Tự họa: vẽ mình, vẽ thời đại

15/09/2012 09:10 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Việc giải thưởng tranh chân dung tự họa Dogma bước sang năm thứ hai và trở thành giải thường niên đã tạo ra một sân chơi mới cho các họa sĩ Việt Nam. Tự họa, là thể loại gây tò mò và thách thức, đòi hỏi "can đảm và trung thực".

Giải thưởng Dogma năm nay thu hút hơn 300 bức tranh dự thi, có 46 bức vào chung kết. Giải được trao chiều 14/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội. Chung cuộc, họa sĩ Ngô Văn Sắc đoạt giải Dogma trị giá 120 triệu đồng, 4 họa sĩ Phạm Tuấn Tú, Phạm Quang Hiếu, Đỗ Thế Thịnh và Đặng Xuân Hùng đoạt giải đặc biệt trị giá 20 triệu đồng.

46 tác phẩm vào chung kết được trưng bày trong triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội từ 14 đến 30/9.

Bức tranh đoạt giải của Ngô Văn Sắc được vẽ bằng cách độc đáo là đốt trên gỗ tự nhiên, những vân gỗ hiển hiện cũng là một phần của bức tranh, bên cạnh những gương mặt người.

Còn bức vẽ chính mình khỏa thân ngồi thiền trên bồn cầu của Phạm Quang Hiếu gây ấn tượng với khách xem triển lãm, với ý tưởng sáng rõ về sự tương phản giữa thanh cao - nhơ bẩn và yếu tố tục đập vào mắt người xem. Phạm Tuấn Tú với bức tranh người đàn ông trong bộ đồ lót ren của nữ giới cũng đem đến một trải nghiệm thị giác lạ lẫm.

Họa sĩ Ngô Văn Sắc nhận giải Dogma từ ông Dominic Scriven, Trưởng BTC. Ảnh: Hạ Huyền

Thách thức “tự vạch trần” chính mình

Hai tiêu chí "can đảm và trung thực" là chữ dùng của nhà sưu tầm tranh người Anh Dominic Scriven, một trong hai nhân vật chủ chốt đứng ra tổ chức cuộc thi, cùng với họa sĩ Richard San Marzano, người Italia. Ông Scriven cho rằng, vẽ tranh tự họa là quá trình "chất vấn nội tâm" và "thể hiện bản thân" của người họa sĩ. Vẫn biết mỗi tác phẩm đều góp phần vạch trần nội tâm người sáng tác, nhưng với tranh tự họa, điều này thể hiện rõ rệt hơn.

Tự họa là một thể loại có tiềm năng biểu cảm lớn và cũng rất thách thức đối với mọi họa sĩ. Trong lịch sử hội họa, các tác phẩm tự họa có một vị trí đặc biệt, mang nhiều dấu ấn của cả cá nhân và thời đại. Họa sĩ vẽ tự họa mô tả chính mình, nhưng trong bối cảnh thời đại họ sống. Đồng thời, sau khi trải qua một thời gian dài, dấu ấn thời đại của tác phẩm lại mờ nhạt đi, thay vào đó là một thời đại ảo do người xem tưởng tượng, khiến tranh tự họa luôn kích thích trí tò mò.

Theo bà Mã Thanh Cao - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, thành viên ban giám khảo - thể loại tranh tự họa xuất hiện ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, nhưng không nhiều người vẽ. Vì đây là thể loại hướng đến cái tôi, nghệ sĩ chỉ có thể sáng tác khi đạt được ý thức cao về cái tôi cá nhân.

Với người sáng tác, khi vẽ người khác thì phải tóm được cái thần thái của người mẫu, còn khi vẽ chính mình thì phải hiểu chính mình, đó là một lợi thế, song cũng không đơn giản vì đòi hỏi khả năng bộc lộ mình. Bộc lộ bản thân minh theo đúng ý mình và hấp dẫn về nghệ thuật, nhiều khi cũng là một năng lực khó ai có được.

Điêu khắc tự họa của Đỗ Thế Thịnh. Ảnh: Hạ Huyền

Tự họa - thể loại đáp ứng được nhu cầu của nghệ sĩ

Có họa sĩ chọn vẽ mình bằng cách tả thực, phô bày không chỉ gương mặt, ánh mắt mà còn cả thân hình, khỏa thân hoặc bán khỏa thân. Có họa sĩ trừu tượng hóa qua các hình thù, hình khối.

Còn bà Phạm Thị Như Quỳnh - họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật kiêm Giám Đốc phòng trưng bày Quỳnh - nhận định: "Các tác phẩm cho thấy người nghệ sĩ trong những khoảnh khắc mơ mộng, khám phá, yếu đuối, quyền lực, lãnh cảm, đau đớn và sợ hãi". Theo bà Quỳnh, một vài tác phẩm dự thi rất thú vị khi dùng các chất liệu như sơn mài, khắc gỗ, nhiếp ảnh để tự họa, bên cạnh đa số tác phẩm dùng chất liệu truyền thống - vẽ sơn dầu trên vải bố.

"Quá trình thưởng thức những tác phẩm lọt vào chung kết giải Dogma 2012 là một trải nghiệm đa dạng. Từ tác phẩm đẹp đến tác phẩm gây ám ảnh; tác phẩm thú vị đến tác phẩm chứa đựng những chấn thương; tác phẩm hoài niệm đến những tác phẩm dựa vào truyền thống" -  họa sĩ Richard San Marzano nhận xét.

"Chân dung tự họa được người nghệ sĩ tạo ra như một cách tinh nghịch và hóm hỉnh để xỏ mũi giai cấp trưởng giả hoặc để châm biếm. Những thách thức trong các tác phẩm tự họa luôn gây tò mò", theo lời ông Marzano.

Tổ chức hẳn một giải thưởng riêng dành cho tranh tự họa, những người thực hiện hiểu rõ rằng, giải thưởng phục vụ cho nhu cầu thể hiện bản thân, từ đó phản ánh được xã hội - một nhu cầu lớn và đáng khích lệ của nghệ sĩ.

Hạ Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm