Tái hiện 'ký ức Hà Nội' trên sân khấu

02/08/2014 08:48 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ít có vở diễn nào lại huy động một lượng "nhân sự" lớn như Những người con Hà Nội – khi có tới gần 100 diễn viên luân phiên bước lên sân khấu và...  tràn cả ra hành lang.

Đây là vở diễn được Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng nhân kỉ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (1954- 2014). Kịch bản của tác giả Phạm Văn Quý ban đầu có tên Người Hà Nội, với nội dung xoay quanh cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô mùa Đông 1946.

"Tôi muốn tái hiện một Hà Nội của 60 năm trước, cả ở nét thanh lịch hào hoa lẫn hào khí ngút trời của những người dân thủ đô đồng lòng bảo vệ mảnh đất ngàn năm văn hiến" – đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang chia sẻ - "Bởi thế, nói vở diễn không có nhân vật chính cũng đúng – bởi đây là chân dung của cả một thế hệ, một lớp người."

Cảnh trong vở Những người con Hà Nội

Nếu để kể lại, câu chuyện của Những người con Hà Nội cũng không có gì mới so với những gì từng được viết về mùa Đông lịch sử này. Những nhân vật xuất hiện là kiến trúc sư Thắng, nữ sinh Trinh, nhạc sĩ Sơn Ca, võ sư Hạng, là cả em bé đánh giày Tèo, chị hàng hoa phường Ngọc Hà... Tự nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô, những người Hà Nội thuộc mọi tầng lớp ấy luôn dũng cảm, kiên cường và lần lượt hi sinh với niềm tin vào mấy chữ "Độc lập" , "Tự do"-  vốn luôn xuất hiện trong không gian của vở diễn như một biểu trưng xuyên suốt.

Bù lại cho câu chuyện không mới ấy, chất lãng mạn và anh hùng ca của vở diễn được đẩy lên mức tối đa. Đa phần các lớp trong Những người con Hà Nội đều sử dụng đại cảnh, với những khối nhân vật tràn đầy sân khấu. Không chỉ có vậy, ngay trước khi vở diễn bắt đầu, tiền sảnh của rạp Công nhân đã được trang trí bằng hình ảnh của chiến lũy Hà Nội năm 1946. Trong vở diễn, không gian giữa các hàng ghế khán giả cũng được khai thác để chuyển thành những con phố Hà Nội trong cuộc chiến đấu, với sự xuất hiện của  tự vệ và những tốp lính lê dương Pháp.

Gần một năm chuẩn bị, Những người con Hà Nội được trau chuốt kĩ đến từng chi tiết để khắc họa "chất Hà Nội", đúng như ý tưởng của Nhà hát khi dàn dựng. Chừng ấy là đủ để vở diễn có thể thu hút người xem, ít ra là trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô vào 10/10 tới đây...

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm