị, những lồng chim cổ, mọi kết cấu chính đều dùng từ các phần khác nhau của cây tre và độ bền bỉ của các lồng chim này có thể hơn cả một đời người. “Nói về lồng chim cổ hiện có 3 loại: lồng chim Huế là đặc sắc nhất, sau đó là lồng Cầu Dừa và cuối cùng là lồng  chim cổ có xuất xứ từ Trung Quốc. Mỗi loại đều có những giá trị nghệ thuật, tạo hình riêng và tất cả những thứ từ hình dáng tổng thể đến từng họa tiết đều được các nghệ nhân xưa làm bằng tay đến mức tinh xảo”.

Tuấn Anh chia sẻ: “Nếu là người yêu nghệ thuật, đặc biệt tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bằng loại cây tre gần gũi thì người xem sẽ cảm nhận được sự cầu kì, tinh tế của các nghệ nhân. Ngày nào em cũng ngắm nghía mà không biết chán, cả khi ngồi làm việc, em luôn thích để một chiếc lồng chim cổ ở bên cạnh để chiêm ngưỡng tinh hoa của các nghệ nhân”.

Tinh hoa những chiếc lồng chim cổ

Trong nhà, những chiếc lồng chim được Tuấn Anh trân trọng bày những nơi đẹp nhất của ngôi nhà. Cầm trên tay chiếc lồng chim cổ có xuất xứ từ Trung Quốc, Tuấn Anh cho biết: “Đây là chiếc lồng mà em mất hơn 1 năm trời theo năn nỉ  người ta mới bán lại cho với giá 35 triệu đồng. Chiếc lồng này ra đời khoảng 30 năm trước và được tạo nên từ loại tre già đen bên Trung Quốc”.

“Chao” (tay nắm) của lồng chim cổ bằng ngà voi

Điều đáng nói, theo Tuấn Anh, mỗi chiếc lồng đều có “tích”, tức là những nét trạm trổ hoa văn bằng tay của các nghệ nhân đều có nói lên một nội dung khác nhau. “Như chiếc lồng Trung Quốc này được trạm trổ “tích” “Quan Công phá thành” với hình Quan Công cưỡi ngựa xích thố đang chiến đấu với một vị tướng khác nằm ở đáy lồng chim. Còn mặt xung quanh đáy lồng thì chạm trổ hình quân sĩ công thành rất chi tiết  với 3 lớp quân lính. Bên cạnh đó những chiếc “cống” (bình đựng thức ăn, nước cho chim) cũng được vẽ “tích” tương tự như lồng”.

Mỗi lồng đều có một “tích” riêng, như lồng Huế, là lồng được nghệ nhân sinh sống tại Huế làm được trạm trổ “tích” “Bát tiên quần thú” và còn được tô điểm thêm “cống”, tay kéo cửa lồng bằng ngà voi. “Chiếc lồng Huế này em mua 26 triệu đồng, đây là loại lồng tiêu biểu của Huế vì hoa văn có nội dung là mỗi vị tiên bên 1 con thú khác nhau” – Tuấn Anh cho biết.

Những loại lồng có xuất xứ từ Sài Gòn, mà giới sưu tầm gọi là lồng “Cầu Dừa”. Vì ngày xưa, có một cây cầu Dừa gần cầu Khánh Hội, quận 4 có một nghệ nhân làm lồng chim với những loại “tích” đặc trưng như: chim và hoa, con sóc và chùm nho. Nhưng đặc biệt nhất là bộ “chao” (tay cầm lồng chim) làm từ những “mắt tre” rất mỏng manh so với các bộ chao của Trung Quốc, tuy nhiên độ bền thì không hề thua kém. Tuấn Anh tâm sự: “Bộ chao của lồng Cầu Dừa làm có độ bền lên đến 40 – 50 năm, những bộ lồng chim này rất hiếm hoi. Người nghệ nhân làm ra chiếc lồng ấy đã giải nghệ rồi, hiện nay ở khu Cầu Dừa, quận 4 vẫn còn sản xuất lồng nhưng chỉ là những loại lồng chim thị trường, không còn những tác phẩm nghệ thuật như ngày xưa nữa”.

Điều mà Tuấn Anh ao ước là có dịp sẽ đi ra Huế để truy tìm tường tận nguồn gốc của những chiếc lồng Huế mà mình đang sở hữu. “Những nghệ nhân chạm trổ lồng chim bằng tay đã gần như không còn. Còn điêu khắc, chạm trổ bằng máy thì lại chẳng có giá trị nghệ thuật cao”.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm