Hàng loạt cầu thủ Ai Cập giải nghệ sau bi kịch

03/02/2012 10:13 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Online) - 3 tuyển thủ quốc gia Ai Cập cùng hàng loạt quan chức cấp cao đã đồng loạt rút lui sau khi chứng kiến tận mắt cái chết của hàng trăm CĐV trong vụ bạo loạn diễn ra cách đây 2 ngày.

Mohamed Aboutrika và Mohamed Barakat, mỗi người đã có ít nhất 70 lần khoác áo ĐTQG, nói với giới truyền thông rằng họ sẽ từ bỏ sự nghiệp ngay sau vụ bạo động kinh hoàng khiến ít nhất 74 người chết tại thành phố Port Said.

"Tôi sẽ không chơi bóng nữa", cựu tiền vệ 33 tuổi Aboutrika thừa nhận trong khi Barakat, 35 tuổi, nói "không còn chỗ cho bóng đá nữa kể từ hôm nay".

Cầu thủ Emad Moteab thì vẫn để ngỏ cửa với việc trở lại thi đấu khi nói "muốn chờ công lý cho những người đã chết". 



Ai Cập ngập trong đau thương những ngày qua - Ảnh Getty

Aboutrika và Barakat là những cầu thủ đá chính của Al-Ahly còn Moteab vào sân thay người trong trận đấu trước Al-Masry. Tất cả đều nằm trong số những cầu thủ đội khách phải chạy trốn khi bạo lực bùng phát và những CĐV quá khích lao xuống sân để "truy sát".

"Tôi đã thấy nhiều người hấp hối nhưng chẳng ai làm được gì. Nó như là chiến tranh vậy", Aboutrika nói, "Mạng sống con người thực sự rẻ như vậy sao?".

Trong khi đó, HLV Manuel Jose của Al-Ahly cũng chủ động yêu cầu CLB cắt hợp đồng để ông được trở về quê hương Bồ Đào Nha sớm nhất có thể. Phía đối diện, chủ tịch Kamel Abu Ali và HLV trưởng Hossam Hassan của Al-Masry đã nộp đơn từ chức.

LĐBĐ Ai Cập đã quyết định hoãn giải VĐQG vô thời hạn và hôm qua thủ tướng Kamal el-Ganzouri tuyên bố giải thể Ủy ban điều hành giải đấu.

Ở một diễn biến khác, các CĐV của đội khách Al-Ahly sẽ không bị tiến hành điều tra và coi như nạn nhân trong vụ bạo lực tại sân Port Said.

Al-Ahly là CLB thành công nhất trong lịch sử Ai Cập. Năm 2000, đội bóng này nhận danh hiệu CLB châu Phi của thế kỷ khi giành 36 chức vô địch QG và 6 lần vô địch châu lục - một kỷ lục vô tiền khoáng hậu tại Lục địa đen.

Tuy nhiên, Al-Ahly cũng nổi trội với các ultra và việc bạo lực xuất hiện trong các trận đấu của họ không phải là hiếm. Năm ngoái, Al-Ahly bị LĐBĐ châu Phi cấm cửa CĐV nhà trong một trận đấu tầm châu lục. Hồi tháng 9, hơn 70 CĐV quá khích đã giao tranh với cảnh sát chống bạo động ngay tại thủ đô Cairo.

Tức giận vì cảnh sát

Hôm thứ Năm, nhiều tờ báo buộc tội các lực lượng an ninh tại Port Said đã thiếu trách nhiệm và là nguyên nhân chính khiến vụ bạo loạn thảm khốc xảy ra.

Gần đây, xứ sở Pharaoh cũng xảy ra rất nhiều biến động. Cuối năm ngoái, hàng ngàn người Ai Cập đã xuống đường để phản đối sự cai trị 30 năm của tổng thống Hosni Mubarak. Kết quả là hàng loạt những vụ giao tranh giữa thường dân với cảnh sát Ai Cập và điều ấy thúc đẩy sự mâu thuẫn khó hòa giải giữa 2 phe.



Cảnh sát chống bạo động Ai Cập tháng 12 năm ngoái - Ảnh Getty

Nhiều tờ báo chỉ ra rằng các ultra của 2 CLB đã rất tức giận về việc lạm dụng quyền lực và tàn bạo của cảnh sát. Và trận đấu chính là cái cớ để họ bày tỏ "tiếng nói". Tuy nhiên, cuối cùng cảnh sát lại rút lui và mọi thứ rơi vào tình trạng không thể kiểm soát. Rốt cục, 13 nghìn CĐV Al-Masry lao vào sân với dao, gậy và đá để tấn công đội bóng vừa giành chiến thắng 3-1.

"Họ muốn trừng phạt chúng tôi và chúng tôi phải phản ứng trước các hành động đàn áp", trích là phát ngôn của nhóm Ultra Al-Ahly.

Trong khi ấy, chủ tịch FIFA Sepp Blatter cảnh báo "bóng đá không phải là thứ để những kẻ xấu xa lợi dùng", đồng thời yêu cầu phía Ai Cập gửi lý do chi tiết về nguyên nhân vụ việc.

Blatter còn kêu gọi LĐBĐ Ai Cập không được phép để tình trạng bạo lực tái hiện nữa - điều mà gần đây nhất xảy ra là năm 1996. Hôm qua, chính phủ Ai Cập đã quyết định cắt chức hàng loạt quan chức cấp cao và giải thể Hội đồng điều hành giải VĐQG. Tuy nhiên, FIFA vẫn im lặng trước hành động can thiệp vào nội bộ bóng đá của một thành viên do mình quản lý.

H.D

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm