Truyện tranh lịch sử 'Long Thần Tướng' dán nhãn 15+

25/10/2014 09:05 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Nhóm Phong Dương Comic dán nhãn 15+ để khẳng định “Long Thần Tướng” là truyện tranh dành cho thiếu niên và người lớn. Với lịch sử, văn hóa, trang phục, đời sống... của người Việt thế kỷ 13, bộ truyện có gì để mong chờ?

10 năm trước, truyện tranh dài kỳ Long Thần Tướng bản 2004 được đăng trên tạp chí Truyện Tranh Trẻ. Dự án còn dang dở. Năm 2014, nhóm tác giả đưa Long Thần Tướng trở lại với “da thịt” mới. Dự án được quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội từ đầu năm 2014, được kêu gọi góp vốn cộng đồng quy mô lớn. Có thể nói đây là truyện tranh đáng chú ý nhất 2014.

Hoàn thành cuối tháng 10, tập một sẽ ra mắt tại Hà Nội sáng 1/11 và tại TP HCM sáng 2/11.

Dán nhãn 15+ để độc giả tránh mua nhầm

“Chúng tôi đề trên bìa tập một là “Truyện tranh dành cho lứa tuổi 15” vì đã xác định trước đối tượng độc giả” – biên kịch Khánh Dương, thành viên Phong Dương Comic, cho biết. “Nhiều người nghĩ truyện tranh dành cho trẻ con nhưng không phải. Với phong cách của Long Thần Tướng, độc giả 10-15 tuổi sẽ khó mà hiểu được. Dán nhãn 15+ sẽ giúp độc giả tránh mua nhầm”.

Long Thần Tướng lấy bối cảnh nước Đại Việt năm 1284, cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai của nhà Trần. Nhân vật chính là Long, người có vai trò quan trọng trong chiến thắng này. Long là sản phẩm hư cấu của Phong Dương Comic, cùng các nhân vật phụ Lan, Kiên, Chóe, Lê Hán... Trong bản 2004, Long là con của thần linh; còn trong bản 2014, cậu là người dân bình thường, nghèo khổ, xuất thân bí ẩn.


Bìa và trang trong của truyện tranh “Long Thần Tướng”

Long Thần Tướng đề cập đến một thời đại xuất hiện những nhân vật lịch sử như Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản... nhưng nhóm tác giả để ngỏ khả năng các nhân vật này sẽ xuất hiện trong bộ truyện.

Truyện có 2 tuyến: quá khứ và hiện đại, lần lượt do họa sĩ Thành Phong và Mỹ Anh đảm nhận, còn còn Khánh Dương soạn kịch bản chung. Tuyến hiện đại sẽ kết hợp nhuần nhuyễn với tuyến lịch sử. Sản phẩm khi hoàn thành là kết quả của hàng chục cuộc thảo luận, trao đổi.

“Chúng ta đều biết Đại Việt đã thắng quân Nguyên Mông, đạo quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, nhưng những gì ghi trong chính sử không đủ để giải thích tại sao” – Thành Phong nói về lý do anh và Khánh Dương bắt tay vào sáng tác Long Thần Tướng từ cách đây 10 năm.

“Chất Việt” được tạo hình mới

Dù có liên quan đến lịch sử nhưng truyện tập trung vào các nhân vật hư cấu hơn là những nhân vật có thật. “Chúng tôi không có ý định kể cho độc giả những gì họ đã biết. Truyện không chỉ kể lại câu chuyện lịch sử về chiến thắng của nhà Trần trước quân Nguyên Mông, mà còn đưa ra một hình dung chân thực về văn hóa, trang phục, đời sống của người Việt xưa” – Khánh Dương nói.

Để đạt tiêu chí “chân thực”, nhóm đồng hành với nhà nghiên cứu lịch sử Trần Quang Đức (tác giả cuốn nghiên cứu Ngàn năm áo mũ). Khó khăn là các sử liệu về đời sống thời Lý Trần không còn nhiều, nhưng nhóm cố gắng để các yếu tố sáng tạo đều có căn cứ lịch sử.

“Ở thời Trần, người Việt cởi trần, đóng khố, xăm mình, điều này có thể sẽ lạ lẫm với phần lớn độc giả” – Khánh Dương cho biết. Còn Thành Phong khẳng định: “Tất cả nhân vật thời quá khứ sẽ có răng đen”.

Khi hỏi về “chất Việt”, đặc biệt phần tranh vẽ, cả 2 họa sĩ Thành Phong lẫn Mỹ Anh đều nói đó không phải tiêu chí quan trọng với họ. Với bộ truyện này, cả hai đều áp dụng những lối tạo hình mới so với truyện tranh Việt Nam lâu nay, thậm chí mới so với chính họ.

Thành Phong chia sẻ: “Tôi nghĩ khái niệm chất Việt không quyết định độ hấp dẫn của bộ truyện. Chỉ khi nội dung truyện không đủ sức cuốn độc giả vào thế giới của nó, độc giả mới bị phân tán bởi những yếu tố hình ảnh. Vậy điểm mấu chốt ở đây là truyện phải hấp dẫn”.

Câu trả lời sẽ có sau ngày 1/11 tới.

(Còn tiếp)

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm