Từ ngôn ngữ bóng đá đến 'rác' ca từ

09/07/2014 08:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một cuộc “đối thoại bằng thơ” độc đáo có lẽ chỉ có ở mùa World Cup.

PGS-TS ngôn ngữ Phạm Văn Tình hiện đang công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam là một người yêu bóng đá. Bài thơ đầu tiên ông viết về bóng đá (Hát về trái bóng da) tính đến nay đã được gần 30 tuổi, chính xác là từ Mexico ’86. Cũng từ Mexico ’86 cho đến nay, nhà ngôn ngữ này đã lưu giữ trong thư phòng của mình tất cả các số Tin nhanh World Cup Tin nhanh EURO do TTXVN và báo TT&VH phát hành. Ông cũng là người đưa ra sáng kiến ra tờ Tin nhanh Bóng đá, phát hành gần 500 bản/lần vào dịp Viện Từ điển học tổ chức giải thi đấu bóng đá hàng năm. Ông tự viết bài, tự phỏng vấn, tự bình luận và tự mình cùng với anh em dàn trang… rồi cũng tự “phát hành”. Ông cũng từng ở trong hội đồng phản biện hai luận văn cao học về ngôn ngữ bóng đá và cả hai luận văn này đều đã được tác giả bảo vệ thành công.

PGS-TS Phạm Văn Tình

PGS-TS Phạm Văn Tình

Ngoài chuyên môn, PGS-TS Phạm Văn Tình có rất nhiều tài lẻ, trong đó có tài làm thơ về bóng đá. Kể từ Mexico ’86, ông đã sáng taác được hơn 100 bài, được chọn in đều đặn trong “vườn thơ bóng đá” của báo Thể thao & Văn hóa và một số báo khác. Ông vẫn nuôi dự định là sẽ tập hợp những “thi phẩm bóng đá” của mình để in thành tập, tặng bạn bè và “ghi bàn” vào lòng công chúng.

* Chính xác là bao nhiêu năm/Ông lấy bóng đá ươm mầm cho thơ/Phải chăng từ Cúp Tiger/Hồi năm chín tám đến giờ hay không?

- Đúng ra từ Mexico (Mexico ’86)/Tôi đã “tấp tểnh” làm thơ bóng tròn/Gánh cực đem đổ lên non/Tôi đây gửi gắm vui buồn vào thơ/Sau này đến Cúp “Tai-gơ” (Tiger)/Việt Nam thắng Thái bây giờ chưa quên/Xem xong là có thơ liền...

* Ngôn ngữ của trái bóng tròn/Bây giờ ông thấy có còn như xưa/Hay cũng giống ngôn ngữ thơ/Vừa hiện đại, vừa kế thừa… vừa phiêu?

- Qua ba thế kỷ thăng trầm/Trái bóng tròn giữa tháng năm vẫn tròn/Tiếng Việt cũng đã giàu hơn/Dù rằng đôi lúc vẫn còn... lung tung/Chừng nào trái bóng chưa dừng/Nhân gian còn phải “đắng lòng” vì yêu/Có thăng hoa và có... phiêu/Cuối cùng cái đẹp vẫn nhiều đấy anh!


“Bằng chứng” cho tình yêu của ông, tình với bóng đá, là bộ sưu tập những tờ Tin nhanh World Cup hoặc EURO từ năm 1986 đến nay do TTXVN và Thể thao & Văn hóa phát hành

* Văn hóa bóng đá xứ mình/Bị cho là kém văn minh… vì rằng/Cầu thủ bán độ, nợ nần/Rồi đủ thứ chuyện nhập nhằng không đâu/Còn ông, ông thấy thế nào?

- Tôi yêu bóng đá nước nhà/Vì yêu nhiều lúc quả là rất... đau/Cầu thủ bỏ bóng đá nhau/Trọng tài trông thấy cúi đầu bỏ qua/Đá ba bốn trận gọi là/Sắm xe, sắm cộ, sắm nhà, vi vu/Trái hồng chỉ chín mùa Thu/Không rèn, không luyện thì chưa thành tài/Cổ động viên chẳng giống ai/Đánh nhau, chửi tục, chê bai đủ điều/Lớn lên từ cảnh đói nghèo/Đừng nghe xúi giục chạy theo đồng tiền/Không gốc thì chẳng có bền/Xây nhà từ nóc chẳng nên cái gì...

* Gần đây các bình luận viên/Bị chê “chém gió” huyên thuyên, nửa mùa/Ông nghiên cứu về ngôn từ/Theo ông lỗi ấy là do cái gì?/Ông khen hay là ông chê?

- Có đi vào cuộc mới hay/Nói năng có lúc thế này thế kia/Có người khen, có người chê/Bình luận, có vị chẳng mê tí nào/Vung tay “chém gió” tầm phào/Mấy tên cầu thủ đọc sao thì tùy/Tiếng Việt trong sáng thế kia/“Vòng vo Tam Quốc”việc gì lôi thôi/Sân cỏ trước mắt mọi người/Trái bóng kia vốn ít lời mà anh.

* “Đá” sang “sân” của ngôn từ/Gần đây công chúng phát nhừ tử tai/Vì nhiều bài hát hiện nay/Lời lẽ dung tục chăng ai… tuýt còi/Tiếng Việt “nhem nhuốc” mất thôi? Tôi bi quan thế, ông thời nghĩ sao?

PGS-TS Phạm Văn Tình, sinh năm 1954 tại Nam Định. Ông từng công tác tại NXB Khoa học Xã hội, Viện Ngôn ngữ học và hiện nay là ủy viên BCH Hội Ngôn ngữ học VN, Phó tổng biên tập tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư. Ông đã công bố 13 cuốn sách, trong đó có chuyên luận Phép tỉnh lược và Ngữ trực thuộc tỉnh lược trong tiếng Việt (NXB Khoa học Xã hội, 2002).
- Tôi từng có một bài dài/“Ngôn từ ca khúc”đăng hai báo liền/Càng nghe nhạc, càng thấy phiền/Tại sao tiếng Việt lại nên thế này?/Cái gì hay sẽ mãi hay/Truyện Kiều ngày ấy đến nay (vẫn) tuyệt vời/Nhạc kia xuất phát từ lời/Ai đem tiếng tục cho đời đục thêm/Nhạc sĩ ơi, nghĩ lại xem/Mua vui một chốc chẳng nên chút nào/Lời tào lao, nhạc tào lao/Người làm sao, của chiêm bao thế mà!

* Ông bảo: Ngôn ngữ của trái bóng tròn/Giúp ông ngày một hiểu hơn cuộc đời/Ông nói thật, hay nói vui?

- Sân cỏ cũng như cuộc đời/Đã từng san sẻ cùng tôi bao điều/Cuộc đời buồn biết bao nhiêu/Không còn trái bóng sớm chiều vẫn bay/Điều dở cho chí điều hay/Một bàn thắng bởi chung tay bao người/Phải rơi bao giọt mồ hôi/Niềm vui thăm thẳm không lời sẻ chia/World Cup lại đến rồi kìa/Tứ thơ chưa cạn, cốc bia vẫn đầy.

* Cả đời mê bóng, say banh/Ông thích mỗi đội nước mình thôi sao?/World Cup ông thích đội nào?/Hay thích mỗi đội… lọt vào trong thơ?

- Tôi mê “vũ điệu Samba”/Như yêu đội bóng quê nhà Việt Nam/Đã yêu xin chớ có tham/Tôi “hai trong một” mới làm ra thơ/Trái bóng kia vốn bất ngờ/ Nhiều nỗi đau đến bây giờ còn đau/Bao người đã nhận ra nhau/Tình yêu lớn mãi mặc dầu nắng mưa/Trái bóng đời, trái bóng thơ/Vui riêng mình cũng vui cho... nhiều mình...

Hát về trái bóng

Chỉ một quả bóng thôi thế là thành thế trận
Anh ở bên kia và tôi ở bên này
Cái vạch vôi giữa sân thành đường biên hai thái cực
Trái đất bỗng ngừng khi quả bóng bay

Trái bóng bay lên mang theo hai thế kỷ (1)
Qua những cuộc thập tự chinh và những phát minh
Những chân trời mở ra và khép lại...
Nhưng quả bóng vẫn bay, bay đến hết mình

Và lại bắt đầu đường chuyền thứ nhất
Vũ điệu sam ba hát khúc khải hoàn
Một nửa địa cầu rung lên theo tiếng nhạc
Người khóc người cười theo một đường ban

Một trăm triệu người Brazil không ngủ
Hãy để sang một bên bao gian khó nhọc nhằn
Trái bóng - Mặt trời - Vị cà phê cháy bỏng
Họ uống mừng nhau - mừng những anh hùng

Nhưng bóng đã bay sang bên này lục địa
Mười một con người bảo vệ cả châu Âu
Mười một con người có thể vào truyền thuyết
Và quả bóng da như có phép nhiệm màu

Trái bóng vẫn bay... cái vạch vôi giới hạn
Năm mươi mét thôi là tới khung thành
Năm mươi mét bên này - đó là Tổ quốc!
Tổ quốc hình cầu trong trái tim anh

Trái bóng vẫn cứ lăn rõ ràng trên sân cỏ
Rất vô tư, không thiên vị dối lừa...
Giọt nước mắt và nụ cười, tất cả đều chân thực
Nỗi đau lòng và những ước mơ...

Thảm cỏ xanh, bầu trời xanh như cỏ
Trái bóng bay lên, chấm-sáng-hòa-bình
Mexico đêm nay cả loài người không ngủ
Cả loài người thức dậy trước bình minh...

(Viết nhân Mundial Mexico ‘86)
Phạm Văn Tình

Huy Thông (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm