Vĩnh biệt 'phù thủy hóa trang' Dick Smith

02/08/2014 07:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi giải Oscar hóa trang năm 1985 được trao cho nghệ sĩ huyền thoại Dick Smith nhờ biến tài tử Murray Abraham mới 45 tuổi thành một ông già trong phim Amadeus, giới điện ảnh bình luận: “Sao muộn màng quá vậy?”.

Họ nói thế còn bởi tài năng của Dick Smith đã được giới trong nghề công nhận từ hơn 10 năm trước đó. Amadeus không phải là tác phẩm có những màn hóa trang ấn tượng nhất của ông, mà là các phim kinh điển The Exorcist, Taxi DriverThe Godfather.

Dick Smith qua đời tại Los Angeles ngày 30/7 ở tuổi 92.

Nghệ sĩ vĩ đại sẵn sàng chia sẻ mọi bí quyết

Ngày nay, chuyên gia hóa trang Greg Nicotero của loạt phim truyền hình về các xác sống The Walking Dead vẫn sử dụng công thức của Smith, được tạo ra từ nhiều thập niên trước để tạo máu giả, bởi công thức đó vô cùng chuẩn mực. Trong nghề hóa trang điện ảnh, Smith là siêu bậc thầy, người nắm giữ những kỹ thuật hóa trang đặc biệt nhất và không ngại chia sẻ với đồng nghiệp.

Theo Chicago Tribune, Dick Smith bắt đầu gây tiếng vang từ thập niên 70 khi ông biến tài tử Dustin Hoffman hơn 30 tuổi thành một ông lão 120 tuổi trong phim Little Big Man. Ông còn biến nữ diễn viên 14 tuổi Linda Blair thành một con quỷ rùng rợn trong The Exorcist.


Nghệ sĩ Dick Smith và tác phẩm nổi tiếng của ông, “cô bé quỷ” trong The Exorcist

Hollywood sớm ngả mũ trước tài năng của Smith, đến nỗi khi ông được vinh danh với giải Oscar đầu tiên năm 1985, người ta ngạc nhiên vì quá muộn màng.

Năm 2011, Oscar tiếp tục tôn vinh Smith bằng một giải danh dự. Khi đó, Rick Baker, một nghệ sĩ hóa trang tài năng của Hollywood và là học trò của Smith, từng gọi ông là “nghệ sĩ hóa trang vĩ đại nhất mọi thời”, công nhận vai trò tiên phong của Smith trong nghệ thuật hóa trang điện ảnh.

“Với mọi nghệ sĩ hóa trang, ông là người thầy, một biểu tượng mà chúng tôi luôn tôn kính” – Susan Cabral-Ebert, chủ tịch Hội nghệ sĩ hóa trang và làm tóc ở Los Angeles, nói - “Ông có một tinh thần rất hào phóng, luôn chia sẻ những bí quyết nhỏ nhất mình biết với mọi nghệ sĩ hóa trang, dù dó là người xuất thân từ một ngôi làng ở Ấn Độ hay những đã được công nhận tài năng tầm quốc tế”.

Rùng rợn và đáng nhớ

Cống hiến của Smith trong The Exorcist rất đáng chú ý, là một bước ngoặt trong chính sự nghiệp của ông. Với bộ phim này, ông đã chứng minh “hóa trang không chỉ là khiến người ta trông đáng sợ hay già đi, mà còn thêm được những sắc thái khác”, như nhận xét của người học trò Baker với tờ Washington Post năm 2007. Baker là trợ lý của Smith trong phim này.

Để hiểu sức mạnh của nghệ thuật hóa trang trong điện ảnh, nên biết câu chuyện này: sau khi Dick Smith biến Laurence Olivier thành bệnh nhân hủi trong phim truyền hình The Moon and Sixpence, tài tử huyền thoại nhìn vào gương và nói: “Dick, ông đã làm luôn cả phần diễn xuất thay tôi”.
Cảnh rùng rợn nổi tiếng bậc nhất trong The Exorcist là khi đầu của cô bé Regan (Linda Blair đóng) xoay quanh cổ, với gương mặt dính đầy máu. Smith là “thầy phủ thủy” đứng đằng sau cảnh này khi ông đã thiết kế ra một hình nộm máy trông giống hệt Blair. Trong phim, Smith cũng tạo ra một cảnh nôn mửa ấn tượng nhất mọi thời.

Trong Little Big Man, Smith đã đi tiên phong khi dùng những tấm mặt nạ một lớp dán lên mặt Dustin Hoffman, tạo cho tài tử một gương mặt cực kỳ già cỗi. Điều quan trọng là ông đã cặm cụi dán riêng từng phần của mặt nạ - mũi, cằm và cổ - để diễn viên có thể chuyển động cơ mặt và biểu cảm bình thường.

Kỹ thuật hóa trang này vẫn được dùng trong điện ảnh đến tận ngày hôm nay vì hiệu quả và độ chân thực không thể phủ nhận.

Với Amadeus, bộ phim giúp Smith đoạt giải Oscar, trình độ hóa trang đã đạt tầm thượng thừa. Phiên bản già cỗi của Abraham trong vai nhà soạn nhạc Antonio Salieri khi về già, được chính Smith thừa nhận là màn hóa trang già xuất sắc nhất của ông. “Duy nhất chiếc mũi của Abraham không phải là cao su” – ông tiết lộ sau này.

Dick Smith tốt nghiệp Đại học Yale năm 1943. Khi đó ông bắt đầu có ý muốn theo nghề hóa trang, nhưng không cân nhắc nghiêm túc dự định này. Sau khi tham gia quân đội trong Thế chiến thứ 2, sự tàn khốc của cuộc chiến khiến Smith phải tự hỏi rằng ông thực sự muốn làm điều gì trong đời. Kết quả Smith chọn hóa trang, một bước rẽ cuộc đời đã biến ông thành huyền thoại.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm