Xuất khẩu ồ ạt văn chương Việt ra nước ngoài

20/03/2012 08:58 GMT+7 | Đọc - Xem



(TT&VH) - Văn học và văn hóa nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam khá lâu và khá rõ, nhưng ngược lại văn học và văn hóa Việt Nam tiếp cận với người ngoại quốc đến đâu? Kênh quảng bá văn học Việt lâu nay để ra nước ngoài thường thông qua đường “chính thống”. Vậy mà có một đơn vị làm sách tư nhân muốn quảng bá văn học Việt thông qua đường “tiểu ngạch” - tức bằng nỗ lực của cá nhân mình.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi và thương hiệu sách Chibooks do chị sáng lập vừa có buổi gặp mặt báo chí nhân 3 năm hình thành vào hôm 16/3 tại TP.HCM. Nhân dịp này, Nguyễn Lệ Chi đã ký hợp đồng chuyển nhượng tác quyền văn học Việt Nam nhằm dịch ra tiếng nước ngoài với khoảng 20 tác giả. TT&VH có cuộc trò chuyện với Nguyễn Lệ Chi.

Giới thiệu con người Việt

* Việc “xuất khẩu” văn chương hay quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam là công việc của các hội, ngành chuyên môn, ví như Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn. Tại sao Chibooks lại đứng ra “gánh trọng trách này”?

- Đúng là các hội nghề nghiệp đứng ra làm việc như vậy. Và lẽ ra việc xuất khẩu và quảng bá văn hóa Việt là trọng trách của các đơn vị chuyên môn. Nhưng tới nay, tôi nhận thấy quá ít các tác phẩm văn học Việt được dịch ra các thứ tiếng và phát hành rộng rãi.

Chibooks cũng chỉ là đơn vị xuất bản chủ yếu sách văn học nước ngoài, nhưng chúng tôi rất có hứng thú làm cầu nối văn hóa với các nước và muốn khai phá thị trường bản quyền sách văn học Việt ra nước ngoài. Theo tôi nhận định, các nước chưa hiểu văn học Việt là một thị trường có tiềm năng nhưng vẫn còn để ngỏ.

Nguyễn Lệ Chi và Bùi Anh Tấn

* Trong các tác giả vừa ký hợp đồng “trao gửi con” với Chibooks, lý do gì khiến chị chọn các nhà văn này và tác phẩm của họ?

- Trước mắt Chibooks muốn giới thiệu ra nước ngoài một số nhà văn đương đại Việt Nam với đa dạng về đề tài và thể loại. Những nhà văn mà Chibooks đã lựa chọn trong đợt này đều là những gương mặt quen thuộc, có tên tuổi, có vị trí trên văn đàn, được giới chuyên môn công nhận và có lượng bạn đọc riêng. Những tác phẩm mà Chibooks làm đại diện phần lớn đều là những tác phẩm tiêu biểu, có tiếng vang của các nhà văn này. Chibooks muốn thông qua các tác giả này và các tác phẩm của họ để giới thiệu về đất nước, con người, tâm tư tình cảm, những xáo trộn xã hội của một Việt Nam đương đại và hoàn toàn khác trong con mắt bạn bè quốc tế.

* Những thị trường nào Chibooks hướng đến khi “chào hàng” các tác phẩm Việt Nam?

- Chibooks nhắm tới cả hai thị trường là châu Á gồm: Trung Quốc, Nhật, Hàn… và phương Tây như: Mỹ, Anh…

"Dịch ngược" rất mất thời gian

* Theo ước tính của chị, bao lâu thì công việc “xúc tiến thương mại” các tác phẩm văn học Việt ra nước ngoài có hiệu quả?

- Cũng có thể mất 1 - 2 năm đầu để chào sân, xây dựng một thói quen cho đối tác nước ngoài về việc mua bản quyền sách văn học VN, chuẩn bị những khởi đầu cần thiết trước khi chào bán bản quyền ra nước ngoài như chuẩn bị in ấn các catalogue sách Việt Nam với những hồ sơ tác giả, tác phẩm hoàn chỉnh bằng các thứ tiếng, tích cực tham gia các hội chợ sách quốc tế trong khu vực và trên thế giới…

* Nguyễn Lệ Chi là một dịch giả, xin hỏi việc dịch các tác phẩm Việt ra tiếng nước ngoài sẽ được Chibooks tiến hành ra sao?

- Chibooks sẽ tìm kiếm những dịch giả giỏi, thông thạo “dịch ngược” để dịch toàn bộ hồ sơ - tác phẩm này ra tiếng Anh, tiếng Hoa… Thậm chí dịch từng chương mỗi cuốn sách, cũng có thể nhờ một số chuyên gia nước ngoài thạo tiếng Việt sửa chữa lại, trước khi mang đi in ấn, giới thiệu thành catalogue. Khi phía đối tác nước ngoài chọn mua, họ sẽ tự tìm dịch giả cho thứ tiếng mà họ định chuyển thể ra, nhưng Chibooks cũng sẽ hỗ trợ  nếu được đề nghị và trong khả năng cho phép.

* Xin hỏi thêm, có phải vì chị là dịch giả, dịch rất nhiều tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt nên chị nóng lòng muốn dịch tác phẩm tiếng Việt ra nước ngoài hay không?

- Thực lòng dịch ngược như vậy là vô cùng khó và mất nhiều thời gian lắm. Hiện tại tôi có quá nhiều dự án và công việc phải giải quyết nên tạm thời ngay cả việc dịch xuôi (Anh - Việt, Hoa - Việt) tôi cũng đành phải tạm gác lại, chứ chưa nói đến việc dịch ngược (Việt - Hoa). Tất nhiên trong tương lai, khi sắp xếp được thời gian, tôi cũng muốn thử sức với công việc này.

Nhà văn Bùi Anh Tấn (ảnh trên, đứng bên trái), Giám đốc Chi nhánh NXB Công an Nhân dân tại TP.HCM, tác giả của: Một thế giới không có đàn bà, Les - Vòng tay không đàn ông, Nguyễn Trãi - được mượn ý tưởng làm phim Thiên mệnh anh hùng… ký hợp đồng nhượng quyền tác phẩm dịch ra tiếng nước ngoài với dịch giả Nguyễn Lệ Chi. Bùi Anh Tấn nhượng quyền nhiều nhất với 14 tác phẩm, đứng sau anh là nữ nhà văn xinh đẹp Phan Hồn Nhiên nhượng quyền cùng lúc 8 tác phẩm cho Chibooks.

Bùi Anh Tấn cho biết: “Tôi chưa biết khả năng chuyển thể, tiếp thị và xuất bản các tác phẩm của tôi thông qua công ty Chibooks như thế nào. Nhưng trước mắt, tôi thấy Chibooks chọn lựa các tên tuổi uy tín như Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Trần Nhã Thụy, Dương Bình Nguyên… để “bán hàng” ra nước ngoài, bản thân cũng yên tâm. Theo tôi, việc dịch và quảng bá văn học, văn hóa là việc của Nhà nước và các hội đoàn thể. Riêng cá nhân một công ty như Chibooks dám làm việc “khó nhọc” như vậy cũng đáng khích lệ lắm chứ”.

Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm