VPF, bầu Kiên và nỗi buồn bóng đá Việt

23/08/2012 11:45 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH)- Sau khi bầu Kiên bị bắt, dư luận người hâm mộ bóng đá Việt Nam đều lo ngại cho tình hình của hai đội bóng Hà Nội và công ty VPF. Sau đây, TT&VH Online xin tổng hợp các ý kiến mà bạn đọc gửi về, chia sẻ quan điểm.

Trả lời phỏng vấn báo chí trước sự việc bầu Kiên bị cơ quan điều tra tiến hành tạm giam vì hành vi kinh doanh trái phép, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT cho biết: “Hoạt động của VPF vẫn diễn ra bình thường. VPF là Công ty cổ phần, và anh Kiên chỉ là một trong số 9 thành viên của HĐQT, do Đại hội cổ đông bầu ra. Hoạt động của Công ty trực tiếp do ban Giám đốc đứng đầu là TGĐ Phạm Ngọc Viễn chịu trách nhiệm. Thế nên tôi nghĩ không có gì phải lo lắng. VPF ngoài anh Kiên thì còn các cổ đông khác, gồm 28 đội bóng hạng Nhất và V-League, đại diện VFF… CLB BĐ HN cũng chỉ chiếm cổ phần hơn một tỷ đồng. Nếu anh Kiên không đại diện vốn thì người khác trong CLB có thể thay”.


Chỉ trong vòng chưa đến một năm, bầu Kiên đã trải qua rất nhiều thay đổi to lớn. Ảnh: Quang Nhựt

Nhưng trên thực tế thì sao, liệu VPF vẫn có thể hoạt động bình thường bất chấp sự việc ngày 20/8/2012 vừa rồi của bầu Kiên? Để thay cho câu trả lời, chúng tôi xin dẫn lại phần bình luận của một độc giả có địa chỉ e-mail là thachtungbd@yahoo.com.vn trong bài viết: “Bầu Kiên bị bắt không ảnh hưởng đến hoạt động của VPF” được đăng tải trên TT&VH Online. Độc giả này viết: “Chỉ có nói đùa hoặc là thiếu trách nhiệm hoặc là trấn an dư luận mới cho rằng ông Kiên, PCT HĐQT VPF, bị bắt lại không ảnh hưởng. Tôi thấy rất ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín của cái gọi là VPF ấy chứ” (http://thethaovanhoa.vn/128N20120821170602360T0/bau-kien-bi-bat-khong-anh-huong-den-hoat-dong-cua-vpf.htm).

Rõ ràng đây không phải là một nhận định có tính chất võ đoán, bởi nhìn lại những gì bầu Kiên đã làm trong 11 tháng vừa qua cũng như gần chục năm làm bóng đá trước đó, không dễ gì để kết luận rằng tất cả những hành động của bầu Kiên đều chỉ vì lợi ích của bóng đá Việt Nam. Dấu ấn lớn nhất mà bầu Kiên làm được để trở thành thần tượng của một bộ phận không nhỏ người hâm mộ bóng đá Việt Nam chỉ là sự ra đời của VPF cùng bản hợp đồng bản quyền truyền hình có giá trị lên tới 50 tỷ đồng cho năm đầu tiên.

Việc VPF ra đời được coi là một cuộc cách mạng của bóng đá Việt Nam, nhưng càng về sau thì tổ chức này càng gây thất vọng nặng nề, đặc biệt là ở những vòng đấu cuối, khi các trận đấu có mùi xuất hiện nhan nhản như nấm sau mưa. Rất lạ là trong khi khán giả ở các địa phương phản ứng kịch liệt với chính đội bóng của mình vì lối chơi thiếu lửa, không đúng phong độ, không tôn trọng CĐV thì BTC lại bỏ qua không xử lý với lý do chưa có dấu hiệu tiêu cực.

Trong khi đó, cũng với những con người trong BTC V-League 2012, trước đây, khi họ còn ăn lương VFF và điều hành giải VĐQG, chính họ lại có cách xử lý hoàn toàn khác với những nghi án tiêu cực, rất dũng cảm, quyết đoán, chẳng hạn như vụ trừ điểm và phạt tiền Thể Công ở V-League 2004, hay treo giò và phạt tiền các cầu thủ SLNA thi đấu không đúng phong độ ở V-League 2008.

Thế thì bản quyền truyền hình có giá 50 tỷ hay hơn nữa để làm gì, khi điều tối thiểu là bảo đảm một sân chơi công bằng, trung thực và khách quan cho các đội bóng tham dự V-League 2012 thì VPF lại không làm được? Nếu VPF thực sự mạnh tay với những biểu hiện không lành mạnh trên sân cỏ nước nhà thì cuối tuần vừa rồi, hẳn HN.T&T đã không dám diễn trò ngay trước sự chứng kiến của hàng loạt lãnh đạo ngành thể thao và bóng đá trên sân Thống Nhất ở trận gặp SG.XT, để rồi SG.XT phải cay đắng và uất ức vì là nạn nhân của trò “2 đánh một”.

Và bầu Kiên đã ở đâu trong những vòng đấu cuối cùng của V-League 2012, khi “đứa con tinh thần” VPF của ông làm người hâm mộ bị mất niềm tin một cách nghiêm trọng vì cái cách mà họ ứng xử với những trận đấu bốc mùi ở chặng đường nước rút của V-League, vốn là điều đã được cảnh báo từ trước vì luôn xảy ra tình trạng như thế trong các mùa bóng mà VFF nắm quyền điều hành và quản lý giải VĐQG trước đây.

Nhưng bây giờ điều này cũng chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa, khi bầu Kiên đã bị cơ quan chức năng tước quyền công dân để điều tra về hành vi vi phạm pháp luật, và bây giờ hẳn không biết bao nhiêu người trót đặt sự kỳ vọng lớn lao vào ông bầu này đang hoang mang với câu hỏi: “Bầu Kiên có còn xứng đáng được xem là người hùng của bóng đá Việt Nam”?! Dù là không hay có thì để đưa ra câu trả lời trong trường hợp này cũng thật vô cùng khó khăn!

Mai An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm