Vụ 'Đạm Tiên là con trai': Vì Nguyễn Du đành 'trảm' Truyện Kiều

25/11/2015 06:19 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, “lẩy Kiều”: “Trăm năm Kiều vẫn là Kiều/ In đi in lại là điều tất nhiên”. Nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc, cho biết : “Từ ngày có truyện Thúy Kiều đến nay, ít nhất có 40 bản in khác nhau. Nên thêm một bản in mới về Truyện Kiều cũng góp phần làm phong phú thêm danh tác này của Việt Nam”.

Sáng 24/11, ông Nguyễn Minh Nhựt, GS Trần Đình Sử (Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam), PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam) đã có buổi họp báo tại TP HCM và ra mắt ấn bản Truyện Kiều hướng đến kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du. Đây là ấn bản từng “dậy sóng” giới học thuật và dư luận hồi tháng 8/2015 vừa rồi.

Truyện Kiều có nhiều “dị bản”

Tháng 8/2015, Thể thao & Văn hóa có phản ánh, nhân vật Đạm Tiên trong Truyện Kiềucủa đại thi hào Nguyễn Du do Hội Kiều học Việt Nam và NXB Trẻ ấn hành được chú thích là “con trai”. Trong khi những ai từng học Truyện Kiều trong sách giáo khoa đều biết Đạm Tiên là nữ giới.

Ấn bản Truyện Kiều khi đó do NXB Trẻ và Hội Kiều học Việt Nam in, phát nội bộ khoảng 500 cuốn cho quan khách trong một hội thảo nhân dịp 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du, PGS.TS Đoàn Lê Giang (ĐH.KHXH&NV TP.HCM) phát hiện ở trang 29 phần chú thích cho câu thơ: “Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi”. Phần chú thích này ghi: “Ca nhi: Tống thư có câu “ca nhi, vũ nữ” (con trai hát, con gái múa)”. TS Đoàn Lê Giang nói: “Đọc chú thích này tôi mới hiểu hóa ra Đạm Tiên nàng ấy xưa là “con trai hát”.


Từ trái sang: Nhà thơ Lê Minh Quốc, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, GS Trần Đình Sử và ông Nguyễn Minh Nhựt tại buổi ra mắt Truyện Kiều – bản của Hội Kiều học Việt Nam và NXB Trẻ

Truyện Kiều bản chữ Nôm của thi hào Nguyễn Du đã mất bản gốc, các bản sau này được phổ biến bằng chữ Quốc ngữ mà đại đa số biết đến, như: Truyện Kiều qua bản của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim in năm lần đầu 1925; hay bản Truyện Kiều của Đào Duy Anh do NXB Văn học in năm 1965 được giảng dạy trong nhà trường ở miền Bắc.

Mỗi bản Truyện Kiều thường đi kèm với chú giải và phụ thuộc vào kiến thức của những người biên soạn. TS Đoàn Lê Giang, cho biết: “Truyện Kiều chữ Quốc ngữ của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, hay bản của Đào Duy Anh chú thích từ chữ Nôm cổ, tôi cứ nhớ mãi những câu thơ tuyệt tác: “Gió chiều như giục cơn sầu/ Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu; hay: Thâm nghiêm kín cổng cao tường/ Cạn dòng lá thắm tuyệt đường chim xanh. Thế nhưng tình cờ giở mấy trang bản Kiều này lại viết “vi lô” thành “vi lau”; “thâm nghiêm” thành “thẳm nghiêm”. “Chữ “vi lau” được dùng trong một số bản Truyện Kiều của một vài tác giả, chữ “thẳm nghiêm” được dùng trong bản Truyện Kiều của Tản Đà. Truyện Kiều chữ Quốc ngữ còn có bản của Trần Bích San.

“Trảm” Kiều vì Nguyễn Du

Như nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều cho biết, do bản gốc Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du gần như không còn, nên các bản Truyện Kiều bằng chữ Quốc ngữ hiện nay đều do các học giả, nhà nghiên cứu danh tác này phổ biến lại.

Trong hơn 40 bản Truyện Kiều khác nhau, số chữ trong các bản không giống nhau lên đến cả ngàn từ. Mà, với một tuyệt tác như Truyện Kiều, trong một câu chỉ cần khác một chữ thì ý nghĩa của câu, thậm chí cả đoạn cũng được hiểu theo một nghĩa, một mỹ cảm khác. Bản Truyện Kiều in lần này của NXB Trẻ và Hội Kiều học Việt Nam có hơn 400 từ khác với các bản trước đây.


"Truyện Kiều" của Nguyễn Du qua bản mới nhất do Hội Kiều học Việt Nam và NXB Trẻ ấn hành

Bản Truyện Kiều được Hội Kiều học Việt Nam in tháng 8/2015 do Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam là PGS Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, qua đời ngày 17/6/2015) chủ trì.

Theo GS Trần Đình Sử, sự ra đi đột ngột của GS Nguyễn Văn Hoàn khi bản Truyện Kiều này đang chuẩn bị ấn hành, nên không có người chăm sóc bản thảo đến phút chót, do đó dẫn đến một số lỗi đáng tiếc như dư luận phát hiện.

Với các lỗi như thế, nếu chỉ cần làm một tờ “đính chính” kẹp vào sách, thì Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam vẫn “ngang nhiên” đến với tay người đọc. Nhưng vì đại thi hào Nguyễn Du, nhất là 250 năm ngày sinh cụ Tiên Điền, NXB Trẻ quyết định tiêu hủy toàn bộ 1.000 ấn bản và gửi thư xin thu hồi 500 bản Truyện Kiều đã in hồi tháng 8/2015 đã phát tại hội thảo cụ Nguyễn Du; đồng thời in 2.000 ấn bản Truyện Kiều mới sau khi chỉnh sửa, đọc dò thật kỹ lưỡng trong tháng 11/2015 này.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, cho biết: “Để an toàn và kiếm lợi nhuận từ Truyện Kiều, như nhiều đơn vị khác đã làm, chúng tôi chỉ cần in lại bản Truyện Kiều của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim hay của Đào Duy Anh. Nhưng chúng tôi in bản Truyện Kiều này do Hội Kiều học Việt Nam biên soạn, chú giải, chúng tôi mong muốn góp thêm một bản Truyện Kiều vì sự phong phú của tuyệt tác này nói riêng và của tiếng Việt nói chung”.

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm