Xem kịch hình sự trên sân khấu hẹp

29/11/2012 14:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vở kịch Kẻ mạo danh (KB: Thanh Lâm, ĐD: Tuyết Mai) đang diễn tại cà phê Bệt (57A Tú Xương, Q.3, TP.HCM) với sự tròn trịa đáng yêu. Câu chuyện không có gì mới, nhưng cách kể vẫn đủ sức hấp dẫn, do biết pha trộn chất căng thẳng và tính hài hước.

Lấy cảm hứng xa xôi từ điển tích “trộm long tráo phụng”, hay gần đây nhất là phim Hoàng đế giả mạo của Hàn Quốc, mà thắt nút của câu chuyện luôn theo kiểu có một người giả đang tìm cách đóng vai một người thật, để tất cả các éo le, gay cấn, hài hước sẽ sinh ra từ đây.

Trong Kẻ mạo danh là chuyện Nam được người quản gia thuê để đóng giả vai Quốc - một công tử nhà giàu bị tai nạn qua đời tại Mỹ, vì cả hai giống nhau như đúc - với ý đồ chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng cái kết lại hoàn toàn khác, tạo được bất ngờ, ý vị.

1. Dựng vở đậm chất “hình sự” tại sân khấu hẹp, nơi mà khoảng cách giữa diễn viên và khán giả có khi chỉ 10cm, đôi lúc chạm vào nhau, để tạo được sự căng thẳng là rất khó. Với bản lĩnh và kinh nghiệm, các diễn viên như Quốc Thịnh, Lương Duyên, Công Danh đã “chiến thắng” được hoàn cảnh để đưa khán giả vào cuộc phiêu lưu lôi cuốn và hài hước của mình. Đặc biệt, Quốc Thịnh xứng đáng là “diễn viên bán vé” của cà phê Bệt, bởi phần đông khán giả gọi điện đến đây đều hỏi: “Vở có vui không? có Quốc Thịnh không?”.

Cảnh trong vở Kẻ mạo danh.

Thế nhưng, Kẻ mạo danh không chỉ có hài hước, vì nó đã lồng ghép để phác họa được một khía cạnh xấu của đời sống, nơi đồng tiền bóp méo nhân phẩm. Ngày nay, những trường hợp như quản gia Miên (người tạo nên cuộc giả danh) đã không còn là chuyện khó gặp, họ bất chất mọi thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của người khác, dù họ luôn biết lòng tham, cái ác thì lúc nào cũng phải trả giá rất đắt, không sớm thì muộn.

2. Điểm sáng và cũng là sự phát hiện của vở này là vai Cúc do Đỗ Thúy - diễn viên trẻ mới ra trường - đóng. Không đẹp theo hình mẫu chân dài hay hotgirl ngày nay, nhưng gương mặt sáng của Đỗ Thúy “ăn đèn sân khấu”, khá có duyên.

Rất mong Đỗ Thúy sẽ “giữ” được mình và tự rèn luyện để đi xa hơn trong cái nghề sân khấu cực nhọc mà ít vinh quang này, bởi không khéo, rất dễ bị những cám dỗ của chạy show (ví dụ phim truyền hình) làm mất sắc, vóc và gần như bỏ nghề mà mình đã từng mơ ước.

Cuối cùng, trong vai trò đạo diễn, Tuyết Mai ngày càng tỏ ra cứng nghề hơn khi đã gói ghém và giấu được bí mật của câu chuyện đến phút cuối. Riêng vai trò diễn viên (đóng vai bà chủ trong vở này), Tuyết Mai chỉ mới phác họa được thân phận, mà chưa đi vào cốt cách, nên bị các nhân vật khác “lấn lướt”.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm