'Xin đừng quên chiếc áo xanh'

02/10/2014 09:54 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Cả cuộc đời, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924 - 2001) sáng tác không quá 20 bài hát nhưng những bài hát của ông đều có màu riêng, có “khí hậu” riêng, nghe qua cũng nhận ra những khác biệt. Trong những khác biệt ấy luôn ẩn chứa những câu chuyện của riêng ông, về hình bóng cũ, về những cuộc chia ly buồn bã... Tà áo xanh là một trong số ấy.

Mùa Xuân tới, Tà áo xanh sẽ tròn 60 tuổi, dài bằng cả đời người. Bài hát này từng dựng nên sự nghiệp của nhiều người, là dấu son đem lại vinh quang cho nhiều giọng hát. Nhưng câu chuyện tình của người sáng tác và nguyên mẫu trong bài hát lại không vàng son như vậy…

Người con gái có “đôi môi cá vàng”

Tà áo xanh (hay còn có tên gọi khác là Dở dang) được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sáng tác vào mùa Xuân năm 1955. Bài hát là những lời tự tình buồn bã, cổ điển, một chuyện tình được kể trọn vẹn với không gian mở đầu bằng tiếng xào xạc của gió. “Gió bay từ muôn phía tới đây ngập hồn anh” rồi kết thúc bằng “Nhạc đời còn ghi những nét thương đau/ Hoa tàn tình tan theo không gian”.

Ở giữa hai vùng không gian quyện gió ấy, là câu chuyện tình với những cảm xúc bảng lảng: “Ta quen nhau mùa Thu/Ta thương nhau mùa Đông/Ta yêu nhau mùa Xuân/Để rồi tàn theo mùa Xuân” để rồi “Chiều nao xác pháo bên thềm tản mác bay/Em đi trong xác pháo/Anh đi không ngước mắt”.


Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và vợ - bà Nguyễn Thị Xuyên

 

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã rất tài hoa khi bố trí những đoạn chuyển rất êm ái nhưng có tác dụng đổi hẳn mạch tự sự để dàn trải, để thay đổi trạng thái từ nhớ nhung sang buồn bã ly biệt, tạo kịch tính gợi nên xúc động lớn lao và để nhấn mạnh “xin đừng quên chiếc áo xanh”. Ở bài này nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chọn cho cái kết ở nốt Đô (chủ âm) cao, âm vực rộng hơn, tạo nên một không gian tiếc nuối, đẩy cao lời tình tự đến mức độ đau đớn nhất.

Trong lời đề tựa của bài Tà áo xanh, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có ghi “Khi nào em đến với anh, xin đừng quên chiếc áo xanh. Có đúng không em, người con gái có “đôi môi cá vàng”?

Người con gái có “đôi môi cá vàng” chính là nghệ sĩ Lê Hằng, lúc ấy, khi quen Đoàn Chuẩn vẫn còn đang giữ nghệ danh Thanh Hằng.

Những ca khúc của Đoàn Chuẩn thường được nhuộm vàng của mùa Thu nhưng đôi lúc vẫn nổi bật màu tím, xuất hiện ngập ngừng nhưng vô cùng giản dị. Đó là màu áo lụa Hà Đông của vợ ông. Còn một màu nữa đi vào khá nhiều ca khúc bất hủ, là màu áo xanh, màu áo của người tình trong mộng, màu của day dứt, nhớ thương, màu của ái ân. Đó là màu áo của Thanh Hằng, giai nhân trong hầu hết những sáng tác để đời của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

Theo lời kể của ông Đoàn Đính, con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, thì cuộc tình với nguyên mẫu bài hát Tà áo xanh đã gây cho Đoàn Chuẩn “nhiều đau khổ và thương tổn nhất”.

Cùng nghe lại ca khúc Tà áo xanh:

Cuộc tình tan vỡ, chỉ còn lại Tà áo xanh

Ngày còn trẻ, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn được xem như “công tử Bạc Liêu xứ Bắc”. Ông là con trai của chủ hãng nước mắm nức tiếng Vạn Vân, sở hữu những siêu xe sang trọng bậc nhất Hà Nội như chiếc Ford Fregatte, “sang” hơn cả Thủ hiến Bắc kỳ. Và tất nhiên ông cũng đào hoa nức tiếng. Tài tử Ngọc Bảo, người được coi là hát nhạc Đoàn Chuẩn quyến rũ nhất, cũng từng kể lại rằng: “Tôi là tay chơi có hạng đất Bắc Kỳ nhưng còn thua xa người lịch lãm, hào hoa Đoàn Chuẩn”.

Rất nhiều giai nhân tuyệt thế đi qua cuộc đời ông và ở lại trong những giai điệu đẹp nhưng chẳng ai trong số ấy được nhắc nhiều bằng Thanh Hằng. Bà xuất hiện trong 6 ca khúc hay nhất của Đoàn Chuẩn và Tà áo xanh chính là nguyên mẫu Thanh Hằng được kể lại một cách trọn vẹn nhất.

Thanh Hằng rất đẹp và hát cũng rất hay, có tiếng ở Hàng Đào, Hàng Bông thời ấy. Năm 1953, tình cờ một nhạc công ở Đài Pháp Á đã phát hiện ra tài năng của Thanh Hằng và tiến cử nàng đi thi cuộc thi tuyển chọn giọng hát hay của đài và năm ấy Thanh Hằng đăng quang “vương miện thủ khoa”. Và chính tại cuộc thi này, lần đầu tiên Đoàn Chuẩn gặp Thanh Hằng và lập tức si mê.

Có thể nói Thanh Hằng gần như làm mờ hẳn những giai nhân trước đó trong cuộc đời Đoàn Chuẩn và cũng cần biết lúc đó ông đã có vợ và 3 con. Nhưng với chàng công tử hào hoa đất Bắc chỉ mới chạm tam tuần, vẻ đẹp của Thanh Hằng làm con tim ông bối rối, như vết thương lại nhói lúc trở trời. Cuộc tình ngang trái nhưng đầy lãng mạn ấy đã đưa Thanh Hằng trở thành nàng thơ trong những sáng tác của Đoàn Chuẩn và cả những giai thoại nức tiếng.

Nhưng cuộc tình ấy bất ngờ tan vỡ. Có nhiều câu chuyện lý giải nhưng chẳng ai chứng thực. Năm 2009, con trai của ông, nghệ sĩ Đoàn Đính mới kể rằng: “Cha tôi yêu mẹ và sống với mẹ cả đời, nhưng chỉ viết cho bà 2 bài hát, trong khi ông yêu một ca sĩ nổi danh xinh đẹp Hà thành lúc đó tên là Thanh Hằng và viết đến 6 bài hát tặng nàng. Mẹ tôi hay chuyện, đang ở Hải Phòng lập tức đi ô-tô lên Hà Nội. Ai cũng tưởng sẽ có cuộc đánh ghen lớn, nào ngờ mẹ tôi nhẹ nhàng đến gặp cô ấy hỏi: “Chị hỏi thật em, em có yêu anh Đoàn Chuẩn không?”. Thanh Hằng trả lời rằng: “Có”. Bà nói tiếp: “Em trót yêu anh Đoàn Chuẩn nhà chị thì em cố yêu nốt ba đứa con của anh ấy nhé”. Thế là Thanh Hằng tỉnh mộng trả mẹ tôi tất cả thư từ của hai người và xé những bài hát cha tôi tặng”.

Câu chuyện tình ấy kết thúc và để lại cho nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nhiều đau đớn và một loạt bài hát hay nhất của ông ra đời trong giai đoạn này, từ Tà áo xanh cho đến Gửi người em gái, Lá thư cuối cùng, Lá đổ muôn chiều…

Thanh Hằng sau đó cũng “biến mất”. Nhiều người bảo bà di cư vào Nam và sau đó lại xuất hiện trong ca khúc Gửi người em gái miền Nam của Đoàn Chuẩn. Nhưng kỳ thực không phải. Thanh Hằng sau đó, trở thành Lê Hằng (1956), lập gia đình rồi vào Đội Văn công của Sư đoàn 312, đến năm 1957 bà về Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc (nay là Đoàn Nghệ thuật Quân khu 1). Bà là giọng hát chủ lực của đoàn và rất nổi tiếng với bài hát Trước ngày hội bắn, Nguyễn Văn Trỗi...

Đến bây giờ, gần 60 năm sau, cuộc tình giữa Đoàn Chuẩn và Lê Hằng rất lãng mạn nhưng không đơm hoa kết trái. Chỉ còn mỗi Tà áo xanh vẫn còn xanh thẳm, hát lên câu chuyện thật của cuộc tình, một chuyện tình cảm động và đầy tiếc nuối.

Dù nổi tiếng đào hoa nhưng cả cuộc đời mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chỉ gắn bó lâu dài với người vợ duy nhất. Sinh thời bà Nguyễn Thị Xuyên, vợ ông, từng nói: “Ông lãng mạn, đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được bài hát hay thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng”.

 

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm