Triển lãm nghệ thuật hay nhất năm 2012: Cú sốc văn hóa từ tranh chân dung

23/12/2012 08:46 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lucian Freud, cháu của nhà phân tâm học Sigmund Freud, là họa sĩ Anh ưu tú nhất trong thời đại của ông. Qua đời năm 2011, ông không kịp chứng kiến hàng loạt tác phẩm của mình được tôn vinh qua hai triển lãm tại Anh và Mỹ trong năm 2012.

Việc họa sĩ người Anh gốc Đức Lucian Freud qua đời vào tháng 7/2011, giữa lúc đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm tại Anh mà ông tham gia lên kế hoạch ngay từ đầu, khiến giới nghệ thuật vô cùng tiếc nuối.


Họa sĩ Lucian Freud. Ảnh: AFP.

Triển lãm Tranh chân dung của Lucian Freud tại phòng tranh Chân dung Quốc gia ở London (Anh) được tờ Guardian bầu chọn là triển lãm nghệ thuật hay nhất trong năm. Sự tôn vinh tác phẩm của Freud trong năm 2012 nhắc người ta nhớ hai điều: tài năng sáng chói của họa sĩ này và sự thật đau buồn là sự nghiệp của ông, một trong những họa sĩ Anh vĩ đại nhất của thế kỷ trước, mãi mãi thuộc về quá khứ.

Triển lãm Tranh Lucian Freud tại phòng tranh Acquavella ở New York (Mỹ) hồi tháng 5, cũng là một sự kiện lớn của làng nghệ thuật Mỹ. Ngoài ra còn có triển lãm Chân dung và phim tài liệu Sự thật trần trụi tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Fort Worth tại Texas (Mỹ) từ tháng 7 đến tháng 10. Freud chuyên vẽ chân dung và cơ thể con người, đặc biệt rất nhiều tranh khỏa thân. Con người là chủ đề lớn trong sáng tác của ông.

Đối lập với Platon và không thua kém Picasso

Theo Huffington Post, nhà phê bình Martin Gayford từng viết về Lucian Freud: “Với LF (tên viết tắt của họa sĩ), mọi thứ mà ông mô tả đều là một bức chân dung. Ông nắm bắt được nét đặc trưng của hầu như mọi thứ. Ông ấy có một cảm giác nghệ thuật rất không Platon. Trong tác phẩm của ông, không có gì là tổng quát, lý tưởng hay chung chung. Ông quả quyết rằng những thứ khiêm tốn nhất, mà với nhiều người là thật khó để nhận ra, đó là những thứ chứa đựng nét đặc trưng của nó”.

“Trong thời đại nghệ thuật vị nghệ thuật, tranh chân dung, thường bị coi là nghệ thuật ứng dụng, bị xếp ở một vị thế thấp hơn. Nhưng không kém Picasso, Lucian Freud dành hẳn một sự nghiệp dài để theo đuổi tranh chân dung, biến chủ đề này thành trung tâm cho phong cách của ông. Ông là một người hiếm hoi trong số các họa sĩ hiện đại đã dành đến 7 thập kỷ để vẽ chân dung con người” - nhà phê bình Scott Cantrell viết trên Dallas News.

Tài năng của Freud không phải là một bí mật trước khi ông qua đời ở tuổi 88. Ông được chào đón như một bậc thầy của làng nghệ thuật, nhận những tràng pháo tay và sự tôn vinh ở khắp nơi.

Nhưng, từ đầu thập niên 1990, bằng vài trò ảo thuật của một nhóm nhà phê bình và kinh doanh nghệ thuật có ý đồ xấu, tranh của Freud bị ném vào một xó. Trong khi đó, nền nghệ thuật đương đại Anh trong khoảng 20 năm qua tập trung vào giải Turner - giải thưởng nghệ thuật gây tranh cãi nhất thế giới, và Damien Hirst - nghệ sĩ đương đại Anh nổi tiếng nhất hiện nay.

Nếu hiểu được điều đó, người ta sẽ thấy rõ ý nghĩa của việc tập hợp và triển lãm tranh Freud, hoạt động nghệ thuật được ca ngợi là “kỳ diệu” này đã giúp Freud lấy lại vị trí xứng đáng dành cho ông. “Ông đã và đang là một người khổng lồ với những tác phẩm nghệ thuật sẽ được nhớ đến khi mà những thứ đang được “chào hàng” là nghệ thuật chất lượng cao hiện nay sẽ bị lãng quên”, theo Guardian.

Những bức chân dung trần trụi về con người

Một số tranh của Freud, chẳng hạn Benefits Supervisor Sleeping, The Animal under the Clothes, Standing by the Rags, Esther…, vẽ người khỏa thân hoàn toàn, cả nam và nữ. Một số trẻ trung và quyến rũ, nhưng một phần lớn hơn đã già, béo, da thịt chảy xệ. Họa sĩ đưa tất cả lên tranh.

Những bức tranh này gây sốc không phải vì khiêu dâm, mà vì quá thật, quá trần trụi, không hề che đậy. Chúng buộc người xem phải đối diện với sự không hoàn hảo của chính họ, của tất cả mọi người.



Một phần của bức tranh khỏa thân The Animal under the Clothes của Lucian Freud.

Freud vẽ cơ thể không đẹp của các nhân vật, nhưng cũng là của hầu hết chúng ta. Tranh của ông như thể một tấm gương treo trước mặt người xem và họ không thể trốn chạy.

Ngay cả những bức chân dung nhân vật với đầy đủ quần áo cũng có những thứ khiến người ta phải suy ngẫm. Freud vẽ những quý ông ăn mặc bảnh bao với gương mặt lo âu, phiền muộn. Người đàn ông trong bức Man in a Chair trông như thể đang phải gánh vác cả thế giới trên vai, dù chỉ để lộ khuôn mặt và bàn tay nhăn nheo xương xẩu.

Đó cũng có thể là tâm tư của Lucian Freud, người dành hầu như cả cuộc đời để vẽ con người. Ông từng nói: “Tôi luôn muốn tạo ra những câu chuyện trong tranh của mình, vì thế tôi vẽ con người. Đó là những con người mang đến kịch tính cho tranh ngay từ khi họ xuất hiện. Những cử chỉ nhỏ nhất của con người cũng có thể kể nên một câu chuyện”.

Lucian Freud (1922-2011) là họa sĩ Anh vĩ đại của thế kỷ 20. Freud là một trong những người sáng lập và lãnh đạo nhóm nghệ sĩ lớn có tên Trường học London, gồm ông và người bạn thân - họa sĩ Francis Bacon.

Ông là cháu của nhà phân tâm học Sigmund Freud và là anh trai của nhà sản xuất truyền hình, chính trị gia Clement Freud. Cả ba đều đã chết.


Huyền Mi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm