Cây Bồ đề và 1968 cây bồ kết cho Ngã ba Đồng Lộc

20/07/2008 14:20 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - "Đến Đồng Lộc, nhìn những khoảnh đồi hoang hoải của mảnh đất này, câu thơ "Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được" của nhà thơ Vương Trọng bám riết tâm trí tôi, họ ra đi khi những mái tóc xanh thiếu nữ còn chưa kịp gội. Nghĩa trang Đồng Lộc sẽ có cả một rừng bồ kết đặng tri ân những người nằm xuống" – cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Văn Bảo kể cho chúng tôi những dự định ông đang thực hiện.

Cây Bồ đề ông Bảo dự kiến mang vào trồng tại Ngã Ba Đồng lộc
 
Cây bồ đề cho những anh linh
Đã là người Việt Nam, ai cũng đều từng được nghe về địa danh ngã ba Đồng Lộc cùng 10 nữ TNXP đã hy sinh tại nơi đây. Những ngày này, đúng 40 năm sau, trong rất nhiều những hoạt động kỉ niệm hướng về sự kiện đau thương ấy. Ông Nguyễn Văn Bảo đang gấp rút thực hiện những điều ông ấp ủ từ lâu về ngã ba Đồng Lộc.
Hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh đang chuẩn bị cho chương trình kỉ niệm "Huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc" vào 24/7. Ngày 23/7, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ vào Ngã ba Đồng Lộc làm lễ cầu siêu cho 10 cô gái và anh linh các liệt sĩ ở đây. “Theo tập quán của người phương Đông, Bồ đề là cây tượng trưng cho tinh thần nhà phật, cho cõi niết bàn siêu thoát. Những người đã khuất, những linh hồn muốn trở về với cõi Phật để được siêu thoát thì tựa lưng vào gốc Bồ đề, bóng cây là nơi những linh hồn nương náu. Tôi hi vọng cây bồ đề này sẽ tỏa bóng chở che linh hồn các liệt sĩ ngã ba Đồng Lộc” – ông Bảo dẫn tôi ra chỉ vào gốc bồ đề trước sân nhà.

Cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Văn Bảo là ủy viên BCH của hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội, hội viên Hội Di sản Việt Nam. Ý nghĩa tượng trưng của cây bồ đề là rất lớn, vì thế không thể mua một cây Bồ đề bất kì mang vào Đồng Lộc. Trong quá trình khai quật, bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, năm 2004 ông Bảo đã mang một cây Bồ đề con mọc trong khuôn viên Hoàng thành về ươm trồng chăm sóc trong mấy năm nay. Cây Bồ đề này đặc biệt ở chỗ một gốc nhưng mọc lên hai thân, theo thuật ngữ của nghề sinh vật cảnh, người ta gọi là thế cây huynh đệ anh em, đó là khái niệm chung, mở rộng ra nó bao gồm cả chị em. Tôi sẽ mang cây này vào trong đó để thấy rõ ý nghĩa là chị em quây quần bên nhau, gắn bó thân thiết với nhau như người của một nhà, ông Bảo tâm sự.
Ông Bảo đem dự định của mình bàn với bà Vũ Thị Mai, một người đồng đội cũng là một cựu TNXP Hà Nội, bà Mai cũng rất hưởng ứng. Cả hai người quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng quyết đưa cây vào Đồng Lộc. Ông đem ý tưởng của mình lên xin phép TW đoàn, Ban chỉ huy lực lượng Thanh niên xung phong và được sự đồng ý. Lãnh đạo TƯ đoàn bàn với tỉnh Hà Tĩnh và sau đó báo với ông về sự đồng ý này. Ông Bảo lại vào trong Can Lộc để làm việc với BQL di tích. Kế hoạch ban đầu của là 23/7 sẽ vào trồng cây, nhưng do trùng với chương trình huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc đã làm hội trại, nếu vào đó sẽ rất đông, ông Bảo quyết định làm sớm một ngày. Theo đó, ngày 21/7 ông sẽ đánh cây và đưa vào Hà Tĩnh. Để đưa cây Bồ đề có chiều cao khoảng 8 mét, ông quyết định phải thuê một xe tải lớn có thùng xe chở đủ chiều dài.
 
Và rừng bồ kết ở ngã ba huyền thoại
Theo ông Bảo, trồng rừng bồ kết 1968 cây ở Ngã ba Đồng Lộc không chỉ nâng giá trị nhân văn cho những huyền thoại vì nước quên thân ở Ngã ba Đồng Lộc mà còn tạo thương hiệu giá trị đặc biệt cho loại cây đặc sản, đó là "Bồ kết Đồng Lộc" để trở thành hàng hóa, bổ sung nguồn thu cho di tích, tạo điều kiện để bảo tồn tôn tạo nghĩa trang. Ai đến thăm nơi đây cũng có thể mua về để làm quà cho người thân, bạn bè. Ông rất mong các cơ quan đoàn thể chung tay góp sức thực hiện công việc ý nghĩa này.

40 năm trước, chiều ngày 24 thăng 7 năm 1968, trong loạt bom thứ 15 một quả rơi trúng cửa hầm 10 cô gái tiểu đội 4. Hầm sập, không ai trong số các cô đứng dậy. Tất cả mười mái tóc xanh, chưa một ai lập gia đình, tuổi đời đều trên dưới 20. Người trẻ nhất, Võ Thị Hà ra đi mới tròn 17 tuổi. Vẫn biết, chiến tranh đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, đôi khi sự ra đi thật đơn giản. Nhưng cái giản đơn ấy đã để lại nỗi khắc khoải cho nhiều thế hệ. Những mái tóc xanh trở thành biểu tượng của những cô gái đất lửa anh hùng, là niềm tự hào nơi ngã ba thép huyền thoại.
"Ngày bom đạn vùi tóc tai bết đất. Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được. Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang. Cho mọc dậy vài cây bồ kết. Hương chia đều trong hư ảo khói nhang". Đến Ngã ba Đồng Lộc rồi, mới thấy thấm thía câu thơ của nhà thơ Vương Trọng. Lời những người con gái "Chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu". Ý nghĩ trồng một rừng bồ kết ông Bảo nhen nhóm từ đây.
Nhưng để có một rừng cây ấy thì một mình ông không làm nổi. Ông bắt đầu bằng việc đi đăng kí bản quyền tác giả về ý thưởng trồng rừng bồ kết để được công nhận làm cơ sở pháp lí để thực hiện. Thực ra ông không quan trọng việc đăng kí bản quyền tác giả, ông không sợ ai đó giành mất ý tưởng nhưng phải đăng kí bản quyền để được danh chính ngôn thuận, để thông tin chính thức có thể kêu gọi các đoàn thể tham gia trồng cây.
Trước hết, ông đi tìm sự ủng hộ, sự phê duyệt của các ban ngành hữu quan: Đoàn Thanh niên CS HCM, ngành văn hóa du lịch, ngành Lâm nghiệp, chính quyền địa phương. Việc trồng cây sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Các cơ quan đoàn thể, nhất là các Hội, Đoàn thanh niên và thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh sẽ trồng cây tại đây, để ý thức sâu sắc hơn về quá khứ hào hùng oanh liệt của cha ông và truyền thống "uống nước nhớ nguồn".
Rừng bồ kết sẽ được đánh số thứ tự từ 1 đến 1968, tượng trưng cho năm mà 10 cô gái xuân xanh đã ngã xuống. “Tôi muốn hương thơm bồ kết 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc mãi mãi thơm mái đầu của các thế hệ như câu thơ Hương thơm đều, muôn vạn mái đầu, thế hệ ngày mai” - ông Bảo nói đi nói lại về ước mong giản dị của mình.
Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm