Nhà phê bình phim Tô Hoàng: Phải có chiến lược điện ảnh dân tộc

15/03/2013 13:04 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Đến với điện ảnh từ những năm 1950, khi theo cha lên chiến khu, theo học khoa đạo diễn phim tài liệu điện ảnh và truyền hình ĐH Quốc gia Điện ảnh Liên Xô (1980-1986), nhà văn - nhà phê bình phim Tô Hoàng là một trong những chứng nhân của 60 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2013).

* Chung một dòng sông (ĐD: Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân) sản xuất năm 1959 được xem bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bối cảnh hình thành nền điện ảnh cách mạng lúc đó như thế nào, thưa ông ?

- Tôi còn nhớ như in cảm giác được nghe các nhân vật trên phim nói bằng tiếng Việt, lời ăn tiếng nói bình thường hàng ngày khi xem Chung một dòng sông, lúc ấy tôi đang học lớp 7. Bây giờ chuyện ấy là bình thường, nhưng khi đó là một điều huyền diệu. Vì mình trước đó chỉ được xem phim tài liệu Việt Nam với lời bình hoặc xem phim Liên Xô với lời thuyết minh tiếng Việt thôi.  



Nhà văn - nhà phê bình phim Tô Hoàng

Vào những năm tháng ấy, điện ảnh đầy sức hấp dẫn, quyến rũ. Nó như một thiên đường Nghe-Nhìn kỳ ảo. Chả thế mà, khi chúng ta triển khai làm phim truyện, nhiều nhà văn lớn như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Kim Lân, Bùi Hiển… cũng bị “hút hồn”, hăng hái, say sưa bắt tay viết kịch bản văn học. Điện ảnh khi ấy không chỉ là thiên đường mà còn được coi là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng. Chả thế mà những người được tuyển chọn vào khóa 1 ngành đạo diễn như các anh Trần Vũ, Huy Thành, Hải Ninh, Nguyễn Văn Thông… đều phải là cán bộ quân đội cấp tiểu đoàn hoặc trưởng phòng văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh. Phim truyện Việt Nam những năm 1960, 1970 có phim dở, phim coi được, phim hay, nhưng người làm phim đều dốc hết cả tâm huyết, tình yêu, sự vô tư, trong sáng, chẳng ai đong đếm hơn thiệt thù lao là gì. Còn công chúng người xem đón nhận mỗi bộ phim với tất cả sự chờ đợi, hoan hỉ, chia sẻ… Hệt như đón đợi một bữa ăn tinh thần không thể thiếu. Chính mối tương quan ấy mà điện ảnh Việt Nam có được những trang vàng trong quá khứ.

* Vậy chắc ông dễ dàng nêu ra những nét khái quát nhất về những thế mạnh của mấy chục năm điện ảnh cách mạng…

-Nhiều người thường nghĩ chỉ điện ảnh thị trường mới quan tâm đến số lượng đông đảo người xem; mới làm ra những bộ phim “ hút” người xem tới rạp. Theo tôi, chính nền điện ảnh cách mạng đã biết lấy đông đảo quần chúng làm đối tượng phục vụ của mình. Ai mang phim ảnh ra khỏi các phòng chiếu sang trọng ở thành phố để đưa phim về nông thôn, lên miền núi? Ai chiếu cho bà con nông dân ở các làng xóm xem miễn phí? Ai mang phim vào chiếu cho bộ đội tại các chiến trường? Tôi cho đây là ưu điểm đầu tiên của điện ảnh cách mạng, cho dù những năm gần đây tinh thần phục vụ như thế bị xem nhẹ hoặc bỏ quên. Điểm mạnh thứ hai của phim ảnh thời đó là món ăn không có độc tố. Tôi còn nhớ rõ các bậc phụ huynh  thường khuyến khích con cái đi xem phim. Đưa con tới rạp họ không nơm nớp  lo sọ bị tiêm nhiễm bạo lực hay sex, bị vẩn đục tâm hồn. Điện ảnh cách mạng một thời được xem là lớp học, là nơi giáo dục tinh thần, lý tưởng của người xem. Thế mạnh thứ ba, phim ảnh thời đó thấm đượm tính nhân văn, mang thiên chức xã hội sâu sắc. Phim ảnh biết lấy người lao động với khát vọng và vui buồn của họ làm đối tượng miêu tả chủ yếu. Cùng với các lĩnh vực văn hóa khác, phim ảnh đã góp phần khích lệ lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, ngợi ca chiến công, lòng dũng cảm - những điều đã tạo nên chiến thắng trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp,chống Mỹ.  



Nguyễn Võ Nghiêm Minh) được Tô Hoàng nhận xét là tác phẩm điện ảnh hay nhất trong 60 năm qua

* Còn những nhược điểm thưa ông?

- Theo tôi nhược điểm lớn nhất là vận dụng điện ảnh thành công cụ phục vụ chính trị, minh họa đường lối một cách sống sít, gượng gạo, coi yêu cầu chính trị cao hơn, lấn át yêu cầu nghệ thuật. Những bộ phim vượt qua được những căn bệnh như vậy đã trở thành “tác phẩm để đời” như Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu… Gần đây vào mỗi tối Chủ nhật , VTV1 cho công chiếu sẽ những bộ phim “ngày xưa” ấy, vài phim còn xem được…

* Ông nghĩ sao về thời kỳ phim “ Mì ăn liền”?

Chúng ta đã có những phim nhà nước hưởng được không khí dân chủ trong nghệ thuật như Thương nhớ đồng quê, đời cát , Rừng đen… nhà nước phải làm sao để những phim giàu chất nghệ thuật như thế nhiều hơn và đẳng cấp hơn nữa, như vậy thì công cuộc đối thoại và đối ngoại với quốc tế mới có cơ hội.

-Tôi vẫn luôn luôn nhìn ra mặt tích cực của thời kỳ này. Điện ảnh Sài Gòn, điện ảnh phía Nam đã đi tiên phong, đã làm những bước thực nghiệm bổ ích về công cuộc xã hội hóa điện ảnh. Điều đáng buồn, đáng nghĩ ngợi là các cơ quan quản lý điện ảnh cấp vĩ mô nói riêng, Nhà nước nói chung đã không sớm tỉnh táo để nắm bắt, đúc rút kinh nghiệm của thời kỳ ấy. Để phải đến gần chục năm sau mới hốt hoảng, quáng quàng kêu gọi xã hội hóa một cách xô bồ, nhộm nhoạm, thả nổi hoạt động điện ảnh trôi theo dòng “mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết”.

* Có lần, ở đâu đó ông đã từng báo động nền điện ảnh chính thống của chúng ta hiện nay như con bệnh đã chết lâm sàng. Nếu chỉ được nêu một liệu pháp cấp cứu, ông nêu giải pháp nào?

-Tôi xin nói ngay, mong Nhà nước hãy có Chiến lược về nền điện ảnh dân tộc. Đừng theo gợi ý thực dụng, thiển cận của ai đó mà dùng Truyền hình thay cho điện ảnh. Nhà nước phải mở hầu bao ra, dành cho điện ảnh những khoản kinh phí xứng đáng để đưa nhân tài ra học ở nước ngoài, mua sắm trang thiết bị, xây trường quay.

Vẫn là Nhà nước nắm tương lai của một nền điện ảnh đã ra đời từ trong đạn bom, khói lửa; đã biết làm ra những bộ phim mang sức nặng xã hội và trở thành món ăn tinh thần bổ ích cho mọi người. Không thể vô tình chuyển qua đôi vai tư nhân những thiên chức chức cao đẹp đã từng có được đâu!    

* Nếu bây giờ hỏi nhanh về phim Việt Nam, ông thích phim nào nhất và hiện nay, những đạo diễn nào là đáng trông đợi, theo ông?

- Xét phim nói chung thì cá nhân tôi chọn Mùa len trâu là hay nhất; còn phim giải trí hấp dẫn và công phu là Dòng máu anh hùng - đây là hai hướng mà điện ảnh Việt nên nghĩ đến, nếu muốn mau chóng có bản sắc và thị trường.

Có vẻ như các đạo diễn trẻ tại Sài Gòn thì nhạy bén hơn trong việc làm phim thương mại, còn các đạo diễn trẻ tại Hà Nội thì làm các phim thiên về nghệ thuật. Nhìn chung thì những cái tên như Bùi Thạc Chuyên, Lưu Huỳnh, Phan Đăng Di… vẫn đáng trông đợi, vì tôi thấy ở họ những tham vọng lành mạnh trên con đường nghệ thuật

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm