Silent Hill - Revelation 3D: Sự hấp hối của dòng phim “ăn theo” game

30/10/2012 14:30 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Khi có một tác phẩm điện ảnh lớn ra đời, y như rằng lại có hàng tá “đồ phụ kiện” ăn theo, trong đó có trò chơi. Ngược lại, việc chuyển thể từ các game ăn khách lên màn ảnh rộng lại có chiều hướng đi xuống.

Ngày nay, bên cạnh hai ngành công nghiệp điện ảnh và âm nhạc, trò chơi điện tử đang có những bước phát triển tột bậc. Khoản lợi nhuận hàng năm mà ngành công nghiệp trò chơi mang lại lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.


Làn sóng ăn theo game

Phim chuyển thể từ các trò chơi điện tử ra đời cách đây đã khá lâu. Nổi tiếng nhất phải kể đến bộ ba tác phẩm Super Mario Bros., Street Fighter Mortal Kombat hồi đầu thập niên 1990. Đây là ba gương mặt vốn rất quen thuộc trong hệ thống game bốn và sáu nút cách đây 2 thập kỷ. Tuy nhiên cả Super Mario Bros. lẫn Mortal Kombat đều mau chóng rơi vào quên lãng vì không gây được ấn tượng cho người xem.

Phải đến những năm đầu thế kỷ 20, khi công nghệ máy tính, kỹ xảo điện ảnh đã có bước tiến đại nhảy vọt thì xu thế chuyển thể trò chơi gốc lên màn ảnh rộng mới thực sự hình thành. Đi tiên phong chính là Lara Croft: Tomb Raider (2001) của nữ diễn viên Angelina Jolie. Vào thời điểm đó, bộ phim đã thắng lớn tại phòng vé với hơn 274 triệu USD doanh thu trên toàn cầu.

Một năm sau đó, Resident Evil ra đời và ngay lập tức gây chấn động mạnh. Dựa trên trò chơi phiêu lưu, Resident Evil được đầu tư khoảng 33 triệu USD để sản xuất. Sau khi kết thúc thời gian trình chiếu ngoài rạp, bộ phim đã mang về cho hãng phát hành Screen Gems (thuộc Sony) 102,4 triệu USD.

Điểm quan trọng mang lại thành công cho Tomb Raider Resident Evil chính là lượng lớn fan trung thành của trò chơi sẵn sàng bỏ tiền ra rạp coi phim. Họ đến vì tò mò xem những nhân vật yêu thích xuất hiện bằng xương bằng thịt trên màn ảnh.

Sự ra đời của Lara Croft: Tomb Raider Resident Evil là nguồn động lực không nhỏ để các ông lớn khác nhảy vào cuộc. Lần lượt Doom, Silent Hill, rồi Constantine, DOA, Hitman, Max Payne liên tiếp được tung ra trong các năm sau đó.

Đến sự sụp đổ của một làn sóng

BXH 10 phim ăn khách nhất Bắc Mỹ tuần qua

1 – Argo – 12,3 triệu USD  
2 – Hotel Transylvania – 9,5 triệu USD
3 – Cloud Atlas – 9,4 triệu USD
4 – Paranormal Activity 4 – 8,6 triệu USD
5 – Taken 2 – 8 triệu USD
6 - Silent Hill: Revelation 3D – 8 triệu USD
7 – Here Comes the Boom – 5,5 triệu USD
8 – Sinister – 5 triệu USD
9 – Alex Cross – 5 triệu USD
10 – Fun Size – 4 triệu USD

Số lượng nhiều là thế nhưng chất lượng các phim không đồng đều chút nào. Nhiều tác phẩm còn trở thành thảm họa như Alone in the Dark, Far Cry, BloodRayne, In The Name Of the King: Dungeon Siege Tale. Ngay cả Lara Croft Tomb Raider 2: Cradle Of Life cũng thất bại ê chề tại thị trường nội địa và bị giới phê bình chê bai dữ dội.

Bắt đầu từ năm 2009 cho tới nay, làn sóng chuyển thể từ trò chơi bắt đầu nhạt dần. Mỗi năm Hollywood chỉ sản xuất khoảng hai bộ phim, cá biệt năm 2011 chẳng có lấy tác phẩm nào. Không những chất lượng ngày càng đi xuống, có nhiều dự án thuộc dạng bom tấn còn lỗ nặng ngay tại Bắc Mỹ.

Ví dụ điển hình là Prince Of Persia: The Sands Of Time. Với mức kinh phí đầu tư lên tới 200 triệu USD nhưng hãng phát hành Buena Vista chỉ thu về vỏn vẹn 90,7 triệu USD. Rất may là Prince Of Persia: The Sands Of Time lại hút khách ở những thị trường khác. Có thể nói rằng, các quốc gia còn lại trên thế giới đã cứu vớt Buena Vista khỏi cú ngã đau.

Giờ đây, ngoại trừ series Resident Evil có lượng khán giả trung thành nhất định thì làn sóng phim chuyển thể từ game gần như đã sụp đổ.

Cho đến số phận của Silent Hill: Revelation 3D

Ra đời vào đầu hè 2006, Silent Hill là một trong số ít tác phẩm truyền tải được không khí của trò chơi lên phim. Phải mãi 6 năm sau, Silent Hill mới ra tiếp phần 2. Tuy nhiên, hãng đứng tên sản xuất không phải là ông lớn Sony nữa mà là một gương mặt còn rất mới -Open Road Films.

Khởi chiếu đúng dịp Halloween nhưng xem ra khán giả Bắc Mỹ chẳng mấy mặn mà với bộ phim chuyển thể từ trò chơi kinh dị cùng tên này. Bằng chứng được thể hiện rất rõ qua mức doanh thu nghèo nàn 8 triệu USD trong ba ngày cuối tuần qua. Còn nhớ trong đợt phát hành đầu tiên cách đây 6 năm, Silent Hill đã bỏ túi 20,1 triệu USD, cao hơn Silent Hill: Revelation 3D rất nhiều.

Dù Open Road Films vẫn còn hy vọng thu hồi vốn vì họ chỉ phải bỏ ra 20 triệu USD để sản xuất nhưng rõ ràng Silent Hill: Revelation 3D kém xa về mặt thương mại so với hai đối thủ cùng thể loại ra mắt gần đây là Sinister Paranormal Activity 4. Silent Hill: Revelation 3D đành ngậm ngùi xếp thứ 6 trong Top 10 phim ăn khách nhất Bắc Mỹ tuần qua.

Hoàng Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm