Vì sao 1/2 tân học sinh “bỏ” Trường Xiếc VN?

24/10/2012 13:31 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Từ 2.500 thí sinh trên toàn quốc, đơn vị đào tạo này chỉ tuyển được 33 học sinh cho khóa học 2012-2016. Nhưng, tới khi khai giảng, có tới già nửa trong số đó lại... bỏ cuộc vì những lý do đặc biệt.

Cụ thể, ngay từ khi trúng tuyển, 11/33 học sinh này từ chối đăng kí nhập học, dù đã được nhà trường tìm tới để động viên. Tiếp đó, khi khóa học 2012 bắt đầu vào tháng 9 (kéo dài 5 năm), thêm 6 học sinh khác lục tục rút lui khỏi Trường, dù chưa tìm được nơi học nghề khác.

Chưa từng có tiền lệ

Hiện, trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và tạp kĩ VN (Trường Xiếc VN) là đơn vị đào tạo chính thức duy nhất tại phía Bắc cho chuyên ngành nghệ thuật này. Theo đó, mỗi năm, các học sinh của trường được tuyển từ độ tuổi tối đa 12 và học trong 5 năm để lấy bằng trung cấp. (Một số ít được tuyển ở tuổi tối đa 15 để đào tạo riêng cho nhóm các tiết mục đế trụ).



Học sinh Trường Xiếc VN biểu diễn trong Tuần văn hóa VN tại Campuchia (10/2012).

“Ở độ tuổi 11, hệ xương của các em vẫn đang phát triển và có đủ độ dẻo để tiếp cận với những kĩ thuật đặc thù của xiếc. Tuy nhiên, đi vào tập luyện chuyên sâu, nhiều học sinh mới bộc lộ những điểm yếu tiềm ẩn về xương, nhịp tim, tiền đình...và không thể theo đuổi môn nghệ thuật này” - Hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh cho biết. Theo lời ông, dù có tính rủi ro cao trong đào tạo, nhưng hiện tại nghề xiếc lại được đãi ngộ chưa xứng đáng. Do đó, việc tuyển sinh của trường xiếc là vô cùng khó khăn.

Thông thường, quá trình tuyển sinh của trường thường diễn ra khoảng 5 tháng mỗi năm, và chủ yếu lấy từ nguồn con em nông dân ở vùng sâu vùng xa. Cũng do sự khan hiếm ngay từ “đầu vào”, một số khóa học sinh gần đây đã được các đoàn xiếc công lập như Liên đoàn Xiêc VN, Đoàn xiếc HN, Đoàn xiếc TP. HCM nhận về toàn bộ sau khi khi tốt nghiệp. Bởi vậy, sau khi trúng tuyển, việc có tới một nửa số học sinh rút lui vừa là thiệt thòi lớn cho công tác đào tạo của trường, vừa là điều đáng tiếc cho tương lai của các em.

Cũng cần nói thêm, tình trạng bỏ học cũng từng lác đác xuất hiện trong những khóa đào tạo trước đây tại Trường Xiếc VN. Theo lời các giảng viên, sau khi học hết năm đầu tiên và nắm được ít nhiều kĩ thuật cơ bản về hình thể, một vài học sinh của trường lập tức chuyển sang... thi vào trường Trung cấp Múa VN. Một số khác, ở những năm học cao hơn, cũng bỏ trường để tham gia vào những gánh xiếc rong và tạp kỹ. Tuy nhiên, việc học sinh cùng lúc rút lui với số lượng lớn theo cách này là điều chưa có tiền lệ.

Vẫn nhận lại học sinh “bỏ cuộc”

Ông Khánh thẳng thẳn thừa nhận: “Bên cạnh những khó khăn khách quan, chuyện đáng tiếc trên còn đến từ những “phá rối” ngay trong nội bộ nhà trường”. Theo lời ông, trước khi nhập học, nhiều học sinh trúng tuyển vào khóa học năm nay đã bất ngờ được một số cá nhân chủ động liên hệ để cung cấp các thông tin bóp méo về trường.

“Chủ yếu, họ nói về chuyện trường Xiếc có nhiều tiêu cực, học sinh bị ăn chặn quần áo, giày tất tập luyện hoặc học xong thì không thể có bằng tốt nghiệp...” - ông Khánh nói. 

Được biết, trong năm 2011 và 2012, một số cán bộ của Trường Xiếc VN đã gửi đơn tới tố cáo tới các cơ quan chức năng về một số sai phạm tại đơn vị đào tạo này. Tuy nhiên, theo công văn trả lời của Bộ VH,TT&DL đề ngày 21/5 (và được ông Khánh cung cấp cho PV),  ngoài một số khoản thu chi chưa được hạch toán đúng nguyên tắc, “hầu hết các nội dung tố cáo là không đúng sự thật hoặc không có căn cứ”.

Riêng về bằng tốt nghiệp, ông Khánh khẳng định, theo Luật Giáo dục, học sinh chỉ được cung cấp bằng tốt nghiệp tại một trường Trung cấp khi đã có bằng tốt nghiệp văn hóa cấp Trung học Phổ thông. Trong khi đó, do đặc thù đào tạo, rất nhiều học sinh nhập trường ở tuổi 11 và tốt nghiệp năm 16 tuổi nên chưa thể học xong Bổ túc văn hóa ở bậc Trung học Phổ thông. Do vậy, các học sinh thường phải “nợ” bằng Trung cấp của trường Xiếc VN cho tới khi lấy được tấm bằng văn hóa này.

“Tôi khẳng định, dù với lý do gì, việc cố tình cản trở quá trình học của các em học sinh là điều không thể chấp nhận” - ông Khánh thẳng thắn. Cũng theo lời ông, Trường Xiếc VN vẫn sẽ nhận lại và tạo điều kiện cho số học sinh đã “bỏ cuộc” có thể theo kịp chương trình vừa khai giảng vào tháng 9/2012.

Chiêu Minh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm